Kẻ thảm sát 3 người ở Bắc Giang phải đi chữa bệnh tâm thần, tình huống nào sẽ xảy ra?

Quang Trung Thứ tư, ngày 27/07/2022 19:54 PM (GMT+7)
Kết luận giám định lần 2 cho thấy kẻ thảm sát 3 người ở Bắc Giang bị loạn thần cấp chủ yếu hoang tưởng. Do đó, TAND tỉnh Bắc Giang đã buộc bị cáo phải đi chữa bệnh. Tình huống nào sẽ xảy ra trong vụ việc này?
Bình luận 0

Đưa kẻ thảm sát 3 người ở Bắc Giang đi chữa bệnh tâm thần

Chiều 27/7, TAND tỉnh Bắc Giang cho biết HĐXX vừa có quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần đối với Trần Chung Hiếu (tức Trần Văn Hiếu, 48 tuổi, ở huyện Lạng Giang) về tội Giết người. Hiếu bị cáo buộc đoạt mạng 3 người thân hôm 22/10/2021.

Kẻ thảm sát 3 người ở Bắc Giang phải đi chữa bệnh tâm thần, tình huống nào sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Trần Văn Hiếu, kẻ thảm sát 3 người ở Bắc Giang tại thời điểm bị bắt giữ. Ảnh: CACC.

Vụ án từng 2 lần được đưa ra xét xử. Tại phiên sơ thẩm gần nhất vào cuối tháng 5, bị cáo khai mình có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. Sau đó, HĐXX quyết định hoãn làm việc để trưng cầu giám định lại đối với Hiếu.

Một lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Giang cho biết kết quả giám định lại cho thấy Trần Chung Hiếu bị loạn thần cấp chủ yếu hoang tưởng, giai đoạn bệnh cấp tính. Hậu quả làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Căn cứ kết luận giám định lại và các quy định về tố tụng, tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị cáo Trần Chung Hiếu.

"Thời hạn bắt buộc chữa bệnh tùy thuộc vào tình trạng khỏi bệnh của bị cáo. Sau khi cơ quan giám định kết luận bị cáo khỏi bệnh, thì tòa án tiếp tục xét xử theo trình tự sơ thẩm", vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Tình huống pháp lý nào sẽ xảy ra với kẻ thảm sát 3 người ở Bắc Giang

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 21 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (khoản 1 Điều 206) yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.

Cụ thể, bệnh lý của người thực hiện hành vi phạm tội phải được một Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do Bộ luật tố tụng hình sự quy định tiến hành giám định, xác định và kết luận bằng một bản kết luận giám định pháp y tâm thần. Bản kết luận giám định là căn cứ để các cơ quan tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự của họ.

Do đó, người thực hiện hành vi phạm tội chỉ được miễn chỉ được miễn theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự khi thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện.

Đó là, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm các mối quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ.

Và, tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người đó có kết luận bằng một bản kết luận giám định pháp y tâm thần của Hội đồng giám định pháp y về tâm thần do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, kết luận họ đang mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Tuy nhiên, luật sư Hòe cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất.

Đồng thời, theo tinh thần của Điều 21 Bộ luật hình sự hiện hành, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trong lúc đang mắc bệnh.

Còn nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường mà trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi, căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.

Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Bộ luật hình sự 2015.

Theo cáo buộc, năm 2013, Hiếu kết hôn với chị Kiều và sinh 2 con. Hai năm sau đó, Hiếu bị TAND TP Lạng Sơn tuyên 6 năm tù do gây thương tích cho vợ. Đến năm 2019, khi đang chấp hành án, thì ông ta bị tòa xử ly hôn với chị Kiều.

Sau đó, ông Trần Đình Luật và bà Bùi Thị Thoa (bố, mẹ đẻ của Hiếu) đã đón cháu Minh (một trong 2 con của chị Kiều) về sống tại Lạng Giang, Bắc Giang.

Ngày 13/10/2021, Hiếu mãn hạn rồi về ở cùng người thân tại xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang. Quá trình chung sống, bị cáo nghĩ Minh không phải con ruột của mình. Sáng 22/10, Hiếu cho rằng em gái là Trần Thị Thảo thúc ép anh ta phải nhận Minh là con đẻ nên sau khi uống rượu, bị cáo vung dao sát hại chị này.

Lúc sau, Hiếu thấy bà Thoa đi làm đồng về thì sát hại nạn nhân thứ 2. Sau khi gây án, Hiếu tiếp tục uống rượu. Chiều cùng ngày, ông Luật về đến nhà thì nghe kẻ gây án nói đã sát hại 2 người thân. Theo điều tra, Hiếu sau đó dùng dao đoạt mạng bố đẻ rồi lấy xe máy của ông Luật để bỏ trốn. Cháu Minh kịp thoát thân.

Chiều 24/10, Hiếu bị Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ tại chốt kiểm soát dịch ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, Lào Cai, cách hiện trường án mạng hơn 300 km.

Thời điểm đó, Trung tâm Pháp y tâm thần của Bộ Y tế giám định, kết luận Trần Chung Hiếu không bị bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi tại thời điểm gây án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem