Khách và chủ tàu oằn lưng gánh phí vì cảng nội địa mang "mác" quốc tế

Công Xuân Thứ bảy, ngày 27/07/2019 14:54 PM (GMT+7)
Dù ra vào cập cảng chỉ là tàu chở khách và hàng tuyến đảo Lý Sơn nhưng cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được quy định là cảng quốc tế. Vì vậy khách ra đảo và chủ tàu đến, đi tại cảng này phải trả mức phí trên trời.
Bình luận 0

Thời gian qua nhiều du khách ra đảo Lý Sơn vô cùng khó hiểu khi giá vé bán tàu siêu tốc tại cảng Sa Kỳ (đất liền) và cảng An Vĩnh, huyện Lý Sơn chênh nhau đến 18.000 đồng/người/vé. Cụ thể giá vé bán tại cảng Sa Kỳ là  178.000 đồng/vé/người, còn chiều vào tại cảng An Vĩnh chỉ 160.000 đồng/vé/người. Anh Nguyễn Văn Tâm (28 tuổi), du khách đến từ tỉnh Lâm Đồng bày tỏ: "Cùng 1 tuyến và phương tiện vận chuyển, nhưng không hiểu tại sao giá vé tại 2 đầu lại chênh nhiều như vậy".

img

img

Dù ra vào cập cảng chỉ là tàu chở khách và hàng tuyến đảo Lý Sơn nhưng cảng Sa Kỳ được quy định là cảng quốc tế. Vì vậy khách ra đảo "gánh" tiền phí lên đến 18.000 đồng/người.

Trả lời PV Báo Dân Việt "Khoản thu này là gì, vì sao có sự chênh lệch như vậy ?", ông Lê Tấn Hải - Giám đốc Ban quản lý cảng Sa Kỳ giải thích: "Đây là khoản thu dịch vụ hành khách thông qua cầu bến. Tuy phương tiện ra vào cảng chỉ là tàu khách và chở hàng của tuyến Lý Sơn, nhưng Sa Kỳ là cảng quốc tế vì vậy chúng tôi căn cứ vào các quy định (đối với cảng quốc tế) đưa ra mức thu trên và được cấp thẩm quyền xét duyệt cho phép. Dĩ nhiên nếu Sa Kỳ là cảng nội địa thì khoản phí thu trên sẽ thấp hơn rất nhiều".

Về câu hỏi: " Giá vé mà chủ tàu siêu tốc đăng ký với các sở ngành chỉ 160.000 đồng/vé, vậy việc cộng thêm khoản phí trên vào vé có đúng; BQL cảng Sa Kỳ hay chủ tàu chịu khoản tiền thuế phát sinh chênh lệch 18.000 đồng/vé/khách ?", vị Giám đốc cảng này khẳng định: "Việc cộng khoản phí thu 18.000 đồng/khách vào vé đã được thẩm quyền tỉnh cho phép, chủ tàu cũng đồng ý; BQL cảng Sa Kỳ chịu trách nhiệm xử lý đối với phần thuế phát sinh thêm".

img

Tại đầu cảng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, số tiền phí mà các tàu cập đón trả khách tại đây chỉ từ 150-200.000 đồng/tàu/lượt, bằng khoản 1/3 so với cảng Sa Kỳ

Ông Huỳnh Công Trí - Giám đốc Ban Quản lý cảng Lý Sơn cho biết: " Cảng An Vĩnh mà hiện các tàu khách cập đón, trả khách tại Lý Sơn là cảng cá. Theo quy định thì không được thu khoản tiền như tại cảng Sa Kỳ, nên giá vé tại đây bán đúng như chủ tàu đăng ký với cấp thẩm quyền tỉnh là 160.000 đồng/vé".

Không chỉ khách, cũng chính vì "mác" quốc tế của cảng Sa Kỳ mà các chủ tàu khách cũng "oằn lưng" vì các khoản chi phí.  Cụ thể mỗi lần cập để đón, trả khách tại đây, tàu khách phải 4 khoản phí và thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền trên 570.000 đồng/lần. Nặng nhất là tiền phí buộc và cởi dây neo gần 260.000 đồng/lần và phí vệ sinh môi trường trên 235.000 đồng/lần. Trong khi đó tại đầu cảng Lý Sơn, số tiền mà các tàu cập đón trả khách tại đây chỉ từ 150-200.000 đồng/tàu/lượt, bằng khoản 1/3 so với cảng Sa Kỳ.

img

Quày bán vé ủy thác cho các tàu khách của Ban quản lý cảng Sa Kỳ

Một vấn đề khác liên quan đến BQL cảng Sa Kỳ đang gây bức xúc cho chủ tàu khách, đó là việc thực hiện bán vé ủy thác. Theo hợp đồng các chủ tàu khách ủy thác 100% số vé cho BQL cảng Sa Kỳ bán giúp, với mức phí trả là 4% tổng giá trị tiền vé.

Nhưng do nhân viên BQL cảng Sa Kỳ bán không hiệu quả, vì vậy hầu hết các chủ tàu phải tự mua lại số vé mình đã ủy thác, mang ra ngoài khu vực cảng nhờ người khác bán. Dù vậy chủ tàu cũng phải trả đủ tiền phí ủy thác 4% (toàn bộ 100% số vé) như hợp đồng đã ký cho BQL cảng Sa Kỳ.

img

Để đủ khách, hầu hết các chủ tàu phải tự mua lại số vé mình đã ủy thác, mang ra ngoài khu vực cảng nhờ người khác bán. Dù vậy chủ tàu cũng phải trả đủ tiền phí ủy thác 4% (toàn bộ 100% số vé) như hợp đồng đã ký cho BQL cảng Sa Kỳ.

img

Không chấp nhận tình trạng trên của BQL cảng Sa Kỳ, công ty TNHH TMXD & DV vận tải Biển Đông đã có đơn gửi, đề nghị BQL cảng Sa Kỳ chấn chỉnh lại việc thực hiện ký hợp đồng bán vé ủy thác với doanh nghiệp này.

"Việc ủy thác bán vé là tự nguyện; số vé mà nhân viên BQL cảng Sa Kỳ bán giúp quá ít, không hiệu quả, nhưng vì lý do tế nhị nên nhiều chủ tàu dù rất bức xúc vẫn phải chịu đựng ", ông L.T.C, chủ một tàu khách siêu tốc bày tỏ.

Tuy nhiên không phải chủ tàu khách nào cũng chấp nhận tình trạng trên của BQL cảng Sa Kỳ, ông Trần Đình  Xem - Giám đốc công ty TNHH TMXD & DV vận tải Biển Đông đã có đơn gửi, đề nghị BQL cảng Sa Kỳ chấn chỉnh lại việc thực hiện ký hợp đồng bán vé ủy thác với doanh nghiệp này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem