Hồ sơ tăng “phi mã”, doanh nghiệp xếp hàng chờ ngân hàng “gỡ khó”
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, các ngân hàng đang tích cực thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi vay cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, số hồ sơ của khách hàng quá lớn trong khi lượng cán bộ ngân hàng không tăng lên, nên chưa thể giải quyết tất cả trong thời gian ngắn.
"Số lượng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần được hỗ trợ cơ cấu nợ theo Thông tư 01 rất lớn, kèm theo việc phải xử lý, thu thập hồ sơ để đánh giá, thẩm định khi thực hiện cơ cấu nợ, bảo đảm tuân thủ quy định tạo nên những áp lực, gánh nặng rất lớn đối với các tổ chức tín dụng (TCTD).
Đặc biệt là đối với các ngân hàng tập trung vào phân khúc bán lẻ, các khoản vay nhỏ của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, khách hàng doanh nghiệp siêu nhỏ... Trong khi đó, số lượng cán bộ, nhân viên ngân hàng không tăng lên, cũng là điều khó khăn cho các TCTD trong việc thực hiện các công việc cần thiết để cơ cấu nợ cho số lượng lớn khách hàng trong thời gian ngắn", ông Thắng cho hay.
VPBank mới đây đã công bố số liệu thống kê giai đoạn 1 (tính đến ngày 4/5/2020) về việc giảm, giãn và gia hạn nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tổng cộng đã có hơn 13.000 hồ sơ giải ngân mới tương đương 18.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay trung bình giảm đến 3% so với trước thời gian dịch bệnh.
Ngoài ra, tổng dư nợ của các khoản cơ cấu lại thời hạn trả nợ là gần 12.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 14.000 trường hợp; tổng số dư nợ được hỗ trợ giảm lãi suất là gần 33.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 22.000 hồ sơ đã xử lý, với mức lãi suất đã giảm từ 0,5% - 3% mỗi trường hợp.
Riêng với khách hàng cá nhân, tính đến ngày 4/5/2020, đã có gần 13.000 hồ sơ được xử lý với tổng dư nợ lên tới gần 4.000 tỷ đồng, chiếm hơn 91% tổng số hồ sơ đề nghị hỗ trợ do dịch bệnh.
"Lượng hồ sơ chờ xử lý tăng theo cấp số nhân mỗi ngày và được hệ thống giải quyết theo quy trình được cải tiến, đảm bảo hỗ trợ đến được với khách hàng sớm nhất", VPBank cho hay.
Nhiều ngân hàng khác cũng cho biết, lượng hồ sơ chờ xử lý tăng "phi mã" mỗi ngày và ngân hàng đang quá tải do không đủ nhân lực.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, với các ngân hàng bán lẻ, lượng khách hàng rất lớn, đồng nghĩa với hồ sơ xin cơ cấu lại nợ rất nhiều. Để hoàn tất thủ tục cơ cấu 1.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, có khi ngân hàng phải xử lý 2.000 - 3.000 hồ sơ của khách hàng, vì có khách hàng vay 1 - 2 tỷ đồng, song cũng có khách hàng chỉ vay 200 - 300 triệu đồng. Số lượng hồ sơ lớn, trong khi theo quy định, chỉ có Ủy ban Cơ cấu nợ của ngân hàng mới được phép phê duyệt hồ sơ được cơ cấu nợ, dẫn tới tình trạng quá tải, hồ sơ ùn ứ.
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cũng cho biết, lượng khách hàng gửi đơn xin cơ cấu nợ tại ngân hàng này tăng chóng mặt khiến các bộ phận liên quan phải chạy hết tốc lực.
Dù việc thẩm định hồ sơ đang quá tải ở hầu hết các ngân hàng, nhưng cá ngân hàng vẫn khẳng định, việc thực hiện vẫn phải tuân thủ đúng quy trình cho vay hiện hành. Đặc biệt, không vì bất cứ lý do gì mà cho vay "dưới chuẩn" nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn hoạt động của ngân hàng.