Hoài nghi về các lệnh trừng phạt Nga, giá dầu giảm
Giá dầu Brent tương lai giảm 49 cent, tương đương 0,5%, xuống 100,58 USD/thùng.
Giá dầu WTI tương lai giảm 20 cent, tương đương 0,2%, xuống 96,03 USD/thùng.
Giá hai loại dầu phiên trước đó giảm hơn 5% xuống thấp nhất kể từ ngày 16/3. Giá dầu còn chịu áp lực giảm vì lo ngại Trung Quốc phong tỏa ứng phó Covid-19 sẽ làm suy giảm đà phục hồi lực cầu.
Josep Borrell, quan chức ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU), phát biểu tại một cuộc họp của NATO rằng các biện pháp trừng phạt mới của EU, bao gồm lệnh cấm với than của Nga, có thể được thông qua ngày 7 hoặc 8/4. Liên minh sau đó sẽ thảo luận về lệnh cấm vận dầu Nga.
Tuy nhiên, lệnh cấm than sẽ có hiệu lực đầy đủ từ giữa tháng 8, chậm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.
“Không ai muốn hứng đạn và trừng phạt ngành năng lượng Nga”, Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, nói.
Ấn Độ tiếp tục mua dầu Nga với giá chiết khấu, gần như bác bỏ kịch bản từ giới phân tích là thị trường thế giới sẽ mất nguồn cung 2 – 3 triệu thùng/ngày từ Nga.
“Tình hình lực cầu ở Trung Quốc không thực sự tốt, đặc biệt là khi chúng ta có nhiều nguồn cung mới trên thị trường”, theo John Kilduff, nhà phân tích tại Again Capital, New York.
Các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhất trí xả 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ. Trước đó, Mỹ cũng thông báo xả 180 triệu thùng dầu trong 6 tháng nhằm giúp hạ nhiệt giá.
Kim loại quý
Giá vàng ngày 7/4 tăng nhờ nhu cầu mua tài sản an toàn phòng hộ cuộc khủng hoảng Ukraine tăng.
Giá vàng giao ngay tại sàn New York tăng 5,9 USD lên 1.931,2 USD/ounce.
Giá vàng tương lai tăng 0,8% lên 1.937,8 USD/ounce.
Giá bạc tăng 0,6% lên 24,58 USD/ounce.
Giá platinum tăng 0,9% lên 961,53 USD/ounce.