Hiệp định thương mại tự do: Thay đổi để thích ứng!

28/06/2019 11:04 GMT+7
Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu ngày càng tốt đẹp, hiệp định thương mại tự do EVFTA hứa hẹn sẽ mở cánh cửa lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh của Việt Nam.

Những tiềm năng chưa được đánh thức

Phân tích từ số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong 10 thị trường đầu tư vốn FDI nhiều nhất vào Việt Nam nửa đầu năm 2019, không có quốc gia nào ở khu vực EU. Nếu tính các dự án FDI lũy kế đến nay còn hiệu lực, Hà Lan là quốc gia dẫn đầu khu vực với 540 dự án, tổng vốn đăng ký 9,5 tỉ USD; tiếp theo là Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ…

Bởi vậy, để đánh thức được những tiềm lực chưa tỉnh giấc thì cần những “cú hích”, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) cùng Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) hứa hẹn sẽ hoàn thành tốt điều đó. Bởi khi đó, những cam kết được đối xử bình đẳng, công bằng và những điều khoản có lợi cho các nhà đầu tư sẽ thu hút nhiều hơn nguồn đầu tư từ các nước trong EU.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, nhận xét đầu tư trực tiếp từ châu Âu tới Việt Nam, dưới tác động của hiệp định này sẽ gia tăng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, trên cơ sở đầu tư trung bình của EU vào Việt Nam đạt gần 800 triệu USD/năm trong khoảng từ năm 2010-2017 và có triển vọng lạc quan hơn thời gian tới.

Ngoài ra những rào cản thuế quan, quyền sở hữu trí tuệ hay thời gian thực hiện thủ tục hành chính, cấp phép cũng là rào cản cho những đầu tư vào nước ta.

Những cơ hội khi hiệp định thương mại tự do được kí kết

Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn vẫn chưa có hồi kết thì những nguồn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ có cả những doanh nghiệp EU đang hoạt động tại Trung Quốc. Khi đó các mối quan hệ đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam với các quốc gia khác sẽ đa dạng và cân bằng hơn.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Những ưu điểm thể thuế xuất sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của các doanh nghiệp (ảnh minh họa)

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

Những thay đổi để hội nhập

Bước chân ra thị trường lớn, chúng ta cần thay đổi nhưng cũng không được làm mất chính mình. Thay đổi về cách sản xuất, nâng cao nâng suất, chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã, chủng loại, bao bì,... được coi là những yếu tố đầu tiên trong việc hội nhập cùng các nước lớn. Ra một thị trường khó tính như EU, việc nâng cao hơn nữa chất lượng và thương hiệu sẽ là một trong những yếu tố sống còn của Việt Nam.

Tuy nhiên việc giữ vững bản sắc, phát huy những thế mạnh và ưu điểm vốn có của Việt Nam cũng vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó cần ưu tiên hơn nữa thúc đẩy ngoại giao, liên kết đa phương với các nước để mở rộng hơn nữa thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Mai Trang
Cùng chuyên mục