Hưởng lợi từ đầu từ công, cổ phiếu vật liệu xây dựng nhấp nhổm tăng kịch trần

04/05/2022 15:52 GMT+7
Các chuyên gia đầu ngành đã bàn luận về cơ chế để tạo đột phá cho các địa phương và doanh nghiệp khi tham gia triển khai các Dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 4 vùng Thủ đô. Cùng với đó, cổ phiếu nhóm ngành vật liệu xây dựng trong phiên hôm nay đã đua nhau tăng kịch trần.

Sáng 4/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Kết nối giao thông vành đai liên vùng – động lực cho phát triển bứt phá”.

Nội dung buổi tọa đàm thảo luận liên quan đến dự án đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là các công trình cơ sở hạ tầng và cũng là cao tốc đô thị, kết nối 2 trung tâm kinh tế, 2 vùng động lực kinh tế lớn nhất nước.

2 trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông

Đánh giá về tính cấp thiết của 2 dự án trọng điểm này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, khi xây dựng dự án, tất cả căn cứ, kể cả về mặt chủ trương chiến lược, đều cho thấy phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2021-2025. 

Trên thực tế, như ban đầu đề cập đến, số lượng đường cao tốc chúng ta đạt được khá thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước. Chính vì vậy, đặt ra mục tiêu hoàn thành 2 tuyến đường Vành đai số 3 TPHCM và số 4 TP. Hà Nội tại thời điểm hiện nay hết sức hợp lý khi quãng thời gian của giai đoạn trước 2011-2020.

"Tôi cho rằng, thời điểm hiện nay đã chín muồi, mang ý nghĩa rất lớn khi gắn với mục tiêu phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2030, đặc biệt sự đột phá nhất định", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Tán thành với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước suốt thời gian dài tắc nghẽn giao thông, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển đô thị do thiếu đường giao thông. Việc Chính phủ quyết định phải làm hai tuyến đường thể hiện tầm nhìn khác trước. Đây là hai trong 5 dự án ưu tiên hàng đầu của quốc gia về giao thông.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm. Khu vực Vành đai 4 là trung tâm kết nối phía Bắc với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối với Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cho phép hướng tới chỉnh thể của hệ thống cao tốc, vì vậy, không chỉ Thủ đô Hà Nội mà cả vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới.

Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng. Đối với Hà Nội, tuyến vành đai này còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía Đông Nam; đồng thời, kết nối với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phía Nam Thủ đô.

“Việc mở rộng Vành đai 4 cho phép Thành phố điều chỉnh tổng thể quy hoạch Thủ đô, để khai thác động lực phát triển đô thị và nông thôn. Đặc biệt, Vành đai 4 có lộ giới từ 90 -135 m, bao gồm lộ giới cho toàn bộ đường sắt quốc gia. Điều này rất quan trọng cho việc đồng bộ hóa đường bộ, đường sắt”, ông Dương Đức Tuấn nói.

Hưởng lợi từ đầu từ công, cổ phiếu vật liệu xây dựng nhấp nhổm tăng kịch trần - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

 Dự án vành đai 4 Vùng Thủ đô: Tổng vốn 85.813 tỷ đồng

Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư lớn, hình thức đầu tư hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng, chia thành 3 nhóm dự án thành phần. 

Trong đó, nhóm dự án 1 là giải phóng mặt bằng, nhóm 2 là dự án đường đô thị song hành dưới thấp và nhóm 3 là dự án xã hội hóa (chỉ 1 dự án) theo mô hình đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT do nhà đầu tư đảm nhận. Vốn đầu tư nhóm 1, 2 do ngân sách Trung ương và địa phương đảm nhận; nhóm dự án 3 do nhà đầu tư BOT đảm nhận với tổng mức đầu tư là 29.410 tỷ đồng.

Phần vốn ngân sách Trung ương và địa phương đã được cân đối tương đối hoàn chỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đối với Chính phủ, dự kiến cân đối trên 28.000 tỷ đồng; 3 địa phương Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh phải cân đối trên 28.000 tỷ đồng, trong đó Hà Nội là chủ yếu, tiếp đó đến Bắc Ninh và Hưng Yên.

Ba địa phương triển khai dự án đường song hành dưới thấp, có khả năng vốn phải tính đến năm 2026 và tiến độ đầu tư phù hợp với quá trình hình thành cấu trúc toàn tuyến. Dự án PPP-BOT quy mô 29.410 tỷ đồng, phải triển khai xong vào năm 2025.

Khó khăn lớn nhất của dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô là công tác giải phóng mặt bằng, khi quy mô giải phóng mặt bằng tương đối lớn, 1.341 ha cho cả 3 tỉnh, thành phố; chiếm 19.000 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. 

Riêng Hà Nội phải có một phương án bồi thường tái định cư cho 14.647 hộ và tái định cư cho 2.203 hộ, đã chuẩn bị 9 khu tái định cư quy mô khoảng 36,3 ha. Vượt qua khó khăn này, các dự án thành phần kế tiếp như dự án nhóm 2 đường song hành đô thị sẽ diễn ra từ năm 2022-2026; đặc biệt là dự án trung tâm PPP-BOT với 65% đi trên cao, 35% đi dưới thấp để tạo ra điều kiện phát triển đô thị hai bên tuyến sẽ phải hoàn thành trong năm 2025.

Đề cập đến cơ chế nguồn vốn cho đầu tư, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, trên cơ sở triển khai dự án cao tốc phía Đông giai đoạn 2 đã được Quốc hội cho phép, Chính phủ xem xét trình Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho hai dự án Vành đai 3, 4. 

Theo đó, Chính phủ xin phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để phát triển dự án; tăng tổng mức đầu tư trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tạm thu của các địa phương và cho Chính phủ phát hành trái phiếu để các địa phương vay lại nhằm đáp ứng yêu cầu tiến độ giải ngân cho dự án, đặc biệt trong giai đoạn 2024-2025. Các địa phương chịu trách nhiệm cân đối nguồn thu ngân sách địa phương, bao gồm nguồn thu sử dụng đất để hoàn trả ngân sách địa phương trong giai đoạn 2026-2030.

Cổ phiếu vật liệu xây dựng đua nhau tăng trần

Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, Vn-Index giảm 18,12 điểm (-1,33 %) xuống 1348.68 điểm với 301 mã giảm áp đảo 140 mã tăng, 16 mã sàn và 12 tăng trần.

Thanh khoản trong phiên hôm nay bất ngờ rơi xuống mức báo động với 528,3 triệu CP khớp lệnh, tương đương giá trị giao dịch đạt 14.455 tỷ đồng

Sự “hụt hơi” của dòng tiền cũng khiến phần lớn mã cổ phiếu trong rổ VN30 kết phiên trong sắc đỏ với 21 mã giảm, trong đó có toàn bộ nhóm CP ngân hàng. Những mã giảm đáng chú ý là là: ACB, CTG, GVR, HDB, HPG, KDH, MBB, MSN, NVL, SSI, STB, TCB, TPB, VCB, VNM, VPB, VRE.

Trong khi đó, những mã giúp kìm hãm đà rơi của VN Index gồm có: GAS, BVH, POW, PLX, SAB. Giữ được sắc xanh trong phiên hôm nay còn có nhóm CP dầu khí, thủy sản và đầu tư công.

Cụ thể, các mã tăng thăng hoa hôm nay là nhóm ngành Xây dựng và Vật liệu. Trong đó, các mã tăng kịch trần như: BCC tăng 9,8%, CNT tăng 14,7%, BTS tăng 9,3%; CNT tăng 14,7%; KPF tăng 6,7%, MDG tăng 6,9%; PCM tăng 14,4%; VCG tăng 7%; VC9 tăng 9,6%; HT1 tăng 6,6%....




Ong Lý
Cùng chuyên mục