Hy Lạp có thể sẽ là quốc gia tiếp theo cấm cửa Huawei
Ông Pompeo đã ghé thăm Hy Lạp trong hai ngày 28-29/9. Trong suốt thời gian này, mục tiêu ngoại giao lớn nhất của nhà Ngoại trưởng Mỹ với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis là rất rõ ràng. Ông Pompeo muốn tái khẳng định cam kết hỗ trợ Hy Lạp, đồng thời thắt chặt mối quan hệ Mỹ - Hy Lạp trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị quốc tế gia tăng.
“Chúng tôi coi Hy Lạp như một trụ cột của sự ổn định và thịnh vượng ở phía Đông Địa Trung Hải” - ông Pompeo tuyên bố trong cuộc gặp gỡ người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias tại thành phố cảng phía bắc Thessaloniki.
Mục tiêu quan trọng hơn trong chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mike Pompeo ở Hy Lạp là vấn đề Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh đã tăng cường hàng loạt nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Hy Lạp, nhất là trong lĩnh vực mạng và dịch vụ mạng 5G - vốn là khía cạnh xung đột nóng bỏng trong căng thẳng Mỹ Trung. Nhưng rõ ràng, trong chuyến thăm của ông Pompeo mới đây, Hy Lạp đã tỏ rõ thái độ không muốn làm mất lòng đồng minh Mỹ.
Hôm 20/9, Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp Geoffrey Ross Pyatt đã đăng tải bài bình luận với tiêu đề “"Đầu tư vào tương lai công nghệ cao Hy Lạp” trên tờ báo địa phương Kathimerini. Trong đó có nội dung: “Những cải cách của chính phủ Hy Lạp cùng với việc đưa Hy Lạp vào sáng kiến Mạng sạch (do Mỹ đứng đầu) sẽ bảo vệ và duy trì các giá trị cơ bản chung của chúng ta”.
Đến hôm 23/9, một dự luật quản trị kỹ thuật số nhanh chóng đạt được đa số phiếu thông qua tại Quốc hội Hy Lạp. Bộ trưởng Bộ Quản trị Kỹ thuật số Hy Lạp Kyriakos Pierrakakis phát biểu trước phiên họp toàn thể cho biết dự án đấu thầu phổ tần số băng thông trong cơ sở hạ tầng mạng 5G sẽ diễn ra vào cuối tháng 9. Để tham gia đấu giá, các công ty phải nộp đơn đăng ký trước ngày 23/10. Ông Pierrakakis dự kiến Hy Lạp sẽ phủ sóng 5G trên 60% lãnh thổ trong vòng 3 năm kể từ năm 2021, và phủ sóng 94% trong 6 năm tiếp theo.
Cùng ngày đó, phát biểu tại Hội nghị an ninh 5G trực tuyến 2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ cam kết hợp tác với các quốc gia có chung chí hướng trong việc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với những lĩnh vực nhạy cảm quốc gia như dữ liệu”.
Nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất của Hy Lạp, Cosmote, đã chọn nhà cung cấp viễn thông Ericsson làm đơn vị cung cấp thiết bị 5G độc quyền. Tuy nhiên, các chuyên gia thị trường viễn thông đã chỉ ra rằng thiết bị 5G của Huawei rẻ hơn Ericsson khoảng 30%.
Trước Hy Lạp, hai quốc gia Châu Âu khác là Anh và Pháp đã tuyên bố thanh trừng thiết bị Huawei khỏi thị trường phủ sóng mạng di động 5G theo lời kêu gọi của Mỹ. Lý do được đưa ra là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Mạng viễn thông 5G thế hệ mới đã trở thành chiến trường cho xung đột Mỹ - Trung từ năm ngoái, khi Huawei nổi lên như người tiên phong trong lĩnh vực công nghệ này. Việc phát triển mạng 5G được kỳ vọng sẽ là chìa khóa mở ra các công nghệ tương lai như ô tô tự hành, máy bay không người lái, tư vấn y tế từ xa… Bắc Kinh do đó đã đặt mục tiêu lắp đặt cơ sở hạ tầng mạng 5G lên thành một trong những ưu tiên hàng đầu của đất nước. Hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất đất nước là Huawei và ZTE gánh vác phần lớn trọng trách này khi đảm bảo nguồn cung hầu hết các đơn đặt hàng xây dựng trạm gốc 5G cho 3 nhà mạng lớn nhất Trung Quốc là China Mobile, China Unicom và China Telecom.