Anh - EU đạt thỏa thuận Brexit vào phút 89
Anh và EU hôm 24/12 đã thông qua thỏa thuận mang tính chất lịch sử về an ninh và thương mại, chỉ một tuần trước khi giai đoạn chuyển tiếp của quá trình Brexit chấm dứt.
Sau nhiều tháng đàm phán, thỏa thuận cho phép hai bên tiếp tục quan hệ thương mại phi thuế quan khi nước Anh chính thức ly khai thị trường chung EU vào ngày 31/12 tới đây. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ tiếp tục sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng tư pháp và cảnh sát để gìn giữ trật tự chung. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc điện đàm ngay trước thềm Giáng sinh giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Đây cũng là cuộc gọi thứ năm trong ngày giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu EU.
Bản thỏa thuận Brexit hoàn chỉnh dài tới gần 2.000 trang, trong đó quy định nhiều điều khoản khác nhau trên nhiều lĩnh vực, từ hợp tác hạt nhân đến năng lượng, hàng không… “Thỏa thuận đã hoàn tất. Những gì chính phủ cam kết với người dân Anh hồi năm 2016 đã trở thành hiện thực trong thỏa thuận này” - phát ngôn viên văn phòng Thủ tướng phố Downing khẳng định. “Chúng ta đã giành lại quyền kiểm soát dòng tiền, biên giới, thương mại, luật pháp và cả vùng biển đánh bắt của chúng ta. Thỏa thuận này là tin tốt lành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn đất nước. Chúng ta đã thành công đạt được hiệp định thương mại quan trọng đầu tiên với mức thuế bằng 0 và hạn ngạch bằng 0”.
Mức thuế quan bằng 0 sẽ giúp thông suốt thương mại hàng hóa giữa đôi bên và mang đến cú thở phào nhẹ nhõm cho các nhà xuất khẩu, những người sẽ phải chịu mức thuế quan chót vót nếu Anh ly khai trong hỗn loạn.
Thỏa thuận vẫn cần được Quốc hội Anh và EU phê duyệt trong những tuần tiếp theo. Dự kiến, một cuộc bỏ phiếu cuối cùng sẽ diễn ra tại Westminster vào tuần tới.
“Cuộc tranh luận với các đối tác EU đã có lúc gay gắt nhưng tôi tin rằng thỏa thuận cuối cùng là tốt đẹp với toàn châu Âu” - Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố trong cuộc họp báo vài giờ trước.
Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cũng ca ngợi thỏa thuận này: “Công bằng mà nói, đây là một thỏa thuận cân bằng và là điều đúng đắn với đôi bên”. Bà cũng nhắc đến Anh như một “đối tác đáng tin cậy” của EU trong tương lai.
Kết thúc quãng thời gian đàm phán căng thẳng
Sau khoảng 47 năm gia nhập Liên minh châu Âu, Anh đã chính thức rời khối từ ngày 31/1/2020. Tuy nhiên, nước này đồng ý tiếp tục tuân theo các quy tắc của châu Âu cho đến hết năm 2020, trong thời kỳ được gọi là quá trình chuyển tiếp hậu Brexit, để đạt được thỏa thuận thương mại thân thiện hơn với 27 quốc gia còn lại trong khối.
Hai bên đã bị cuốn vào cuộc đàm phán thương mại căng thẳng từ tháng 3 năm nay. Những xung đột chính xoay quanh vấn đề vùng đánh bắt cá và các quy tắc cạnh tranh thương mại.
Theo thỏa thuận vừa đạt được, Anh sẽ giành lại quyền kiểm soát vùng biển nhưng sẽ có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 5 năm rưỡi. Trong thời gian đó, các tàu cá của EU sẽ được quyền tiếp tục tiếp cận vùng biển của Anh. Thỏa thuận cũng tạo ra một sân chơi bình đẳng, đồng nghĩa không bên nào được phép nâng lợi thế cạnh tranh thông qua hoạt động trợ cấp hoặc các động thái tương tự.
Chủ tịch EC Von der Leyen cho hay bà cảm thấy nhẹ nhõm khi đạt được thỏa thuận với Anh. “Chia tay là một nỗi buồn ngọt ngào”.
Tác động kinh tế
Các nhà phân tích tại Citigroup cho biết thỏa thuận này sẽ giúp giảm thiểu gián đoạn kinh tế khi Anh ly khai EU. Nhưng đồng thời nhấn mạnh thỏa thuận vẫn là một bước lùi đáng kể so với mối quan hệ Anh - EU trước đó.
Susannah Streeter, một nhà phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại Hargreaves Lansdown dự đoán một thỏa thuận với EU sẽ thúc đẩy sự phục hồi cho Anh - nền kinh tế vốn đã suy giảm nghiêm trọng trong năm 2020. “Sự gia tăng tâm lý lạc quan thị trường sẽ giúp Vương quốc Anh vượt qua mức giảm 1% GDP mà Ngân hàng Trung ương Anh dự báo như cái giá phải trả do ly khai EU”.