Kệ hàng siêu thị trống rỗng, cá thối rữa không kịp xuất khẩu: Anh trả giá đắt hậu Brexit

26/01/2021 09:49 GMT+7
Sau nhiều năm tranh cãi, quá trình Anh ly khai EU (Brexit) cuối cùng đã kết thúc trong êm đẹp, nhưng bóng ma ảnh hưởng có nó sẽ còn bao trùm nước Anh trong một thời gian dài.

Mặc dù Thủ tướng Anh Boris Johnson và cả các quan chức thương mại EU đã dành nhiều lời có cánh về thỏa thuận thương mại được thông qua ngay đêm Giáng sinh, vài ngày trước khi quá trình chuyển giao hậu Brexit kết thúc; thực tế không thể tránh khỏi là Anh đang bắt đầu đối diện với những hệ lụy khi rời khỏi lãnh thổ quản lý của khối.

Việc thỏa thuận thương mại được thông qua quá muộn, chỉ một tuần trước hạn chót ly khai đồng nghĩa với việc vô số doanh nghiệp bị gián đoạn khỏi chuỗi cung ứng liền mạch giữa EU và Anh trong nhiều thập kỷ nay.

Kệ hàng siêu thị trống rỗng, cá thối rữa không kịp xuất khẩu: Anh trả giá đắt hậu Brexit - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson là người thúc đẩy Brexit cứng rắn bất chấp nguy cơ ly khai không trật tự

Doanh nghiệp Anh "hứng đòn" trước tiên

Bất chấp những tuyên bố của Thủ tướng Anh rằng Brexit là cơ hội tuyệt vời cho Anh hồi sinh thương mại tự do của quốc gia, thực tế lại rất khác. Nhiều tấn cá thối rữa trong các lô hàng do không thể vận chuyển đến EU nhanh chóng như trước đây. Các công ty hậu cần dự kiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Anh sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Brexit trong dài hạn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã giáng thêm một đòn mạnh mẽ đưa nền kinh tế Anh tiếp tục chìm trong suy thoái.

Thực tế, ngay chính ông Boris Johnson có vẻ cũng không lường trước được thực tế mà nhiều doanh nghiệp Anh phải đối mặt hậu Brexit dù có thỏa thuận. Minh chứng rõ ràng nhất cho những thiệt hại từ Brexit phải kể đến ngành đánh bắt cá của Scotland. Bất chấp những tuyên bố của chính phủ trong các cuộc đàm phán Brexit rằng ngành này nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu, ngày càng nhiều người lo ngại nguy cơ sụp đổ của ngành trong vài tuần tới. 

James Withers, giám đốc điều hành của Scotland Food cho biết: "Trước đây, chúng tôi có thể chuyển cá tươi sống đến Madrid chỉ với một tờ giấy thông qua duy nhất, cả quá trình mất vài ngày. Bây giờ, chúng tôi cần thực hiện khoảng 26 bước xin giấy tờ cho mỗi lần vận chuyển như vậy”. 

Với một ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp như đánh bắt cá, độ tươi của sản phẩm và năng suất vận chuyển là yếu tố vô cùng quan trọng. Do đó, khi Brexit chính thức có hiệu lực, điều này chẳng khác gì ngành đánh bắt của Anh quốc bị cắt khỏi thị trường châu Âu trong một đêm. Hầu như mỗi ngày, người ta đều thấy các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về các chợ cá vắng bóng người và những con thuyền ngừng ra khơi. 

Kệ hàng siêu thị trống rỗng, cá thối rữa không kịp xuất khẩu: Anh trả giá đắt hậu Brexit - Ảnh 2.

Ngư dân ngừng đánh bắt cá khi không thể xuất hàng sang EU

Khi đề cập đến vấn đề này, Thủ tướng Anh Boris Johnson lại cho rằng đây chỉ là những thách thức tạm thời, thậm chí là do sự đóng cửa của các nhà hàng trong đại dịch, chứ không phải lỗi cơ cấu trong thỏa thuận mà chính phủ Anh đã ký kết với EU cuối năm 2020. Phát ngôn viên của ông Boris cho hay chính phủ đang cung cấp 23 triệu bảng Anh (31,4 triệu USD) hỗ trợ ngành đánh bắt cá để giảm bớt các quy trình xuất nhập khẩu. 

Tuy nhiên, đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông James Withers tin rằng dòng tiền sẽ cạn kiệt nhanh chóng và ngành đánh bắt cá có thể “chết” nếu không có một thỏa thuận mới kịp thời với EU. 

Một khảo sát của IHS Markit được công bố cuối tuần trước chỉ ra rằng Brexit đang làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái ở Anh hậu đại dịch. Theo IHS, trong khi 33% các nhà sản xuất báo cáo sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu có liên quan trực tiếp đến đại dịch, thì khoảng 60% cho biết mức sụt giảm này là do Brexit.

ForagePlus, một doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cho ngựa có trụ sở tại xứ đã chứng kiến hàng chục lô hàng đi châu Âu bị trả lại trong tuần qua do trục trặc trong hệ thống xử lý thông tin hải quan mới. Người sáng lập ForagePlus, Sarah Braithwaite cho hay khoảng 1 tháng qua, công ty không thể vận chuyển bất cứ lô hàng nào vào EU do các hạn chế đại dịch cũng như thay đổi quy trình hậu Brexit.

Các chuyên gia thương mại đang lo ngại về sự suy giảm dần trong kim ngạch thương mại EU-Anh. David Henig, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu cho biết: “Sự suy giảm dần, xét trên một khía cạnh nào đó, còn nguy hiểm hơn tình trạng thiếu lương thực đột ngột… Tôi đặc biệt lo ngại về việc các nhà xuất khẩu không thể hoàn thành đơn đặt hàng và dần mất khách hàng . Trong dài hạn, điều này có thể gây tổn hại rất lớn cho dòng đầu tư hướng nội".

Không nhiều tín hiệu lạc quan rằng tình hình sẽ được cải thiện trong ngắn hạn. Nhiều người quan ngại các vấn đề Brexit cuối cùng sẽ dẫn đến việc châu Âu thành công thu hút “con ngỗng đẻ trứng vàng” của Anh rời đến EU: những ngân hàng lớn nhất thế giới hiện đang tập trung ở London. “Một khi màn sương mù do hệ quả của dịch Covid-19 tăng lên, các công ty tài chính đang tìm cách mở rộng ra toàn cầu sẽ có cái nhìn khác về London và nhận ra rằng chúng ta đã từ bỏ khá nhiều lợi thế cạnh tranh của mình”.

Kỳ lạ là thỏa thuận thương mại mà ông Boris Johnson đã ký với EU không đề cập đến vấn đề này, mặc dù thị trường tài chính đóng góp phần rất lớn trong nền kinh tế Anh. Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh được cho là sẽ đạt được một thỏa thuận về dịch vụ tài chính vào tháng 3 tới đây, nhưng những tín hiệu hiện tại từ cả London và Brussels đều cho thấy vương quốc Anh khó mà đạt được thỏa thuận tài chính có lợi cho mình trong một sớm một chiều.

Người tiêu dùng Anh cũng chịu hệ lụy Brexit

Nhiều công ty vận tải đường bộ và hậu cần đang bày tỏ lo ngại tình hình sẽ còn tồi tệ đi trong những tháng tới. 

Trong ngắn hạn, người tiêu dùng Anh sẽ không cảm thấy nhiều tác động, do Anh đã chủ động tích trữ hàng hóa chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận. Nhưng điều đó có thể thay đổi khi khối lượng thương mại tăng lên trong những tháng tới, gây áp lực lên hệ thống thông quan biên giới. Tức là người Anh có thể không còn nhiều lựa chọn về các mặt hàng tươi sống.

Kệ hàng siêu thị trống rỗng, cá thối rữa không kịp xuất khẩu: Anh trả giá đắt hậu Brexit - Ảnh 4.

Hình ảnh những kệ hàng thực phẩm trống rỗng trong một siêu thị ở Bắc Ireland

Bắc Ireland là khu vực sẽ chứng kiến tình trạng thiếu lương thực sớm hơn, khi vị trí địa lý đặc biệt của nó tách hẳn so với phần còn lại của vương quốc Anh, khiến việc vận chuyển thực phẩm từ Anh trở nên khó khăn hơn. Nhiều hình ảnh kệ siêu thị trống trơn ở Bắc Ireland đã được lan truyền trên mạng xã hội. Simon Coveney, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland đã cáo buộc các hình ảnh này rõ ràng phản ánh vấn đề của Brexit và một phần thực tế khi Anh ly khai EU.

Câu hỏi đặt ra là tại sao tình hình lại tồi tệ đến thế, khi mà vương quốc Anh đã có nhiều năm để thảo luận và chuẩn bị cho việc ly khai EU, thậm chí là ly khai không thỏa thuận. Anna Jerzewska, người sáng lập tổ chức Thương mại và Biên giới, chuyên hỗ trợ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu trên khắp châu Âu, cho biết: “Chúng ta đã biết về những rủi ro của việc Brexit không chuẩn bị trong suốt 5 năm”. Theo bà Anna, vấn đề đáng lo ngại nhất là chính phủ Anh đang tỏ ra không hỗ trợ trong việc giải quyết các khiếu nại của doanh nghiệp. “Để có được phản hồi, hướng dẫn về một số vấn đề kỹ thuật, bạn có thể phải chờ 48 tiếng. Đó rõ ràng là bất cập lớn với các sản phẩm tươi sống”.

Nhiều nhà lập pháp đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đang vật lộn để tìm cách trả lời các thắc mắc của cử tri. “Đảng đã nhấn mạnh thỏa thuận được thông qua là một thành công lớn. Nhưng càng về sau, rõ ràng càng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập không lường trước được”.

Những chính trị gia đã từng ủng hộ Brexit giờ đây sẽ phải giải thích cho cử tri tại sao họ lại ủng hộ Thủ tướng theo đuổi Brexit cứng rắn bất chấp những cảnh báo về hậu quả to lớn như vậy.


NTTD
Cùng chuyên mục