Hút FDI: Cần coi nhà đầu tư Trung Quốc là đối tác của Việt Nam

26/08/2019 11:16 GMT+7
Nói đến dự án FDI "rởm", nhiều người nhắc đến Trung Quốc. Tuy nhiên, GS Nguyễn Mại cho rằng trong câu chuyện này cần phải trách mình, không ai bắt vay vốn Trung Quốc rồi hoãn đi hoãn lại bao nhiêu lần. Tôi có quan điểm khá công bằng là cũng phải coi nhà đầu tư Trung Quốc là đối tác của Việt Nam.

du an fdi

GS.TSKH Nguyễn Mại

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây đã ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Nhằm giúp độc giả và các nhà đầu tư có thêm những thông tin mới về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, xung quanh vấn đề này.

Bài học “trải chiếu hoa” cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 30 năm qua 

Thưa Giáo sư, ông có suy nghĩ gì khi lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết liên quan đến đầu tư nước ngoài?

Hai năm vừa qua, năm 2018 và 2019 là năm của doanh nghiệp. Bộ Chính trị đã có 3 Nghị quyết quan trọng. Một là, Nghị quyết về kinh tế tư nhân, lần đầu tiên đánh giá kinh tế tư nhân quan trọng như vậy. Thứ hai, Nghị quyết về doanh nghiệp Nhà nước, đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN. Còn bây giờ là Nghị quyết về đầu tư nước ngoài.

Bước vào giai đoạn mới, chúng ta đã đánh giá đầy đủ hơn vai trò của doanh nhân và doanh nghiệp. Như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ: “Chúng ta cần có khát vọng dân tộc để cùng thế giới, thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đuổi kịp trình độ phát triển của thế giới. Biến Việt Nam từ một nước thu nhập trung bình thấp trở thành một nước thu nhập trung bình cao, một nước công nghiệp hiện đại”.

Rõ ràng, chúng ta thấy trong quá trình phát triển này, tầng lớp doanh nhân và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng, là đội quân chủ lực của nền kinh tế. Nếu cả ba đội quân: doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI cùng phát triển, thì lúc đó kinh tế Việt Nam mới đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững theo hướng kinh tế số để bắt kịp thế giới.

du an fdi

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tính tới 20/7/2019

Không phải ngẫu nhiên Nghị quyết số 50 ra đời, nó ra đời từ thực tiễn tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài. Trong đó, quá trình tổng kết đã mất hơn 1 năm với nhiều Bộ, ngành, địa phương tham gia. Phải trải qua rất nhiều cuộc hội thảo, tranh luận mới đưa ra một báo cáo chung. Buổi tổng kết được diễn ra với sự có mặt của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức quốc tế, họ đánh giá tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài rất tốt, rất ý nghĩa. Chính vì vậy, mới có được Nghị quyết này.

Sau khi Nghị quyết số 50 có hiệu lực, chúng ta cần xem xét nhà đầu tư nước ngoài sẽ phản ứng ra sao. Nhưng là một trong những cá nhân góp phần vào báo cáo tổng kết 30 năm, và tham gia xây dựng Nghị quyết số 50, tôi đánh giá đây là một Nghị quyết rất toàn diện, tạo tiền đề phát triển đầu tư nước ngoài có chất lượng và hiệu quả hơn.

Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, tôi tin luật sư của họ sẽ nghiên cứu rất lưỡng. Còn chúng ta vẫn thể hiện tinh thần được nêu ra trong Nghị quyết số 50: “Việt Nam vẫn tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và bảo hộ quyền của nhà đầu tư”.

Theo ông, sự ra đời của Nghị quyết số 50-NQ/TW liệu có phải điểm kết thúc của dòng vốn FDI kém chất lượng tại Việt Nam?

Bao trùm lên Nghị quyết 50 về đầu tư nước ngoài này là đánh giá thành quả quan trọng và cũng chỉ ra khiếm khuyết. Trong thu hút FDI, có hai yếu tố quan trọng là số lượng vốn và chất lượng vốn. Nhưng hơn bao giờ hết, yếu tố chất lượng trở nên quan trọng nhất.

Cả thời gian dài chúng ta nói về mô hình tăng trưởng mới, cơ cấu kinh tế hiện đại. Nhưng do chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, nên cơ cấu kinh tế hiện đại chưa có. Muốn tăng tốc thì chất lượng và hiệu quả của thu hút đầu tư là quan trọng nhất.

Mô hình tăng trưởng mới tức là chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế số. Trong đó, quan trọng không phải chỉ là công nghệ mà còn là nguồn nhân lực, trí tuệ con người. Còn Việt Nam, theo đánh giá của chính bản thân chúng ta cũng như bạn bè quốc tế, là có lợi thế rất nổi trội về năng lực, trí tuệ con người trong nền kinh tế số và nền kinh tế tương lai. Bộ Chính trị đã quyết định khi chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới thì thu hút FDI cũng phải chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới.

Chúng ta sẽ coi trọng chất lượng dự án, ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả cao không chỉ về tăng trưởng mà còn về công nghệ và dịch vụ, giúp nền kinh tế của ta tăng trưởng nhanh theo hướng hiện đại. Đó là nội dung chính trong Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị.

Nói về tính chọn lựa trong thu hút nguồn vốn FDI, từng có những ý kiến cho rằng FDI tác động không nhiều đến tăng trưởng kinh tế, phần lớn áp dụng công nghệ trung bình, không ít dự án FDI gây tác động xấu đến môi trường, làm hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp trong nước. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ngay từ đầu, Việt Nam cũng coi trọng tính chọn lựa khi thu hút FDI. Chúng ta cũng đã thành công nhờ biết chọn lựa những đối tác dự án, đặc biệt là chọn các quốc gia có tiềm năng lớn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý. Trên thực tế, FDI đã giúp Việt Nam rất thay đổi nhiều về phương thức sản xuất, phương thức tiêu dùng, phân phối. Ngay cả tư duy của con người Việt Nam về sản xuất và tiêu dùng cũng thay đổi một phần nhờ thu hút FDI.

Song vẫn tồn tại những hạn chế. Đặc biệt từ lúc chúng ta thay đổi phương thức quản lý vào năm 2006, khi Thủ tướng bắt đầu phân cấp cho UBND các tỉnh thành phố được cấp phép đăng ký kinh doanh, xúc tiến đầu tư, lựa chọn dự án đầu tư… Bên cạnh việc phát huy tính sáng tạo, tính năng động của địa phương, đã xuất hiện một số tiêu cực rất không đáng có.

Năm 2008, vốn đăng ký FDI tăng đột biến lên 72 tỷ USD, song sau đó có 20 tỷ USD không thực hiện được. Nguyên nhân không phải do cơ chế phân cấp quản lý, mà do các địa phương lựa chọn các dự án. Các địa phương “trải chiếu hoa” cho nhà đầu tư nhưng không thực hiện quyền lựa chọn của nước đầu tư, dẫn tới nhiều dự án “rởm”, trong Nghị quyết số 50 này nói là “mỏng vốn”. Nhiều dự án vốn đăng ký tới 4-5 tỷ USD nhưng nhà đầu tư không có tiềm năng, bán dự án không được thì trả lại cho địa phương.

Cách đây ít ngày, khi vào Quy Nhơn (Bình Định) dự Diễn đàn kinh tế miền Trung, tôi nhận thấy khu kinh tế Nhơn Hội rộng 12.000ha tại Bình Định nhưng 10 năm trông chờ, hy vọng vào dự án hóa chất, lọc dầu của Thái Lan trị giá tới 22 tỉ USD cuối cùng lại không thực hiện được. Cả một khu rộng lớn như vậy, làm hạ tầng tốt như vậy nhưng không có bao nhiêu dự án. Tỉnh phải chuyển đổi thành khu đô thị du lịch. Đấy là hệ quả điển hình để thấy nếu ta không tăng cường quyền lựa chọn chủ đầu tư thì ta không thể thực hiện được mục tiêu thu hút FDI để thay đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.

du an fdi

Diễn biến dòng vốn FDI vào thị trường Việt Nam, Singapore, Nhật Bản... giai đoạn 2010-2017. (Số liệu: World Bank)

Có hai yêu cầu ở trong Nghị quyết số 50, cũng như hoạt động đầu tư nói chung và đầu tư FDI nói riêng. Một là số lượng, Bộ Chính trị đã quyết định, từ năm 2011-2015, số vốn đầu tư đăng ký bình quân mỗi năm từ 30-40 tỷ USD, vốn thực hiện trung bình từ 20-30 tỷ USD. 5 năm sau đó, vốn bình quân đăng ký mỗi năm 40-50 tỷ USD, và vốn thực hiện từ 30-40 tỷ USD.

Tôi xin nhấn mạnh đây là con số rất quan trọng. Bởi chúng ta chỉ nói đến chất lượng mà không nói đến số lượng vốn đăng ký thì không được, bởi đầu tư trước tiên là phải nói đến vốn.

Như vậy, nếu như năm 2019 mà làm tốt, vốn thực hiện của Việt Nam có thể đạt gần 20 tỷ USD, từ năm 2011-2025 bình quân mỗi năm vốn giải ngân là 25 tỷ USD. Như vậy, các năm sắp tới vốn giải ngân sẽ tăng cao hơn khoảng 5 tỷ USD so với vốn thực hiện năm 2019. Đây là vấn đề rất lớn, nếu các Bộ không lưu ý, chỉ nói chung chung sẽ không thực hiện được nội dung mà Nghị quyết đề ra.

Theo Sách Trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019, hiện Việt Nam có 712.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta có 25.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Còn vốn FDI hiện đóng góp khoảng 22 - 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Con số 25 tỷ USD vốn thực hiện cũng tương đương tỷ lệ này, tôi nghĩ đó là con số cần phải thực hiện. Không nên thấp hơn nhưng cũng không nên cao hơn.

Vì sao không thấp hơn? Bởi Việt Nam dù có 712.000 doanh nghiệp trong nước, 5 triệu hộ kinh doanh, nhưng vốn trong nước vẫn hạn hẹp, vẫn cần nguồn vốn đầu tư bên ngoài thì mới đạt được tăng trưởng 7-8%/năm. Đó là mục tiêu không thể thấp hơn được.

Nhưng cũng không nên cao hơn vì có thể giảm mất thị phần của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu là DNNVV, nhưng cũng có 12.000 doanh nghiệp lớn, trong đó có hàng trăm tập đoàn rất lớn như Sungroup, T&T, Vingroup…

Khác với năm 1990, khi chưa có nguồn vốn đầu tư trong nước thì phải ưu tiên vốn đầu tư nước ngoài, bấy giờ chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư xã hội. Bây giờ chỉ nên giữ ở mức 22 - 23%. Đây là tỷ trọng hợp lý, không nên thấp hơn hay cao hơn.

du an fdi

So sánh thủ tục đăng ký đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và một số quốc gia.

Về chất lượng, Nghị quyết số 50 đưa ra định hướng rõ là hướng đến dự án chất lượng cao, công nghệ cao và thân thiện với môi tường, công nghệ tương lai như IoT, Blockchain, Fintech… Tức là những dự án chúng ta cần để tham gia vào Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường nhấn mạnh: “Đây là một cơ hội hoặc là có, hoặc không bao giờ có”.

Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thực hiện khát vọng dân tộc, đi cùng với thế giới. 3 cuộc cách mạng trước, chúng ta không có điều kiện tham gia. Nhưng cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mới bắt đầu cách đây 5 năm, chúng ta bắt đầu tham gia và có những lĩnh vực tham gia rất hữu hiệu. Ví dụ, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đi đầu về phát triển 5G. Tới năm 2020, chúng ta sẽ có mạng 5G, sang năm 2021, sẽ phủ sóng 5G toàn quốc.

Để thu hút vốn FDI có chất lượng, tôi nhấn mạnh là không được châm chước lựa chọn dự án, không để tình trạng dự án ma, dự án chui, dự án mỏng vốn, chuyển giá vẫn tồn tại nhờ trên sự sơ hở của pháp luật.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang, cơ hội đón dòng FDI từ Trung Quốc

Theo ông, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung xuất hiện diễn biến leo thang, liệu Việt Nam có phải điểm đến lý tưởng đối với dòng FDI từ Trung Quốc?

Ai theo dõi tình hình kinh tế quốc tế thời gian qua đều thấy các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đều đánh giá cao tình hình kinh tế Việt Nam nói chung và khả năng thu hút FDI nói riêng. 

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung vẫn đang tiếp diễn, Tổng thống Donald Trump đã công khai gọi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ, nhiều nơi trên thế giới lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể sẽ giảm 0,6% do xung đột thương mại của hai đầu tàu kinh tế, làm ảnh hưởng tới các nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Và tất nhiên, ảnh hưởng tới Việt Nam.

Bối cảnh đó dẫn tới một làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2016, tăng rất nhanh từ 2018. Con số chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc năm 2019 có thể vượt qua con số ghi nhận trong năm 2018. Hàng trăm tỷ USD đầu tư đó có thể quay về Mỹ, song cũng có thể tìm tới bên thứ ba và Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu.

Thực tế, trong 2 năm qua, rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã tìm sang Việt Nam. Nghị quyết số 50 được ban hành vào thời điểm này là rất kịp thời, tạo nên một môi trường đầu tư thuận lợi cho FDI. Khác với đầu tư trong nước là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia. Vì vậy, muốn thu hút FDI nhiều hơn, chất lượng hơn, đặc biệt là tiếp nhận dòng đầu tư từ Trung Quốc chuyển sang thì chúng ta phải có môi trường đầu tư tốt hơn của Trung Quốc.

Trung Quốc mới đây đã có luật riêng dành cho đầu tư nước ngoài được đánh giá rất cởi mở. Do đó, chúng ta cần rà soát lại thể chế, luật pháp để cải thiện môi trường đầu tư để thông thoáng hơn, cạnh tranh với các nước xung quanh thì chúng ta mới có thể thu hút được dòng vốn FDI.

Thời gian gần đây, nhiều cảnh báo về đầu tư Trung Quốc núp bóng Việt Nam ở bất động sản và những ngành sản xuất có thế mạnh để xuất khẩu, theo ông, thời gian tới chúng ta cấn làm gì để hạn chế hệ luỵ từ đầu tư nước ngoài?

Thực ra không phải chỉ đến khi có Nghị quyết này mới nhắc đến vấn đề "núp bóng" đầu tư, trong các Nghị quyết, chính sách của Việt Nam đã có rồi. Tuy nhiên, tôi có quan điểm khá công bằng là cũng phải coi nhà đầu tư Trung Quốc là đối tác của Việt Nam.

Nhiều khi lợi ích của doanh nghiệp khác với lợi ích của quốc gia. Ví dụ, ngay từ khi Mỹ chưa dỡ bỏ cấm vận Việt Nam, khá nhiều doanh nghiệp nước này thông qua doanh nghiệp thứ ba đầu tư làm ăn ở Việt Nam. Ở Trung Quốc hiện nay cũng vậy, nhiều doanh nghiệp lớn của họ khó khăn ở trong nước, muốn tránh và chọn Việt Nam.

Vấn đề của chúng ta lúc này là lựa chọn và giám sát lựa chọn. Câu chuyện đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là phải tự trách mình, không ai bắt vay vốn Trung Quốc rồi cho họ chọn nhà thầu Trung Quốc, hoãn đi hoãn lại bao nhiêu lần, rồi tháng 4/2019 khai trương mà đến nay vẫn chưa thấy đâu cả.

du an fdi

Tình trạng đội vốn, chậm tiến độ của đường sắt Cát Linh-Hà Đông khiến dư luận không hỏi băn khoăn về dòng vốn FDI Trung Quốc. 

Nước ta có rất nhiều bạn bè trên thế giới, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề phát sinh với các nước láng giềng như vấn đề biển Đông, biên giới, hải đảo… Đó là những vấn đề chúng ta không thể coi nhẹ khi thu hút đầu tư nước ngoài.

Trên thế giới, không có quốc gia nào không gắn hoạt động đầu tư với gián điệp để khai thác thông tin từ các nước rồi làm lợi cho quốc gia mình. Gần đây, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổi lên câu chuyện về Huawei. Đây không chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp mà là an ninh giữa hai quốc gia.

Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị không nhắc nhiều tới an ninh, quốc phòng bởi đây là vấn đề được quán triệt trong nhiều nghị quyết của Đảng.

Cách đơn giản đối với Việt Nam là chọn bạn mà chơi. Ở châu Á, chúng ta đang có hai người bạn rất đáng tin cậy là Nhật Bản và Hàn Quốc. Những doanh nghiệp Nhật, Hàn vào Việt Nam vào đây 30 năm nay không hề có chuyện gì về an ninh quốc phòng cả. Ngược lại, những quốc gia gần Việt Nam, có vấn đề về biên giới, biển đảo thì không thể để họ thực hiện các dự án liên quan tới an ninh, quốc phòng.

Còn nhớ, với dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tôi có góp ý kiến, Vân Đồn rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng, Bắc Vân Phong cũng thế, đặc biệt là Phú Quốc - bên kia là Campuchia và người ta đang đặt vấn đề chính quyền đó của ai. Ta không thể chọn 3 nơi đó làm đặc khu để ảnh hưởng an ninh quốc phòng. Ta có thể phát triển kinh tế mà không cần 3 đặc khu đó. Nhờ ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều người có vai trò trong bộ máy nhà nước nên dự luật đặc khu bị hoãn, đó chỉ là một ví dụ.

Chọn bạn mà chơi trong bối cảnh mới

Ông có kỳ vọng vào dòng vốn đầu tư chất lượng từ EU sau khi hiệp định EVFTA được ký kết?

Năm 1990, Việt Nam như cô gái đẹp, còn hiện tại Việt Nam là ngôi sao đang lên. Vị thế của chúng ta ở ASEAN ngày càng thấy rõ, từ nước đối lập với phần còn lại; từ chỗ nước thấp nhất, dần dần chúng ta có vị thế cao hơn. Năm 2020, Việt Nam sẽ là Chủ tịch của ASEAN, các nước coi chúng ta là tiếng nói chủ chốt và vị thế ở ASEAN.

Hiện Việt Nam cũng đã ký Hiệp định EVFTA, năm 2020 sẽ bắt đầu thực hiện với việc được bỏ từ 70 - 72% hàng hóa có thuế về 0%. Quan trọng nhất là EU và Mỹ sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam, còn Việt Nam kỳ vọng sẽ hút được vốn mới từ các nước phát triển.

Như vậy, mở rộng vấn đề hơn với Nghị quyết của Bộ Chính trị, tôi hy vọng quan hệ đầu tư từ EU, Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng. Đối với nước ta, các đối tác ở châu Á như Nhật, Hàn, vùng lãnh thổ Đài Loan, rồi trong khu vực là Singapore, Thái Lan, Malaysia... có rất nhiều và không thiếu. Nhưng chọn theo các nào thì cần phải khôn ngoan.

Liệu nhà đầu tư nước ngoài lo ngại chính sách của Việt Nam đang dần thắt lại?

Đã đầu tư, ai cũng muốn được bảo hộ đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, ai chẳng muốn mình là người được chọn. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn theo cách của mình. Chúng ta cũng nên tham khảo ý kiến của ADB, WB, IMF nhưng tất cả các ý kiến chỉ tham khảo thôi. Người quyết định phải là chúng ta.

Hai khổ đầu của Nghị quyết, Bộ Chính trị vẫn ưu tiên FDI, bảo hộ quyền của họ, còn ở dưới chỉ là giải pháp cụ thể. Tôi cho rằng, những nhà đầu tư chân chính, có chiến lược đầu tư rõ ràng, muốn tìm kiếm lợi nhuận và gắn bó với Việt Nam, họ sẽ không sợ gì cả.

Phát hiện Coca Cola chuyển giá 14 năm vẫn chưa có chính sách

Nghị quyết số 50 đã được Bộ Chính trị ban hành, theo ông, có nên thay đổi cơ chế phân cấp đầu tư đối với địa phương nhằm tránh những trường hợp như Formosa cách đây năm 3 năm?

Vấn đề đã được nói đến khi tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Khi đó có 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến của các chuyên gia và một số Bộ cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại việc phân cấp. Nên phân cấp như thế nào để đảm bảo lợi ích quốc gia và lợi ích địa phương?

Nhưng ngược lại, các địa phương cho rằng nên tiếp tục phân cấp, không nên rút lại những khâu đã phân cấp cho địa phương. Thậm chí, có một nữ giám đốc sở KHĐT còn nói trước mặt Bộ trưởng Bộ KHĐT là tùy các anh, các anh cho thì cho, không cho thì rút. Tôi cho rằng đã phân cấp mà bây giờ rút lại là rất khó.

Hiện tại, vẫn nên phân cấp nhưng để đảm bảo hiệu quả thì phải triển khai theo 2 hướng.

Thứ nhất, nâng cao tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh, của các ban quản lý các khu công nghiệp. Phân cấp không chỉ có nghĩa là anh nhận được quyền mà còn là anh phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước dân tộc này về việc thu hút FDI. Ta đều biết rõ, chừng nào kỷ cương được nâng cao, trách nhiệm người đứng dầu được nâng cao thì chừng đó bất cứ việc gì được phân cấp mới thực hiện hiệu quả được.

Thứ hai, khi phân cấp cần có các điều kiện. Đầu tiên, là các định mức kinh tế kĩ thuật, chúng ta thiếu rất nhiều định mức quốc gia. Trong khi việc giải quyết vấn đề môi trường đâu phải đơn giản. Nếu không có định mức kỹ thuật cho từng dự án công nghiệp, xây dựng, gang thép thế nào thì không thể giám sát được. Chúng ta đang thiếu rất nhiều các định mức quốc gia.

Tôi nghĩ các Bộ, ngành sau khi được phân cấp quyết định và trách nhiểm rồi nên hoàn thành định mức quốc gia. Có nhiều cái rất đơn giản nhưng vẫn không có, ví dụ như chuyện quỹ bảo trì chung cư do dân góp vào, giờ chủ đầu tư sử dụng sai nhưng vẫn không giải quyết được.

Tiếp đó, cần phải nghiêm túc trong thanh tra, giám sát, tránh để xảy ra thảm họa môi trường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung do nhà máy Formosa. Nếu chúng ta có thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ là con người mà cả công nghệ thì không thể xảy ra được nữa.

Cần coi việc phân cấp không chỉ là quyền lợi của anh mà còn là trách nhiệm của anh với dân tộc này. Lúc đó, phân cấp mới có hiệu quả.

Vậy rõ ràng Việt Nam cần một sự thay đổi lớn về luật pháp mới có thể duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao như thời gian qua?

Một giáo sư Việt kiều Mỹ từng nói: "Hình như người Việt không coi trọng thời gian". Công việc làm 5 ngày cũng được, 10 ngày cũng được, một tháng cũng chẳng sao. Nên tôi mong rằng yếu tố thời gian phải trở thành yếu tố quan trọng nhất. Sau Nghị quyết này phải thay đổi rất nhanh chóng về thể chế kinh tế, các khâu về quản lý Nhà nước. Nếu để thời gian trôi đi thì dù có bao Nghị quyết cũng không có hiệu quả. Và chúng ta đều biết trong Cách mạng 4.0, hơn nhau cũng là thời gian, sớm hơn một ngày sẽ thành công, chậm thêm một ngày thì thất bại.

Trung Quốc làm và thông qua Luật chỉ 3 tháng. Tổng thống Mỹ ngủ dậy là có thể thông qua được một Luật vì có Hội đồng cố vấn. Nếu chúng ta không thay đổi kiểu xếp hàng thông qua Luật như hiện nay thì rất nguy hiểm. 

Như vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài, Bộ Chính trị đưa cảnh báo từ lâu. Từ năm 2005, khi phát hiện Coca-Cola chuyển giá nhưng đến tận bây giờ cũng không có Luật nào về chống chuyển giá cả. 14 năm rồi, phản ứng chính sách của chúng ta quá chậm. Đây là thời điểm nên thay đổi, cải cách.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị đã đưa ra một số mục tiêu định hướng chủ yếu sau:

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm).

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm).

- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

- Tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

- Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

 

(Dân Việt)
Tags:
Cùng chuyên mục