Hơn 1 tháng thực thi EVFTA, thuỷ sản Việt tận dụng ra sao?

06/09/2020 10:50 GMT+7
Sau hơn 1 tháng thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam như cá ngừ, tôm đã tăng mạnh.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 6, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, ngay khi bước sang tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, từ ngày 1/8, các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304) của Việt Nam nhập khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ thuế quan.

Ngoài ra, đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp, từ nay đến hết năm 2020, có 4.791 tấn các sản phẩm cá ngừ ngâm dầu thực vật đóng hộp, cá ngừ vằn được chế biến hoặc bảo quản,… sẽ được miễn thuế khi nhập khẩu vào EU.

Theo nhận định của giới chuyên môn, sở dĩ các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang EU trong tháng 7 tăng đột biến là do hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ được phân bổ theo cơ chế "doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp hạn ngạch trước" (first-come, first-serve).

Hơn 1 tháng thực thi EVFTA, thủy sản Việt tận dụng ra sao? - Ảnh 1.

Hơn 1 tháng thực thi EVFTA, nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam từng bước tận dụng lợi ích từ hiệp định.

Do vậy, từ rất sớm, các nhà nhập khẩu EU đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể vận chuyển các lô hàng tới cảng ngoại quan tại các nước EU chờ sẵn để có thể thông quan vào ngày 1/8.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê của Hải quan cũng cho thấy xuất khẩu 4 nhóm sản phẩm cá ngừ của Việt Nam trong tháng 7 đều tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, nhóm các sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô (trừ thịt cá ngừ đông lạnh mã HS0304) tăng mạnh nhất, tăng 2.607% so với tháng 7.2019, tiếp đến là các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tăng 78%.

Trong đó, Đức, Ý và Hà Lan là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối EU. Trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang cả 3 thị trường này đều tăng trưởng ấn tượng ở mức ba con số lần lượt là 119%, 200% và 210%.

Về sản phẩm con tôm của Việt Nam, trước đây, chỉ với mức ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), mặt hàng này đã có được thuận lợi lớn khi xâm nhập thị trường EU, đưa EU trở thành một trong 4 thị trường tiêu thụ tôm lớn của Việt Nam.

Hiện tại, EVFTA đã chính thức có hiệu lực với những ưu đãi thuế quan còn cao hơn cả GSP, nên con tôm Việt Nam càng có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ chưa có FTA với EU.

Theo nhận định của giới chuyên môn, một trong những lợi thế chung lớn nhất của con tôm Việt Nam là tôm chế biến bình thường (tôm nguyên con cao cấp hoặc bỏ vỏ chế biến đông lạnh) có mức thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, đối với mặt hàng tôm được chế biến sâu, trình độ của các doanh nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá cao trên thế giới. Theo đại diện Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta - Sóc Trăng cho biết, các mặt hàng tôm chế biến sâu, như: tôm luộc, tôm bao bột, tôm chiên tuy có mức thuế cao và lộ trình về 0% mất 5-7 năm, nhưng do mức thuế cao (trên 20%) sẽ tạo chênh lệch lớn với tôm nhập khẩu từ các nước không có FTA với EU.

Theo đó, dù giá thành sản xuất tôm nguyên liệu Việt Nam luôn cao hơn một số nước từ 20-30%, nhưng con tôm Việt Nam không chỉ cạnh tranh một cách sòng phẳng mà còn ở "chiếu trên" trong một số phân khúc thị trường so với con tôm các nước. Chính từ lợi thế trên, nên có những thời điểm giá tôm thế giới xuống thấp, người nuôi tôm một số nước thua lỗ, nhưng toàn ngành tôm Việt Nam vẫn vượt qua.

Theo nhận định từ VASEP, với sự tăng trưởng vượt bậc tại các thị trường trong tháng 7, ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA đang tạo ra sức hút cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại thị trường EU. Theo đó, Hiệp định EVFTA đang tạo ra cơ hội phục hồi cho ngành thủy sản Việt Nam đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục