Hệ thống phòng thủ tên lửa 'Patriot' có điểm gì đặc biệt so với NASAMS?

Lê Phương (Newsweek) Thứ ba, ngày 22/11/2022 19:16 PM (GMT+7)
Sau khi một tên lửa được cho là của Ukraine rơi xuống biên giới Ba Lan vào tuần trước và khiến hai người thiệt mạng, Đức đã đề nghị cung cấp thêm các bệ phóng tên lửa "Patriot" cho Ba Lan trong bối cảnh lo ngại chiến sự leo thang.
Bình luận 0
Hệ thống phòng thủ tên lửa 'Patriot' có điểm gì đặc biệt so với NASAMS? - Ảnh 1.

Một khẩu đội tên lửa Patriot gần căn cứ không quân Prince Sultan ở Al Kharj, Ả Rập Xê Út, vào ngày 20/2/2020. Ảnh: Getty

Hôm 21/11, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak thông báo trên Twitter rằng ông đã chấp nhận đề nghị này và dự định đề xuất các bệ phóng nên được bố trí tại biên giới chung của Ba Lan với Ukraine.

Các quan chức Ba Lan và NATO cho rằng tên lửa có khả năng do Ukraine bắn khi nước này cố gắng tự vệ trước làn sóng tấn công bằng tên lửa của Nga vào tuần trước.

Hôm 15/11, người đứng đầu Văn phòng Chính sách Quốc tế của tổng thống Ba Lan, ông Jakub Kumoch, nói với kênh TVN24 rằng tên lửa có thể đã trượt mục tiêu của Nga và hệ thống tự hủy không hoạt động, điều này "không may đã dẫn đến một thảm kịch".

Ông Kumoch và các quan chức khác như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vẫn khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm về vụ việc này vì ngay từ đầu Moscow đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt chống lại Kiev.

Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không được Mỹ và các đồng minh sử dụng, nhưng nó có một số điểm tương đồng và khác biệt chính với hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Mỹ (NASAMS).

NASAMS được phát triển bởi nhà sản xuất Raytheon của Mỹ và Kongsberg Defense & Aerospace có trụ sở tại Na Uy. Theo Army-tech.com, Patriot cũng được sản xuất bởi Raytheon.

Các biến thể mới hơn của hệ thống Patriot, mà hơn một chục quốc gia hiện đang vận hành, có thể tấn công tên lửa đạn đạo cũng như hành trình, theo trang web Đe dọa Tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Sean Spoonts, một cựu chiến binh Hải quân Mỹ và là người đứng đầu trang web chuyên về các chiến dịch của lực lượng đặc nhiệm Mỹ (SOFREP), nói với Newsweek rằng Patriot là "tiêu chuẩn vàng về hệ thống chống tên lửa". Theo ông Spoonts, so với NASAMS tầm trung, hệ thống Patriot có thể bắn ở tầm ngắn, trung bình và xa.

Raytheon mô tả NASAMS là một giải pháp phòng không "có khả năng thích ứng cao" có thể được sử dụng để "xác định, tấn công và tiêu diệt máy bay địch, phương tiện bay không người lái và các mối đe dọa tên lửa hành trình mới". Theo Raytheon, hệ thống này được vận hành bởi 13 quốc gia.

Mỹ đã cung cấp NASAMS cho Ukraine để giúp tăng cường khả năng phòng không của nước này trước các cuộc tấn công của Nga trong bối cảnh chiến sự căng thẳng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III cho biết trong một cuộc họp ngắn hôm 14/11 rằng NASAMS do Mỹ cung cấp ở Ukraine có tỷ lệ thành công 100% trong việc đánh chặn tên lửa của Nga.

Mỹ không gửi bất kỳ hệ thống Patriot nào tới Ukraine, mặc cho Kiev liên tục yêu cầu.

Hôm 15/11, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã bày tỏ với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một cuộc điện đàm rằng Ukraine cần bổ sung thêm hệ thống phòng không.

"Tôi cảm ơn Mỹ vì sự hỗ trợ quốc phòng quan trọng của họ và nhấn mạnh rằng việc chuyển giao các hệ thống phòng không cho Ukraine cần phải được đẩy nhanh", ông Kuleba nói. "NASAMS đã chứng minh hiệu quả. Tôi tin rằng thời điểm của 'Patriots' đã đến".

Vào đầu tháng 3, Mỹ tuyên bố rằng họ đang gửi một số hệ thống Patriot tới Ba Lan để tăng cường an ninh của quốc gia NATO này trước sự bùng nổ của chiến sự Ukraine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem