Quan chức Fed: chưa đến lúc siết chính sách tiền tệ

12/05/2021 10:44 GMT+7
“Tôi cho rằng còn quá sớm để bàn về mức độ thu hẹp chính sách tiền tệ ở đây” - Chủ tịch Fed chi nhánh St.Louis James Bullard nhấn mạnh.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard mới đây thừa nhận nền kinh tế Mỹ đã đạt tốc độ phục hồi nhất định nhưng cho rằng vẫn chưa đến lúc siết lại những điều tiết chính sách tiền tệ.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông James Bullard khẳng định các gói hỗ trợ tài khóa của chính phủ và chính sách tiền tệ nới lỏng từ ngân hàng Trung ương cũng như tốc độ tiêm chủng tích cực tại Mỹ đã giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cho nước Mỹ trong những tháng qua.

Quan chức Fed: chưa đến lúc siết chính sách tiền tệ - Ảnh 1.

Quan chức Fed: chưa đến lúc siết chính sách tiền tệ

Vị quan chức Ngân hàng Trung ương nhấn mạnh lạm phát có nguy cơ tăng lên trong thời gian tới, Fed vẫn nên giữ vững lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng chừng nào có những dấu hiệu rõ ràng hơn rằng đại dịch không còn là mối đe dọa lớn cho nền kinh tế. Điều này bao gồm việc giữ lãi suất vay ngắn hạn được neo ở mức tiệm cận 0 và tiếp tục chương trình mua tài sản ít nhất 120 tỷ USD mỗi tháng ngay cả dưới áp lực thị trường về nỗi lo lạm phát.

“Tôi cho rằng còn quá sớm để bàn về mức độ thu hẹp chính sách tiền tệ ở đây”. Ông Bullard nhấn mạnh. “Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ thông báo về điều này chừng nào anh ấy cho rằng đã đến thời điểm thích hợp”.

Cho đến nay, nhiều quan chức Fed như ông Powell, Bullard và hầu như mọi nhà hoạch định chính sách khác đều đồng tình về việc giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng. Fed cam kết không tăng lãi suất ngay cả khi lạm phát cao hơn mức 2% của Ngân hàng Trung Ương, cho đến chừng nào nền kinh tế khôi phục toàn diện và thị trường lao động trở về trạng thái toàn dụng.

Ít giờ trước đó, nhà đầu tư Stanley Druckenmiller đã gay gắt chỉ trích Fed vì giữ chính sách tiền tệ quá lỏng trong bối cảnh đà phục hồi, đồng thời cho rằng Ngân hàng Trung ương đang mạo hiểm quá mức khi đánh cược vị thế đồng USD như đồng tiền dự trữ chính trên toàn cầu.

Nhưng ông Bullard cho rằng phản ứng chính sách như vậy là hoàn toàn phù hợp khi đại dịch tấn công nền kinh tế. “Tôi không biết Stan đã trải qua bao nhiêu trận đại dịch. Nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch. Một khi chúng ta bước ra khỏi nó, tôi mới nghĩ đến việc xem xét liệu chính sách tiền tệ có nên thay đổi hay không”.

“Tôi muốn những tín hiệu chắc chắn hơn rằng chúng ta đã thoát khỏi đại dịch một cách hoàn toàn. Vì vậy, tôi sẽ chú ý đến các số liệu như số ca nhiễm mới, số ca tử vong mỗi ngày…. Tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn thay đổi chính sách khi vẫn còn đang trong tâm chấn đại dịch. Mặc dù có thể ta đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, nhưng thực tế là ta vẫn chưa đi đến đó”.

Thị trường từ lâu đã quan ngại rằng các gói kích thích khổng lồ và đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế có nguy cơ gây ra lạm phát trong năm nay, buộc các ngân hàng Trung Ương phải tăng lãi suất hoặc giảm quy mô chương trình mua trái phiếu sớm hơn dự kiến.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD chỉ ra rằng đà phục hồi nhanh chóng, đặc biệt tại Trung Quốc, đang thúc đẩy giá lương thực và kim loại lên cao, trong khi giá dầu cũng phục hồi mạnh mẽ. Nhưng OECD cũng đồng quan điểm rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ vẫn duy trì các kích thích cần thiết với nền kinh tế ngay cả khi lạm phát vượt mức mục tiêu để hỗ trợ đà phục hồi hiện tại.


NTTD
Cùng chuyên mục