Vì sao tỉnh Vĩnh Long đề nghị hủy khen thưởng Huân chương Lao động của nguyên trụ trì chùa Phước Quang?

Đình Việt Thứ ba, ngày 26/07/2022 08:10 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị hủy bỏ các quyết định khen thưởng đối với 2 tập thể và 2 cá nhân ở tỉnh này, trong đó có ông Phạm Văn Cung, nguyên trụ trì chùa Phước Quang, huyện Tam Bình.
Bình luận 0

Đề nghị hủy khen thưởng Huân chương Lao động của nguyên trụ trì chùa Phước Quang

Theo thông tin PV Dân Việt nắm được, ngày 25/7, ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ký tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hủy bỏ các quyết định khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba đối với 2 tập thể và 2 cá nhân ở tỉnh này.

Lý do tỉnh Vĩnh Long đề nghị hủy các quyết định khen thưởng là vì các tập thể, cá nhân nêu trên vướng nhiều sai phạm, vi phạm.

Vì sao tỉnh Vĩnh Long đề nghị hủy khen thưởng Huân chương Lao động của cựu trụ trì chùa Phước Quang? - Ảnh 1.

Phạm Văn Cung, nguyên trụ trì chùa Phước Quang bị đề nghị hủy khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì lừa đảo và đã bị phạt tù chung thân. Ảnh: PLO

Trong số 2 cá nhân bị tỉnh Vĩnh Long đề nghị hủy quyết định khen thưởng có Phạm Văn Cung (tức Thích Phước Ngọc), cựu trụ trì chùa Phước Quang, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị hủy bỏ quyết định khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba đối với Phạm Văn Cung do Cung phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", đã bị phạt tù chung thân.

Nguyên trụ trì chùa Phước Quang lừa đảo gần 68 tỷ đồng

Ngày 14/4 vừa qua, TAND tỉnh Vĩnh Long đã tuyên phạt Phạm Văn Cung mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, nhiều nạn nhân của Phạm Văn Cung đã đến gặp PV Báo Điện tử Dân Việt để tố cáo. Báo Điện tử Dân Việt cũng đã có nhiều bài viết phản ánh về vụ việc này.

HĐXX nhận định, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại toà và các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Trong thời gian làm trụ trì chùa Phước Quang và giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương (nuôi dạy trẻ mồ côi), Cung đã lợi dụng danh nghĩa của 2 đơn vị này tìm cách liên hệ gặp nhiều người có điều kiện kinh tế, giới thiệu về công việc từ thiện của mình để họ cảm thông và trợ giúp.

Khi có đoàn từ thiện đến thì Cung cho thêm các trẻ em bên ngoài vào mặc áo đồng phục để các bị hại tin tưởng rằng trung tâm nuôi dạy rất nhiều trẻ em và hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Cung còn chủ động làm quen với các bị hại rồi dựng lên các sự kiện không có thật như dựng chuyện bị bắt cóc, lâm trọng bệnh, sửa chữa chùa, đang trốn nợ ở nước ngoài,… để chiếm đoạt tiền của nhiều người.

Cung còn giới thiệu mình có quen với nhiều lãnh đạo cấp cao ở Trung ương, Đặc phái viên Quốc tế; làm nhiều video tự PR mình trên mạng xã hội quảng bá hình ảnh, tạo lòng tin cho nhiều người để lừa tiền chi xài cá nhân.

Để thực hiện hành vi, Cung đã lôi kéo Nguyễn Tuấn Sĩ (đóng giả làm chủ tiệm cầm đồ) và Lê Nguyên Khoa (34 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cùng tham gia.

Bằng các thủ đoạn gian dối, Cung và các đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bốn người với tổng số tiền hơn 67,7 tỉ đồng.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ.

Bị cáo Cung là người xuất thân từ đạo giáo, lẽ ra bị cáo phải tu dưỡng đạo đức, làm việc thiện, tránh việc ác, góp phần tuyên truyền, giáo dục người dân sống tốt đời đẹp đạo.

Tuy nhiên, bị cáo lại lợi dụng lòng tin của bị hại để chiếm đoạt tài sản nên cần có mức án nghiêm khắc xử lý bị cáo để phòng ngừa, răn đe chung xã hội.

Về diễn biến mới của vụ việc, hiện nay, các nạn nhân Bùi Thanh Nhàn đang đề nghị giải quyết lấy 3 lô đất của Cung để khắc phục hậu quả. 

Ngoài ra, nạn nhân Trần Thị Ánh Hồng bị lừa 7 tỷ, nạn nhân Nguyễn Ngọc Trường Sơn bị lừa 5 tỷ... đang kiến nghị được khắc phục trong giai đoạn 2 của vụ án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem