Huyện Krông Nô (Đắk Nông): Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển

Ngọc Giàu Thứ ba, ngày 24/08/2021 08:09 AM (GMT+7)
Những năm qua, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã có nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời từng bước xây dựng nền tảng để phát triển du lịch. Đây là các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Bình luận 0

Nông nghiệp phát triển theo chiều sâu

Trong cơ cấu nền kinh tế, huyện Krông Nô xác định nông nghiệp vẫn là trụ cột. Vì vậy trong những năm qua, Huyện uỷ và UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Huyện Krông Nô (Đắk Nông): Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển - Ảnh 3.

Krông Nô: Nông dân Krông Nô áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất

Theo đó, về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Krông Nô đã duy trì và phát triển diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ 150 ha lên gần 600 ha tại xã Buôn Choah. Bên cạnh đó, đã ứng dụng giống lúa chất lượng cao ST25 vào sản xuất trên diện tích hơn 150 ha, phát triển 20 ha cà phê đạt tiêu chuẩn VietGAP, từng bước phát triển sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, chế biến cà phê ướt… 

Đối với đề án vùng nông nghiệp công nghệ cao, đến nay huyện Krông Nô đã hoàn thiện hồ sơ chứng nhận vùng lúa ứng dụng công nghệ cao tại xã Buôn Choah, tiếp tục phát triển vùng sản xuất ngô giống F1 tại xã Đức Xuyên…. Các vùng sản xuất này đang từng bước được nhân rộng, có sức lan toả mạnh mẽ trong sản xuất.

Đồng thời triển khai rộng rãi việc ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất, từ khâu làm đến đến thu hoạch; đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… Đặc biệt, địa phương đã tổ chức xây dựng thành công nhãn hiệu hàng hoá tập thể lúa gạo Krông Nô và đang triển khai xây dựng nhãn hiệu Bơ núi lửa Krông Nô. 

Bên cạnh đó là xây dựng chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nhằm từng bước tạo ra thương hiệu đặc trưng của huyện, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…Trong việc triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm, huyện Krông Nô không đầu tư dàn trải mà tập trung vào một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương như: Bơ, gạo Buôn Choah, Nấm Linh chi, mật ong…

Huyện Krông Nô (Đắk Nông): Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển - Ảnh 1.

Một mô hình canh tác cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Krông Nô

Nhờ thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên ngành nông nghiệp huyện Krông Nô không những vượt qua những khó khăn, thách thức mà còn từng bước phát triển. Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đã tăng từ 62 triệu đồng năm 2015 lên 79 triệu đồng năm 2020; hệ số sử dụng đất đối với cây hàng năm đạt 1,8 lần. Riêng năm 2020, diện tích gieo trồng đạt 62.728 ha (đạt 100,3% kế hoạch), tổng sản lượng lương thực đạt 176.756 tấn (đạt 100,04% kế hoạch).

Từng bước khai thác tiềm năng du lịch

Huyện Krông Nô có nhiều tiềm năng du lịch như hệ thống hang động núi lửa thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; các thác nước, ao hồ rất đẹp cùng nền văn hoá đa dạng, giàu bản sắc của các dân tộc. Trong những năm qua, các cơ sở lưu trú, các khu, điểm vui chơi và hạ tầng khác về du lịch đã được huyện quan tâm đầu tư cơ bản đồng bộ hơn, đáp ứng một phần nhu cầu của khách du lịch đến địa phương. Nhờ vậy lượng khách du lịch đến Krông Nô ngày càng tăng, bình quân có 80.000 lượt khách/năm.

Huyện Krông Nô (Đắk Nông): Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển - Ảnh 2.

Núi lửa Nâm B'lang, xã Buôn Choah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Nguồn ảnh: Dak Nong Geopark

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Krông Nô lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), huyện xác định phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, giá trị khoa học của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông là một trong 4 đột phá.

Theo đó, trong thời gian tới huyện sẽ thu hút đầu tư, phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về hệ thống thác nước, hồ đập, di tích lịch sử văn hoá, cách mạng, sự đa dạng về văn hoá của các dân tộc, đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa nằm trong vùng lõi của quần thể Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Đồng thời tạo sự kết nối với các địa phương khác để thu hút du khách, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia làm du lịch…

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có diện tích khoảng 2.000 km2, nằm trên địa bàn 6 huyện, thị xã gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và TP.Gia Nghĩa. Điểm nổi bật nhất trong Công viên địa chất này là hệ thống hang động núi lửa phân bố tại khu vực dọc sông Krông Nô được phát hiện từ năm 2007. Đây là một hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài 25 km, trải dài từ miệng núi lửa buôn Choah dọc theo chiều dài sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp (huyện Krông Nô).

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem