Huyện Lạng Giang – Bắc Giang: Nỗ lực về đích huyện nông thôn mới

Việt Tùng Thứ năm, ngày 15/03/2018 14:00 PM (GMT+7)
Tính đến nay, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã có 10/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các xã còn lại đều đã đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Theo lộ trình, đến hết năm 2020 Lạng Giang sẽ về đích huyện NTM, huyện đã, đang và sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này?
Bình luận 0

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Năm 2011, huyện Lạng Giang bắt tay vào xây dựng NTM với muôn vàn khó khăn. Song xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là thách thức, song cũng là cơ hội để huyện phát triển, “làm mới mình”, nên từ huyện ủy, UBND cho đến các ban, ngành, các địa phương đều dốc sức triển khai, vừa học hỏi vừa làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm... Khi đó, trong giai đoạn 2011 - 2015 huyện đã chọn 5 xã làm điểm là: Tân Thịnh, Tân Dĩnh, Yên Mỹ, An Hà và Nghĩa Hưng.

img

Hầu hết các tuyến đường lien xã ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã được bê tong rộng rãi, sạch đẹp.

Ông Đặng Đình Hoan – Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết, trong 5 năm huyện đã huy động được gần 400 tỷ đồng bao gồm nguồn ngân sách Nhà nước, người dân đóng góp và các doanh nghiệp, ngoài ra còn vận động người  dân hiến hàng chục nghìn m2 đất, ngày công lao động xây dựng nhiều công trình hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, năm 2015 cả 5 xã điểm đã về đích đúng hẹn.

 Cái có thể nhận thấy rõ nhất, là từ khi triển khai xây dựng NTM trình độ, nhận thức của nhiều cán bộ từ cấp huyện, đến xã và người dân đã được nâng lên rõ rệt. Không còn tình trạng ỉ lại, hiểu chưa đúng về Chương trình xây dựng NTM là chương trình của T.Ư đầu tư, T.Ư đầu tư bao nhiêu địa phương xây dựng bấy nhiêu như trước kia. Mà hiện nay cả cán bộ, lẫn người dân đã hiểu rằng, Chương trình xây dựng NTM là Chương trình mục tiêu Quốc gia, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với tinh thần: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”.

“Điểm nhấn nữa là ở hầu hết các xã, đặc biệt là các xã đã về đích hệ thống đường giao thong đã được cứng hóa đến tận ngõ, xóm; kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, trường học đã được xây mới, nâng cấp khang trang, sạch đẹp. Nhà ở dân cư đã được chỉnh trang theo hướng hiện đại với nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống. Đặc biệt thu nhập của người dân có cải thiện đáng kể, bình quân đạt 29,5 triệu đồng/người/năm, vượt gần chục triệu đồng so với quy định” – ông Hoan cho biết. 

Ban hành Nghị quyết chuyên đề NTM

Từ nay đến hết năm 2020 huyện Lạng Giang phải đưa 10 xã về đích NTM, hoặc ít nhất là 7 xã để đạt tỷ lệ 75% số xã về đích NTM thì mới có thể về đích huyện NTM. Theo tính toán của huyện, để các xã về đích đúng tiến độ, mỗi năm huyện cần đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí rất lớn, nên huyện rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ về mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết: “Để có cơ sở thực hiện, huyện đã hoàn thành Đề án xây dựng huyện NTM trình cấp trên phê duyệt. Trong 10 xã cần đạt chuẩn, phân rõ lộ trình thực hiện cụ thể theo từng năm và theo từng tiêu chí, dễ làm trước, khó làm sau đối với các xã: Quang Thịnh, Nghĩa Hòa, Tân Hưng, Phi Mô, Thái Đào, Đại Lâm, Mỹ Hà, Mỹ Thái, Hương Lạc, Tiên Lục, Xương Lâm. Phát huy các cách làm hay, sáng tạo từ các xã đã về đích”. 

Để từng bước hoàn thành các tiêu chí, đưa Lạng Giang trở thành huyện NTM, huyện đã đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện giai đoạn 2015-2020. Theo đó, huyện yêu cầu các xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề để huy động sự vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể. 

Với phương châm làm đến đâu chắc đến đó, không nóng vội chạy theo thành tích nên trong chỉ đạo, huyện ưu tiên giải pháp tăng thu nhập cho nông dân. Bởi có thu nhập cao, đời sống người dân mới được nâng lên, từ đó có đối ứng trở lại xây dựng NTM, nhất là đối với các tiêu chí đòi hỏi nhiều kinh phí như: Giao thông, môi trường, cơ sở vật chất văn hóa… Để có vốn, một mặt huyện đẩy mạnh sản xuất, mặ khác tiếp tục quy hoạch sử dụng đất để các xã tổ chức đấu giá tăng nguồn thu, mỗi năm sẽ bố trí khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương thực hiện các tiêu chí NTM. 

Bên cạnh đó, huyện đã phân công thành viên ban chỉ đạo sâu sát cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã áp dụng mẫu thiết kế điển hình, ưu tiên cho nhân dân tham gia thi công các công trình đơn giản như: Kênh mương, nhà văn hóa, đường thôn xóm để giảm chi phí đầu tư…

Quang Thịnh là xã đăng ký về đích trong năm 2018. Những ngày này, chính quyền và nhân dân nơi đây đang nỗ lực hoàn thành 2 tiêu chí còn lại là cơ sở vật chất văn hóa và môi trường. Ông Hoàng Văn Trịnh – Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngoài nguồn kinh phí của cấp trên phân bổ, xã vừa bố trí hơn 6 tỷ đồng từ ngân sách và đang huy động sức dân để hoàn thiện các hạng mục còn lại. Đồng thời tập trung đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ cải tạo nhà văn hóa xã, sân vận động; nhà văn hóa của 5 thôn và hoàn thiện lắp đặt lò đốt rác thải tại bãi tập trung để xử lý rác, phấn đấu hoàn thành trong tháng 10 năm nay”. 

img

Cây chanh đào sắp được công nhận “Nhãn hiệu tập thể” đã và đang trở thành cây làm giàu của người dân Lạng Giang (Bắc Giang).

 Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ông Đỗ Danh Kiểm – Trưởng phòng NNPTNT huyện Lạng Giang cho biết, mục tiêu của huyện trong thời gian tới là hoàn thành việc dồn đổi thửa (DĐĐT), tiếp đó là xây dựng cánh đồng mẫu, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng KHKT vào sản xuất, đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hàng hóa, chất lượng và có giá trị kinh tế cao.

Theo đó, năm 2017 huyện đã triển khai việc DĐĐT trên địa bàn 21 xã với tổng diện tích đã dồn đổi là 680 ha. Hiện các xã đang tiếp tục dồn đổi nốt phần diện tích còn lại. Trong vụ xuân năm 2017, toàn huyện xây dựng được 4/7 cánh đồng mẫu tập trung ở 4 xã với diện tích 128 ha. Cụ thể ở xã Nghĩa Hưng diện tích 33,5ha cấy giống lúa Thiên ưu 8; xã Đào Mỹ diện tích 33ha cấy giống lúa Thiên ưu 8; xã Mỹ Thái diện tích 30,9ha cấy giống lúa Nhật (Japonica); xã Tân Dĩnh diện tích 30,6ha cấy giống lúa BC15. Trong vụ mùa 2017, huyện đã xây dựng 7 cánh đồng mẫu vụ mùa năm 2017 với tổng diện tích 256,2ha tại các xã: Nghĩa Hưng, Đào Mỹ, Nghĩa Hòa, Mỹ Thái, Tân Dĩnh, Thái Đào, Xuân Hương…

Ngoài cây lúa, huyện cũng đang đẩy mạnh phát triển các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cây chanh đào, bưởi, cam… Theo đó, hiên huyện đang có khoảng 40ha chanh đào, trong đó 30ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 15 - 20 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các xã Tiên Lục, Tân Thanh, Hương Lạc.

Thấy được hiệu quả kinh tế của cây chanh đào, Phòng NNPTNT huyện đã tham mưu với UBND huyện xây dựng cơ chế hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con, tiến tới xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chanh đào Lạng Giang. Được biết, các cơ quan chức năng đang làm thủ tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho chanh đào, tạo điều kiện thuận lợi để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Sửu, thôn Bãi Cả (Tiên Lục, Lạng Giang) một trong các hộ đi đầu trong việc trồng chanh đào cho biết, trước khi có vườn chanh đào này, toàn bộ khu vườn này trồng vải thiều, cuối năm 2011, ông quyết định chặt bỏ và thay thế bằng chanh đào. Sau một năm chăm sóc, 200 cây chanh cho thu một tấn quả, bán với giá 30 nghìn đồng/kg. Đến nay, vườn chanh bắt đầu cho năng suất cao.

img

Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất nược, ứng KHCN, công nghệ cao và sản xuất đang được huyện Lạng Giang (Bắc Giang) ưu tiên.

Riêng vụ vừa rồi, ông ước thu khoảng 5 tấn quả; với giá bán 25.000 đồng/kg gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng. Một số hộ khác trong thôn cũng có thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm nhờ trồng chanh đào như gia đình các anh: Trần Văn Hoan, Hoàng Văn Tập, Trần Văn Thiệp, Hoàng Văn Lợi…

Tại thôn Tự (Hương Lạc, Lạng Giang), gia đình ông Nguyễn Văn Thủy 5 năm nay cũng có "của ăn, của để" nhờ cây chanh đào. Được biết, trước kia vợ chồng ông quanh năm đi buôn quất tại huyện Yên Thế và chanh ở Hải Dương về bán buôn cho quán ăn và chợ đầu mối trong tỉnh. Nhiều năm làm nghề, ông nhận thấy người dân trồng chanh có đầu ra thuận lợi, thu nhập cao. Khu vườn nhà khá rộng nên ông học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, mua giống về trồng. Đến nay, 300 cây chanh đào trong vườn năm nào cũng sai trĩu quả, nửa tháng nữa cho thu hoạch rộ dự kiến thu hoạch khoảng 6 - 7 tấn quả.

Ngoài thu nhập từ quả, mỗi năm anh Thủy chiết hơn một nghìn cành giống bán cho người dân trong huyện, đồng thời tận dụng thời gian sau thu hoạch tỉa những cành tăm, bán lá chanh làm gia vị thu về từ 20 - 30 triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem