Italy tiêu hủy gần 10 tấn thịt lợn Trung Quốc nhằm ngăn dịch tả lợn châu Phi

24/01/2020 09:31 GMT+7
Cảnh sát thuế Italy cho biết đã thu giữ và tiêu hủy 9,5 tấn thịt lợn Trung Quốc vốn bị Bộ Y tế Italy cấm sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại quốc gia châu Á này.

Lợn nhập khẩu trái phép có nguồn gốc từ Trung Quốc

Cảnh sát tại thành phố Padoa, Đông Bắc Italy thông báo lượng thịt lợn nhập khẩu trái phép được giấu dưới một lô hàng rau củ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Số thực phẩm này được lưu trữ tại một kho hàng gần thành phố Padoa do một đối tượng người Trung Quốc quản lý.

Lực lượng chức năng đã tiêu hủy số thịt lợn và cáo buộc đối tượng trên tội buôn lậu, buôn bán các thực phẩm gây hại và phát tán các bệnh ở động vật.

Cùng ngày, chính quyền Trung Quốc cho biết đã phát hiện virus gây dịch tả lợn châu Phi tại 5% số mẫu thịt lấy từ các lò mổ.

Italy tiêu hủy gần 10 tấn thịt lợn Trung Quốc nhằm ngăn dịch tả lợn châu Phi - Ảnh 1.

Trung Quốc - nước chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới, cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch tả lợn châu Phi.

Tả lợn châu Philà bệnh dịch lây nhiễm cao ở các đàn lợn, khiến lợn chết hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất chăn nuôi gia súc và nguồn cung thực phẩm. Bệnh không lây nhiễm sang người.

Trung Quốc - nước chăn nuôi lợn lớn nhất thế giới, cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch tả lợn châu Phi (ASF).

Trước đó, năm 2018, có khoảng 435 triệu con lợn được chăn nuôi tại các trang trại khắp Trung Quốc, để so sánh thì con số này ở Mỹ chỉ là 73 triệu con. Hiện tại, dịch bệnh lây lan khiến quy mô chăn nuôi lợn ở Trung Quốc giảm xuống chỉ còn 175 triệu con, theo các nhà phân tích của Rabobank.

Virus dịch bệnh đã lan xa ra khỏi biên giới Trung Quốc và đang hoành hành tại CHDCND Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines. Một số quốc gia châu Âu như Nga, Bỉ, Bulgaria, Hungary, Latvia, Ba Lan, Romania và Ukraine, cũng đã ghi nhận những trường hợp mắc dịch bệnh.

Từ một vấn đề y tế, AFS trở thành một vấn đề kinh tế. Đầu tiên, nông dân là người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo một ước tính, tại Trung Quốc, thiệt hại trực tiếp từ dịch bệnh rơi vào khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 140 tỷ USD).

Thứ hai, thiếu nguồn cung khiến lợn thịt tăng giá chóng mặt, kéo theo lạm phát. Giá thịt lợn ở Trung Quốc trong tháng 12/2019 đã tăng 8%, và tính chung năm 2019, giá thịt lợn tại quốc gia này đã tăng gần gấp đôi (96%). Vì thịt lợn chiếm khoảng 70% tổng lượng thịt tiêu thụ ở Trung Quốc, giá thịt lợn tăng mạnh khiến thị trường tiêu dùng đảo lộn.

Theo South China Morning Post (SCMP), ở các vùng xa xôi hẻo lánh của Trung Quốc, người ta đang quay trở lại ăn thịt chó thay thế.

Trên các mạng xã hội Trung Quốc, người dân thì đang thảo luận tích cực về việc, thịt lợn sẽ là món quà thiết thực nhất vào dịp năm mới hay lễ kỷ kiệm nào đó, và các ngân hàng thu hút khách hàng mới hiệu quả bằng lời hứa sẽ tặng thịt xông khói.

Miếng mồi béo bở cho tội phạm

Giá thịt lợn tăng mạnh đã thu hút sự chú ý của các băng đảng tội phạm ở Trung Quốc.

Theo RIA Novosti, bọn tội phạm lan truyền tin đồn về sự bùng phát của dịch tả châu Phi ở một khu vực nhất định, thậm chí còn ném lợn chết bên đường nhằm khiến người nông dân tin vào điều đó. Và sau đó, chúng mua lại thịt lợn với giá rẻ mạt.

Không dừng lại ở đó, bọn tội phạm còn tìm cách phân tán virus AFS bằng máy bay không người lái, mua lợn chết và mang đến các khu vực chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cùng với giấy kiểm dịch giả để bán ở đó. May mắn là virus ASF không gây nguy hiểm cho con người.

Theo ước tính, lợi nhuận thu được từ các hoạt động của bọn tội phạm lên tới 500 USD mỗi con. Và quy mô mà chúng đang mua bán lên tới hàng chục ngàn con.

Gần đây, tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cảnh sát đã chặn một lô hơn 10.000 con lợn còn sống, nhiều con trong số đó đã bị nhiễm virus. Bọn tội phạm đã cố gắng vận chuyển chúng đến một tỉnh lân cận bằng cách sử dụng các giấy tờ giả.

Một băng đảng khác bị bắt giữ khai nhận, chúng vận chuyển trái phép 4.000 con lợn chỉ trong một ngày.

Để ngăn chặn các băng đảng tội phạm, theo SCMP, những người nông dân chăn nuôi lợn Trung Quốc đang cố gắng mua thiết bị phá sóng máy bay không người lái. Tuy nhiên, việc làm này đã vô tình gây nhiễu hệ thống dẫn đường của một số máy bay khác.

Cuối năm ngoái, thiết bị chống máy bay không người lái của một trang trại lợn gần Cáp Nhĩ Tân đã gây ảnh hướng đến thiết bị của một máy bay cất cánh từ sân bay Cáp Nhĩ Tân và suýt nữa đã xảy ra một vụ tai nạn.

Chính quyền đã không khởi xướng tố tụng hình sự đối với những người nông dân này, họ chỉ yêu cầu tắt các thiết bị nguy hiểm cho máy bay chở khách.

Dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc

Các chuyên gia không dự đoán được, khi nào dịch tả lợn châu Phi sẽ kết thúc, nhưng họ đều cho rằng, điều này sẽ không thể sớm xảy ra.

"Trong bối cảnh hiện tại, không nên mong đợi sự thay đổi trong một hoặc hai năm nữa", các nhà phân tích tại Rabobank nhận định.

Những chuyên gia này tin rằng, dịch bệnh chỉ có thể được đẩy lùi trong 4 đến 6 năm nữa, khi các nhà khoa học phát minh ra được vắc-xin phòng ngừa ASF. Nhưng tại thời điểm hiện tại, vẫn chưa có vắc-xin và chưa biết liệu nó có được tạo ra hay không. Trước khi loại vắc-xin này xuất hiện, Trung Quốc có thể mất ít nhất 70% quy mô đàn lợn trong nước và toàn thế giới sẽ mất khoảng một nửa.

Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh buộc phải tăng nhập khẩu thịt lợn các nước không bị ảnh hưởng ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, cũng như một số quốc gia châu Âu. Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 1,32 triệu tấn thịt lợn đã được nhập khẩu vào Trung Quốc vào năm ngoái, gấp rưỡi so với năm 2018.

Một số chuyên gia còn chắc chắn rằng, việc Bắc Kinh "mềm dẻo" hơn trong tranh chấp thương mại với Washington phần lớn là do dịch tả lợn châu Phi. Mỹ là nhà cung cấp thịt lợn chính cho Trung Quốc, và hiện tại Bắc Kinh đang ra sức tăng mua, điều này khiến chính quyền Washington hài lòng và sẵn sàng thoả hiệp.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang tăng mua thịt từ Brazil cũng như xem xét khả năng mua thêm thịt ở Nga, nước đứng thứ sáu trên thế giới về sản xuất thịt lợn.

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục