IIF: Ngành ngân hàng Mỹ triển vọng lãi lớn trong năm 2021
Ông Tim Adams, giám đốc điều hành của IIF hôm 28/5 nhận định đà phục hồi kinh tế sẽ kích thích tín dụng ngân hàng và doanh thu từ dịch vụ tài chính tăng lên. Trong khi đó, hoạt động đầu tư sôi động trở lại sẽ thúc đẩy doanh thu giao dịch, giúp các ngân hàng có tiềm năng ghi nhận doanh thu kỷ lục.
“Tôi cho rằng các ngân hàng sẽ ghi nhận mức doanh thu kỷ lục trong năm nay, bởi đây là một năm hoạt động tốt của toàn ngành. Chúng ta thấy điều đó qua mức tăng của các cổ phiếu ngân hàng. Tôi nghĩ rằng đà tăng đang tiếp tục phản ánh những nguyên tắc cơ bản về tiềm năng của ngành ngân hàng trong ít nhất phần còn lại của năm”.
Cổ phiếu ngành ngân hàng Mỹ đã tăng vọt trong năm nay. Đơn cử, trong số các đại gia ngân hàng, cổ phiếu Goldman Sachs tăng 40,8% từ đầu năm, tính đến hết phiên giao dịch 27/5 trên thị trường chứng khoán Mỹ. Hai nhà băng khác là Bank of America và JPMorgan lần lượt ghi nhận mức tăng giá cổ phiếu 40,4% và 29,3%.
Tháng trước, nhiều ngân hàng Mỹ đã báo cáo doanh thu quý I vượt kỳ vọng của các nhà phân tích.
Sự cải thiện doanh thu và lợi nhuận ngành ngân hàng Mỹ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đà phục hồi làm dấy lên mối quan ngại trong giới đầu tư rằng nguy cơ lạm phát tăng nhanh có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Fed thắt chặt chính sách tiền tệ lỏng lẻo hiện tại sớm hơn dự kiến.
Mối quan ngại này không phải vô căn cứ. Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 4,2% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 đến nay.
Theo giám đốc điều hành IIF Tim Adams, đã đến lúc các quan chức Fed thảo luận về việc đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại. Tuy nhiên, cho đến nay, tín hiệu từ các cuộc họp Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed cho thấy rất ít dấu hiệu chỉ báo rằng Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ sớm thảo luận về điều này. “Tôi cho rằng họ muốn kích thích nền kinh tế tăng trưởng nóng trong một thời gian dài. Họ sẽ chờ xem lạm phát tăng ra sao và áp lực lạm phát duy trì bao lâu hay chỉ là nhất thời”.
Trước đó, các quan chức Fed cho rằng bất kỳ mức tăng vọt nào của lạm phát chỉ là hiện tượng tạm thời, và rằng họ sẽ không rút lại chính sách tiền tệ lỏng lẻo chừng nào thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn và nền kinh tế chưa trở lại mức trước đại dịch.
Hồi giữa tháng 5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard mới đây thừa nhận nền kinh tế Mỹ đã đạt tốc độ phục hồi nhất định nhưng cho rằng vẫn chưa đến lúc siết lại những điều tiết chính sách tiền tệ.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông James Bullard khẳng định các gói hỗ trợ tài khóa của chính phủ và chính sách tiền tệ nới lỏng từ ngân hàng Trung ương cũng như tốc độ tiêm chủng tích cực tại Mỹ đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cho nước Mỹ trong những tháng qua.
Vị quan chức Ngân hàng Trung ương nhấn mạnh lạm phát có nguy cơ tăng lên trong thời gian tới, Fed vẫn nên giữ vững lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng chừng nào có những dấu hiệu rõ ràng hơn rằng đại dịch không còn là mối đe dọa lớn cho nền kinh tế. Điều này bao gồm việc giữ lãi suất vay ngắn hạn được neo ở mức tiệm cận 0 và tiếp tục chương trình mua tài sản ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng ngay cả dưới áp lực thị trường về nỗi lo lạm phát.
“Tôi cho rằng còn quá sớm để bàn về mức độ thu hẹp chính sách tiền tệ ở đây”. Ông Bullard nhấn mạnh. “Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ thông báo về điều này chừng nào anh ấy cho rằng đã đến thời điểm thích hợp”.