Bước sang 2021, quan hệ Anh - EU sang trang

01/01/2021 09:31 GMT+7
Bước sang năm 2021 cũng là thời điểm khởi đầu một chương mới trong lịch sử mối quan hệ giữa Anh và phần còn lại của châu Âu.

Tháng 1/2019, Anh chính thức rời Liên minh châu Âu sau 47 năm là thành viên của khối. Giai đoạn chuyển tiếp được gia hạn đến hết 31/12/2020 để hai bên hoàn thiện những thỏa thuận an ninh và thương mại liên quan để tránh tình trạng ly khai trong hỗn loạn.

Chỉ một tuần trước hạn chót giai đoạn chuyển tiếp 31/12, Anh và EU hôm 24/12 đã chính thức đạt được thỏa thuận Brexit mang tính chất lịch sử. Thỏa thuận cho phép hai bên tiếp tục quan hệ thương mại phi thuế quan khi nước Anh chính thức ly khai thị trường chung EU. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng tư pháp và cảnh sát để gìn giữ trật tự chung.

Bước sang 2021, quan hệ Anh - EU sang trang - Ảnh 1.

Anh chính thức ly khai EU từ 11h đêm 31/12/2020 (giờ Anh) khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit chấm dứt

Anh và EU đã trải qua một chặng đường dài kể từ mùa hè năm 2016, khi cuộc trưng cầu dân ý cho thấy kết quả bất ngờ với 52% cử tri Anh bỏ phiếu ly khai và 48% đồng tình ở lại. Kết quả bỏ phiếu suýt soát trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu nhanh chóng dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc của hai phe cử tri Anh về việc nên hay không ly khai EU.

Đối với phe ủng hộ ở lại, EU đã và cho đến giờ vẫn đang đại diện cho một khối liên minh châu Âu thống nhất, hòa bình và hợp tác kể từ sau Thế chiến II. Tư cách thành viên EU cho phép công dân Anh tự do đi lại, làm việc, học tập, sinh sống và di chuyển khắp 27 quốc gia thành viên còn lại của khối.

Những người thuộc phe ly khai thì chỉ ra rằng việc rời khối sẽ cho Anh cơ hội giành lại quyền kiểm soát, ra quyết định với vận mệnh đất nước sau nhiều năm hoài nghi về hướng đi của EU và phụ thuộc vào Brussels.

Quá trình Brexit sau gần nửa thế kỷ gắn bó mật thiết là không dễ dàng. Sự chia cắt giữa hai phe ly khai và ở lại vô tình biến nền chính trị Anh thành nạn nhân. David Cameron, thủ tướng Anh tại thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý đã từ chức chỉ một ngày sau khi có kết quả trưng cầu. Người kế nhiệm ông, cựu Thủ tướng Theresa May cũng từ chức vào giữa năm 2019 sau nhiều tháng trời thất bại trong việc thuyết phục Quốc hội Anh thông qua bản thỏa thuận Brexit mà bà đã ký với EU.

Thủ tướng đương nhiệm Boris Johnson tiếp quản phố Downing từ tháng  5/2019 với lời hứa hẹn sẽ đưa Anh ly khai EU vào hạn chót Brexit ngay cả khi không có thỏa thuận nào. Cho đến đầu tháng 12/2020, vẫn chưa có dấu hiệu rõ rệt về khả năng hai bên đạt được thỏa thuận hậu Brexit. Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp Anh và EU đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ thị trường hỗn loạn nếu kịch bản Brexit không thỏa thuận trở thành hiện thực.

Kịch bản này cuối cùng đã không xảy ra.

Bản thỏa thuận Brexit hoàn chỉnh giữa Anh và EU dài tới gần 2.000 trang được công bố hôm 24/12, trong đó quy định nhiều điều khoản khác nhau trên nhiều lĩnh vực, từ hợp tác hạt nhân đến năng lượng, hàng không… “Thỏa thuận đã hoàn tất. Những gì chính phủ cam kết với người dân Anh hồi năm 2016 đã trở thành hiện thực trong thỏa thuận này” - phát ngôn viên văn phòng Thủ tướng Boris Johnson khẳng định. “Chúng ta đã giành lại quyền kiểm soát dòng tiền, biên giới, thương mại, luật pháp và cả vùng biển đánh bắt của chúng ta. Thỏa thuận này là tin tốt lành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn đất nước. Chúng ta đã thành công đạt được hiệp định thương mại quan trọng đầu tiên với mức thuế bằng 0 và hạn ngạch bằng 0”.

Mức thuế quan bằng 0 sẽ giúp thông suốt thương mại hàng hóa giữa đôi bên và mang đến cú thở phào nhẹ nhõm cho các nhà xuất khẩu, những người sẽ phải chịu mức thuế quan chót vót nếu Anh ly khai trong hỗn loạn.

Đầu tuần này, đại sứ 27 quốc gia còn lại thuộc khối EU đã chính thức thông qua thỏa thuận. Đến hôm 30/12, thỏa thuận tiếp tục được đa số các nhà lập pháp Anh tại Nghị viện thông qua. Tiếp theo đây, nghị viện châu Âu sẽ tiến hành bỏ phiếu quyết định vào tháng 1/2021.

Ngay cả khi thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và EU đã chính thức có hiệu lực, các cuộc thăm dò cho thấy người Anh hiện vẫn đang băn khoăn liệu rời EU có phải quyết định đúng đắn không. Một cuộc thăm dò dư luận được thực hiện bởi đài BBC trong những tháng gần đây cho thấy 53% người Anh sẽ bỏ phiếu ở lại EU và 47% bỏ phiếu ly khai nếu có cơ hội trưng cầu dân ý lần nữa. Điều đó đã làm dấy lên một viễn cảnh bất định rằng không loại trừ khả năng một ngày nào đó, Vương quốc Anh có thể tái gia nhập EU. 

Thủ tướng Anh hồi tuần trước khẳng định Anh vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ “gắn bó về mặt văn hóa, tình cảm, lịch sử, chiến lược và địa lý” với châu Âu. “11 giờ đêm 31/12 đánh dấu một mốc khởi đầu mới trong lịch sử đất nước, một mối quan hệ mới với EU trên tư cách đồng minh thân thiết nhất. Khoảnh khắc này cuối cùng đã đến” - ông Boris Johnson nhấn mạnh.


NTTD
Cùng chuyên mục