Hồ chứa nước Đồng Mít hơn 2.100 tỷ đồng và những kỳ vọng “đặc biệt”

03/07/2021 14:00 GMT+7
Hồ chứa nước Ðồng Mít (huyện An Lão), là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định với tổng mức đầu tư 2.142 tỷ đồng, được kỳ vọng vực dậy sản xuất nông nghiệp cho vùng Bắc tỉnh Bình Định.

Theo kế hoạch, dự kiến cuối năm nay, công trình hồ chứa nước Đồng Mít tại huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định) sẽ tích nước phục vụ sản xuất và dân sinh cho các địa phương phía Bắc tỉnh Bình Định.

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án, việc quy hoạch, xây dựng hệ thống thủy lợi sau thân đập đang được khẩn trương thực hiện.

Theo ông Hồ Đắc Chương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, để phát huy tối đa hiệu quả của hồ chứa nước Đồng Mít, điều kiện tiên quyết là phải có hệ thống thủy lợi sau thân đập được quy hoạch thật khoa học.

Hệ thống thủy lợi sau thân đập gồm: Cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợivà một số công trình khác là điều kiện để khai thác hết năng lực của hồ chứa. Do đó, hệ thống thủy lợi sau thân đập phải được quy hoạch khoa học, hợp lý, kết nối đồng bộ với công trình.

"Ban quản lý dự án NNPTNT Bình Định đang thi công hệ thống kênh và đường ống chuyển nước từ hồ chứa nước Đồng Mít về tưới cho khoảng 165ha đất sản xuất nông nghiệp ở huyện An Lão. Hệ thống kênh tưới này được đầu tư khoảng 39,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022", ông Chương nói.

Hồ chứa nước Đồng Mít hơn 2.100 tỷ đồng và những kỳ vọng “đặc biệt” - Ảnh 1.

Hồ Đồng Mít đang chạy đua để hoàn thiện. Ảnh: T.B.

Trong khi đó, không chỉ sản xuất nông nghiệp của huyện An Lão được hưởng lợi từ công trình hồ chứa nước Đồng Mít, mà vùng từ hồ phía hạ lưu rất rộng, đặc biệt là ruộng đồng thuộc vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ cũng được hưởng lợi.

Cuối năm nay, khi hồ chứa nước Đồng Mít tích nước kết hợp với tác động nhờ đập ngăn mặn trên sông Lại Giang (TX.Hoài Nhơn) đi vào vận hành, 2 hệ thống này kết nối với nhau sẽ đảm bảo cấp nước tưới cho cả một vùng rộng lớn thuộc huyện An Lão, TX. Hoài Nhơn và nhiều địa phương địa phương phía Bắc huyện Phù Mỹ. "Muốn được vậy hệ thống thủy lợi sau thân đập phải được tính toán thật chi tiết. Các chuyên gia phải khảo sát, quan trắc, đo đạc để có nhiều số liệu, dữ kiện từ thực tế mới có thể tính toán thiết kế vừa chính xác vừa tiết kiệm", ông Chương cho hay.

Việc dẫn nước từ hồ chứa Đồng Mít về đến sông Lại Giang thuộc TX.Hoài Nhơn sẽ thông qua hệ thống ống dẫn có chiều dài khoảng 45km. Hệ thống này kết hợp với các công trình thủy lợi đang có sẽ cấp đủ nước tưới cho 725ha đất canh tác ven sông An Lão.

Ngoài ra, bổ sung nước giúp hệ thống đập dâng Lại Giang đảm bảo nước tưới cho gần 5.000ha, từ đập dâng Lại Giang nước sẽ được chuyển nước về phía Bắc huyện Phù Mỹ để tưới cho khoảng 700ha nữa.

Hồ chứa nước Đồng Mít hơn 2.100 tỷ đồng và những kỳ vọng “đặc biệt” - Ảnh 2.

Đơn vị thi công đổ bê tông đầm lăn công trình hồ chứa nước Đồng Mít. Ảnh: T.B.

Theo các chuyên gia thủy lợi, phương án chuyển nước từ đập dâng Lại Giang về các địa phương phía Bắc huyện Phù Mỹ phải thông qua hệ thống trạm bơm đặt trên sông Lại Giang, đoạn cách đập tưới Lại Giang khoảng 1km, cùng với đó là tuyến ống dẫn nước qua đèo Phủ Cũ.

Hệ thống trạm bơm gồm 4 tổ máy, mỗi năm sẽ bơm khoảng 5 triệu m3 nước vào đường ống có chiều dài 6,6km, nước sẽ đi xuyên đèo Phủ Cũ  theo hệ thống tuyến ống dài 350m qua đường hầm đến kênh dẫn nước dài 11,6km sau cửa hầm.

Hệ thống dẫn nước này kết hợp với các công trình thủy lợi hiện có đảm bảo cấp đủ nước tưới thêm cho 700ha đất sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ hệ thống hiện có đảm bảo cấp nước cho 6.200ha đất sản xuất nông nghiệp ở vùng ven đầm Trà Ổ.

Đặc biệt, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 60.000 người dân thuộc các vùng khô hạn ven đầm Trà Ổ thuộc huyện Phù Mỹ, những địa phương thường xuyên thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

"Tuy nhiên, việc chuyển nước từ đập dâng Lại Giang về phía Bắc huyện Phù Mỹ thật sự là không thuận lợi, bởi nước phải được đẩy từ vùng thấp lên vùng cao. Do đó, các chuyên gia phải tính toán thật chi tiết để đảm bảo an toàn, tùy theo địa hình thực tế ở mỗi vị trí để có giải pháp kỹ thuật thi công, vật liệu xây dựng đường ống phù hợp. Ước tính để thực hiện phương án này cần phải đầu tư khoảng 120 tỷ đồng", ông Chương cho biết.

Hồ chứa nước Đồng Mít hơn 2.100 tỷ đồng và những kỳ vọng “đặc biệt” - Ảnh 3.

Kỳ vọng về hồ chứa nước Đồng Mít. Ảnh: T.B.

Theo ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, tỉnh này hiện có 4 hệ thống thủy lợi lớn gồm: Hệ thống thủy lợi Sông Côn - Hà Thanh, hệ thống thủy lợi La Tinh, hệ thống thủy lợi phía Bắc Phù Mỹ và hệ thống thủy lợi Lại Giang. Hiện nay, phía Bắc huyện Phù Mỹ là vùng đất thường xuyên xảy ra khô hạn nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Vùng đất này không có lưu vực sông lớn, hồ chứa thì nhỏ. Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên trong những năm gần đây vùng đất này ít có mưa. Vì vậy, khi xây dựng phương án hệ thống chuyển nước về vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ, mục tiêu đề ra là không chỉ cung cấp nước tưới, cấp nước trực tiếp cho sản xuất mà còn tính toán đến chuyện tích nước ở một số hồ chứa trên địa bàn huyện để dự phòng cho những mùa khô hạn.

Cùng với cung cấp nước sản xuất nông nghiệp, hệ thống này còn đảm bảo nước sinh hoạt cho sản xuất công nghiệp. Đăc biệt là nạn khô hạn lâu nay của vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ sẽ được giải quyết.  Do đó, lãnh đạo Bình Định đang rất quan tâm để dự án này sớm thành hiện thực.

"Phương án chuyển nước từ đập Lại Giang về vùng phía Bắc huyện Phù Mỹ không chỉ giải được bài toán khô hạn, mà còn tạo ra sự thay đổi có tính đột phá cho vùng đất này. Xét về mặt kỹ thuật, đủ nước sản xuất thì người dân thuận lợi gieo trồng, họ chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những cây trồng phù hợp, năng suất, sản lượng tăng, thu nhập tăng theo", ông Trần Văn Phúc chia sẻ.


Thăng Bình
Cùng chuyên mục