HSBC bất ngờ dự báo lạm phát Việt Nam giảm nhẹ xuống 3,5% bất chấp diễn biến giá xăng dầu khó lường

15/06/2022 11:46 GMT+7
Theo HSBC, tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy lạm phát gia tăng, nhiều khả năng sẽ có lúc vượt qua mức cao nhất 4% trong nửa sau của năm 2022.

Lạm phát Việt Nam có thể giảm nhẹ

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa có một báo cáo đánh giá tình hình lạm phát tại Việt Nam và các nước khác trong ASEAN. Trong đó điều chỉnh dự báo lạm phát của hầu hết các nền kinh tế ASEAN.

"ASEAN sẽ không tránh được tác động của giá cả tăng lên. Sau khi xem xét mọi khía cạnh, chúng tôi đã có một vài thay đổi trong dự báo lạm phát, nâng mức dự báo năm 2022 với Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines. Chúng tôi giảm nhẹ mức dự báo năm 2022 với Việt Nam về mức 3,5%, thay vì mức 3,7% trong dự báo trước đó, do giá thực phẩm trong nước ổn định, nhiều khả năng sẽ giúp kiềm chế lạm phát toàn phần", HSBC nhận định

Theo các chuyên gia phân tích của HSBC, trong vòng một năm vừa qua, tình hình diễn biến lạm phát ở khu vực ASEAN khá yên ắng so với các nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho rằng tới nay tình hình đã đổi khác, áp lực giá đã tăng lên đáng kể ở một số thị trường, đáng lưu ý là Thái Lan, Philippines và Singapore. Trong khi đó, đối với Việt Nam, Malaysia và Indonesia, lạm phát vẫn tương đối trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, trong vài tháng tới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng sẽ tăng lên.

Giá năng lượng và thực phẩm trên thế giới tăng lên hiện là nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro lạm phát. Tính đến nay, Thái Lan là nước phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng mạnh nhất, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Tại Indonesia và Malaysia, trợ cấp và kiểm soát giá tất nhiên giúp giảm nhẹ tác động đáng kể. Tuy nhiên, những động thái này lại ngày càng tốn kém, ngay cả khi hai nước trên gia tăng thu tài khóa nhờ giá hàng hóa tăng cao. Vì vậy, sau một thời gian, chương trình trợ cấp và kiểm soát giá sẽ cần thu gọn lại và khoanh vùng cụ thể hơn. Điều này là bước quan trọng nhằm giải phóng thêm nguồn ngân sách cho mục đích khác ví dụ như đầu tư vào cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, tuy nhiên cái giá phải trả có thể là lạm phát cao lên.

HSBC dự báo lạm phát Việt Nam giảm nhẹ xuống 3,5% - Ảnh 1.

Ở Việt Nam, lạm phát giá năng lượng cũng đã kéo dài được một thời gian. Giá vận tải tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát. Bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng hơn.

Từ tháng 1 năm nay, nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam - Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã giảm công suất và gần như không hoạt động vào tháng 2, trước khi nâng công suất lên khoảng 80% vào tháng 3.

Tình hình này buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm nguồn thay thế nhằm giảm nhẹ áp lực năng lượng. Chính phủ Việt Nam cam kết nhập thêm 2,4 triệu mét khối xăng trong quý II/2022, được thể hiện trong số liệu nhập khẩu của Việt Nam tăng lên. Trong khi đó, kể từ 1/4, chính phủ cũng đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác. Bất chấp giá năng lượng tăng lên, lạm phát thực phẩm ở mức vừa phải, vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI, đã giúp kiểm soát mức tăng chung của lạm phát toàn phần tính tới thời điểm này.

Về mặt hàng thực phẩm, bộ phận nghiên cứu của HSBC thấy rằng giá tăng ở tất cả các nền kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mức lạm phát thực phẩm ở Thái Lan và Indonesia lên mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Ở Thái Lan, giá thịt cũng tiếp tục tăng, chủ yếu là do gián đoạn sản xuất thịt heo trong nước vì dịch tả heo châu Phi, đẩy giá các loạt thịt khác lên, ví dụ như thịt gà.

Đối với Việt Nam, HSBC đánh giá tình trạng giá thực phẩm tăng lại khả quan hơn so với các nước khác, trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tình trạng giá năng lượng tăng và giá thực phẩm thế giới cao lên có thể đẩy các chi phí trong nước lên theo.

Ngoài giá năng lượng và thực phẩm, vấn đề khác cũng đáng quan tâm là khả năng ảnh hưởng lây lan đến nhóm hàng cơ bản. Theo ước tính của đơn vị phân tích này, mức độ ảnh hưởng ở các nước ASEAN là không đồng đều, trong đó, Philippines là chịu ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó tới Malaysia và Indonesia. Còn ở Việt Nam và Thái Lan, ảnh hưởng lan rộng lại hạn chế.

Về sự phục hồi của thị trường việc làm, ở Indonesia, Việt Nam, Singapore và Philippines, các chỉ số lao động mới nhất trong thống kê PMI ngành sản xuất đã đạt ngưỡng mở rộng và vượt mức trước đại dịch. Các biện pháp hạn chế phòng chống dịch trong nước dần được gỡ bỏ, tình hình việc làm trong ngành dịch vụ, chiếm phần lớn trong các công việc ở ASEAN, cũng sẽ liên tục được cải thiện. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn tới áp lực ngược lên lương và lạm phát cơ bản trong những quý tới.

"ASEAN sẽ không tránh được tác động của giá cá tăng lên. Sau khi xem xét mọi khía cạnh, chúng tôi đã có một vài thay đổi trong dự báo lạm phát, nâng mức dự báo năm 2022 với Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines. Chúng tôi giảm nhẹ mức dự báo năm 2022 với Việt Nam do giá thực phẩm trong nước ổn định nhiều khả năng sẽ giúp kiềm chế lạm phát toàn phần", HSBC đưa ra nhận định.

Lạm phát Việt Nam có thể vượt 4% nhưng chỉ tạm thời 

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, các chuyên gia dự báo ngân hàng trung ương các nước trong khu vực ASEAN sẽ có phản ứng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Hiện tại, Malaysia và Philippines đã đưa ra động thái tăng lãi suất. Trong đó, cả Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia) và Ngân hàng trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas) đều đã nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm % để giữ được lạm phát trong mức kỳ vọng.

HSBC dự báo cả 2 nền kinh tế này sẽ tiếp tục có các đợt tăng lãi suất trong giai đoạn 2022-2023 và đưa lãi suất điều hành trở lại mức trước dịch Covid-19.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, HSBC đánh giá nhờ xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng và tiêu dùng cá nhân phục hồi, Việt Nam chắc chắn lấy lại mức tăng trưởng trước đại dịch.

"Trong khi lạm phát hiện tại vẫn ở dưới mục tiêu 4%, chúng tôi dự báo tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả nói chung lên. Nhiều khả năng lạm phát sẽ có lúc vượt qua trần 4% của Ngân hàng Nhà nước trong nửa sau của năm 2022 nhưng chỉ là tạm thời. Tình hình đó có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 trước khi tăng lãi suất 3 lần, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023", báo cáo của HSBC nhận định.

Với tình hình này, NHNN có thể phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý III/2022, trước khi tăng lãi suất ba lần (mỗi lần 0,25 điểm %) trong năm 2023.

Theo số liệu mới nhất từ cơ quan quản lý, CPI trong nước đang có xu hướng tăng do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng. Trong đó, chỉ số CPI tháng 5 đã tăng 0,38% so với tháng trước và cao hơn 2,86% so với tháng 5/2021. Bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI đã tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng trong giai đoạn 2017-2020.

Trước áp lực của lạm phát đang có xu hướng tăng cao, Chính phủ đã có một loạt chỉ đạo tới Bộ Tài chính, NHNN và các bộ, ngành để triển khai, thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát giá cả, đặc biệt là giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó có việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế VAT…



An Vũ
Cùng chuyên mục