Đòn chí mạng của Trump có hiệu lực, Chủ tịch Huawei thừa nhận "tình thế khó khăn"

24/09/2020 14:56 GMT+7
Huawei hôm 23/9 cho hay sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp sẵn sàng gắn bó với hãng này trong nỗ lực “chiến đấu để tồn tại” trước cuộc “đàn áp” ngày càng khốc liệt của chính phủ Mỹ.
Đòn chí mạng của Trump có hiệu lực, Chủ tịch Huawei thừa nhận "tình thế khó khăn" - Ảnh 1.

Bị Mỹ "đàn áp", Chủ tịch Huawei kêu gọi các đối tác giúp hãng "tồn tại"

Tờ Nikkei Asian Review dẫn lời ông Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei cho biết: “Huawei đang ở trong tình thế khó khăn. Những động thái gây hấn không ngừng từ chính phủ Mỹ đang gây sức ép đáng kể lên doanh nghiệp… Huawei vẫn đang đánh giá những tác động, nhưng ưu tiên chính của chúng tôi lúc này là chiến đấu để tồn tại”.

Phát biểu tại diễn đàn công nghệ Huawei Connect thường niên, ông Guo Ping khẳng định Huawei sẽ tiếp tục đầu tư vào các công nghệ kết nối liên lạc, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, đồng thời nỗ lực hỗ trợ tất cả các đối tác đồng hành cùng doanh nghiệp.

“Việc xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ sẽ giúp ích cho chính Huawei… Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để cải thiện năng lực, mang đến những lợi ích cho họ trong suốt quá trình hợp tác và cùng nhau phát triển” - ông Guo nói thêm.

Hôm 17/8, chính quyền Trump đã ra Bộ quy tắc mới yêu cầu tất cả các nhà cung cấp sử dụng công nghệ Mỹ trong quá trình sản xuất hoặc phát triển phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép nếu muốn xuất khẩu cho Huawei. Phía Mỹ gia hạn đến ngày 15/9 để Huawei và các nhà cung cấp hoàn thành những lô hàng hiện có trước khi Bộ Quy tắc thực sự có hiệu lực. Nhận định của ông là bình luận công khai đầu tiên của một CEO Huawei kể từ khi các nỗ lực đàn áp của Mỹ có hiệu lực vào tuần trước.

Ông Guo Ping cũng thừa nhận đang đau đầu tìm cách giải quyết vấn đề liên quan đến nguồn cung chip smartphone, linh kiện mà Huawei tiêu thụ hàng trăm triệu chiếc mỗi năm. TSMC, nhà cung cấp chip chính của Huawei hồi tháng trước đã buộc phải tuyên bố ngừng nhận đơn đặt hàng mới từ công ty này sau Bộ Quy tắc của Mỹ. Theo ông Guo Ping, Huawei sẵn sàng làm ăn với bất cứ nhà cung cấp nào của Mỹ được cấp phép xuất khẩu, bao gồm cả Qualcomm. Ông Guo Ping cũng kêu gọi Washington “suy nghĩ lại” về quyết định đàn áp gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc này.

Zhang Pingan, phụ trách mảng dịch vụ đám mây của Huawei thì cho biết Huawei đang tích cực đàm phán với các nhà cung cấp smartphone khác của Trung Quốc để mở rộng việc sử dụng hệ điều hành Harmony do hãng này phát triển. “Chúng tôi hiện có hàng trăm triệu người dùng. Chúng tôi sẽ phục vụ họ bằng hệ điều hành HarmonyOS của mình” - ông Pingan cho hay.

Về lĩnh vực phần cứng, Intel và AMD - hai doanh nghiệp Mỹ chuyên cung cấp bộ xử lý trung tâm (CPU) quan trọng nhất cho PC và máy chủ trong tuần này xác nhận đã được Bộ Thương mại Mỹ cho phép xuất một số sản phẩm cho Huawei. Hôm 21/9 vừa qua, Huawei đã giới thiệu một thế hệ máy chủ mới chạy trên bộ vi xử lý Intel (Mỹ), một dấu hiệu cho thấy gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn chưa bị cắt hẳn quyền truy cập vào công nghệ cao của Mỹ. 

Về phía các nhà cung cấp nước ngoài không phải của Mỹ, cho đến nay chưa có hãng nào lên tiếng cho biết liệu họ có được chính phủ Mỹ cấp phép xuất khẩu cho Huawei hay không. Huawei hay không. 

Infineon, nhà sản xuất chip lớn nhất châu Âu trả lời tờ Nikkei cho biết họ sẽ tuân thủ mọi quy định của chính phủ Mỹ. MediaTek (Đài Loan), nhà cung cấp chip di động lớn thứ hai thế giới sau Qualcomm, cho biết họ đã đệ đơn xin cấp phép lên chính phủ Mỹ để bán chip cho Huawei. Huawei. Semiconductor Manufacturing International Co., nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc cũng đang chờ chính phủ Mỹ chấp thuận để nối lại kinh doanh với Huawei, một trong những đối tác lớn nhất của doanh nghiệp này.




Thùy Dung
Cùng chuyên mục