Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025: ĐBQH đề nghị làm rõ nguyên nhân mục tiêu chưa hoàn thành giai đoạn 2016-2020

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 30/10/2021 11:26 AM (GMT+7)
Sáng 30/10, tại Phiên họp về dự kiến Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu đồng tình với với kế hoạch. Tuy nhiên, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) cũng cho rằng cần làm rõ nguyên nhân những mục tiêu giai đoạn 2016-2020 chưa hoàn thành.
Bình luận 0

Cụ thể, theo phân tích của nhiều ĐBQH, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,3% tổng số mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên vẫn còn 05/22 mục tiêu chưa hoàn thành, đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động. Qua quá trình thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm.

Nói về 5/22 mục tiêu không hoàn thành, tại Phiên thảo luận, đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng, cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025: ĐBQH đề nghị làm rõ nguyên nhân mục tiêu chưa hoàn thành giai đoạn 2016-2020 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trước Quốc hội chiều 29/10. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Nguyên nhân được ông Long đưa ra là do đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động.

Các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc không hoàn thành các mục tiêu này ảnh hưởng đến kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và việc xác định các mục tiêu trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Trần Hữu Hậu, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho biết, bên cạnh những hạn chế, yếu kém trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, một số vấn đề mới cần được nghiên cứu, bổ sung trong thời gian tới.

Điển hình, ĐBQH Trần Hữu Hậu lấy ví dụ về liên kết vùng, phát triển đô thị, kinh tế đô thị làm trọng điểm, lấy xác định các ngành, sản phẩm, lĩnh vực có hiệu quả cao, đóng góp lớn và sức lan tỏa rộng trong nền kinh tế.

Trong đó, đặc biệt tập trung vào các ngành dựa trên công nghệ và tri thức tiên tiến làm khâu đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Tăng trưởng dựa vào tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường trong nước và thị trường quốc tế; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân, tăng trưởng bao trùm, phát huy vai trò của văn hóa, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025: ĐBQH đề nghị làm rõ nguyên nhân mục tiêu chưa hoàn thành giai đoạn 2016-2020 - Ảnh 2.

Đa phần các đại biểu ủng hộ Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Cùng góp ý về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trong phiên thảo luận sáng 30/10, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, liên kết kinh tế vùng là để tận dụng lợi thế so sánh của mỗi địa phương, nhằm tạo ra tính canh tranh cao hơn về kinh tế trong vùng.

Theo vị đại biểu, thời gian qua, vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh thành đều muốn địa phương của mình được đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, nên nguồn lực đầu tư dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương lân cận, dẫn đến đầu tư công kém hiệu quả.

"Nhằm đẩy nhanh quá trình liên kết vùng giữa các địa phương, đại biểu đề nghị trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau, qua đó mang lại hiệu quả cao trong liên kết vùng, tạo tiền đề để các địa phương phối hợp với nhau trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, tránh đầu tư dàn trải làm giảm hiệu quả nguồn lực của trung ương. Ngoài ra, đại biểu đề nghị khoản 4, Điều 3 của Nghị quyết, cụm từ "tăng cường liên kết vùng" cần được viết lại thành "chính sách ưu tiên đầu tư công cho liên kết vùng"", Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem