Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 29/10/2021 15:28 PM (GMT+7)
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp.
Bình luận 0

Hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo

Chiều 29/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày trước Quốc hội dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài và có những yếu tố bất định, tác động trực tiếp tới các trung tâm kinh tế, đô thị lớn.

Qua đó, sản xuất bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Trước bối cảnh đó, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu trong phiên họp chiều 29/10. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Về quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 5 nội dung. Trong đó, việc tập trung khắc phục những hạn chế, hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của kế hoạch giai đoạn 2016- 2020 là quan điểm trên hết. Bổ sung các nhiệm vụ nhằm tận dụng các cơ hội, các mô hình kinh doanh mới và giải quyết tốt các vấn đề chiến lược để phát triển nhanh và bền vững.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh quan điểm lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá, lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị- nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm.

"Tháo gỡ những rào cản thể chế theo hướng vướng ở cấp nào thì cấp đó khẩn trương chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện, cần thiết có thể thí điểm đối với những vấn đề mới. Đẩy mạnh chuyển đổi số, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên số", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cũng đưa ra 6 nhóm mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, ngoài một số chỉ tiêu cập nhật của kỳ kế hoạch trước, kế hoạch mới bổ sung các chỉ tiêu về phát triển các loại hình thị trường, cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2025, trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP

Kế hoạch nêu nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, như tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.

Với mục tiêu củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô chỉ tiêu đặt ra là giảm dần thâm hụt ngân sách nhà nước, cả giai đoạn 2021-2025 bình quân khoảng 3,7% GDP. Đến năm 2025, tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ hằng năm trong phạm vi trần nợ công không quá 60% GDP. Ngưỡng cảnh báo nợ công khoảng 55% GDP và trần nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng cảnh báo nợ Chính phủ khoảng 45% GDP

Đến năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá - Ảnh 2.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại các điểm cầu. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội)

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước.

Xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP.

Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế . Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II.

Trong mục tiêu phát triển mạnh các loại thị trường, chỉ tiêu đặt ra là đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.

Đến năm 2025, chỉ số chất lượng quản lý hành chính đất đai trong bộ chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tăng 10-15 bậc đến năm 2025 so với năm 2019.

Một số mục tiêu tiếp theo được nêu tại kế hoạch là hoàn thành việc xây dựng và công khai hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28-30% vào năm 2025.

Đến năm 2025, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam trong bộ chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tăng 40 - 50 bậc so với năm 2019.

Trong đó, chỉ số kỹ năng của sinh viên tăng 45 bậc. Đến năm 2025, tỷ trọng chi cho khoa học công nghệ của toàn nền kinh tế đạt không dưới 1% GDP. Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.

Đến năm 2025, tối thiểu 5 đến 10 trong số các sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu trên thị trường quốc tế, góp phần cải thiện vị thế của ngành trên chuỗi giá trị toàn cầu. Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% cũng là chỉ tiêu được nêu tại kế hoạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem