Khám phá Vương cung thánh đường Sở Kiện (bài cuối): Nghề truyền thống giúp giáo dân làm giàu, "không phụ thuộc thời tiết"

Trần Quang Thứ sáu, ngày 15/07/2022 09:40 AM (GMT+7)
Không chỉ gìn giữ làng nghề làm bánh đa truyền thống của quê hương, nhiều giáo dân ở tiểu khu Ninh Phú, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) còn mạnh dạn đầu tư mua thêm máy móc công nghệ cao để sản xuất đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Clip: Vương cung Thánh đường Sở Kiện (bài 3): Những giáo dân làm giàu từ nghề truyền thống "không phụ thuộc thời tiết"

Áp dùng công nghệ cao để không phụ thuộc vào thời tiết

Tìm đến cơ sở sản xuất bánh đa Tính Thủy vào gần trưa ngày 7/7, chúng tôi bắt gặp bà Đặng Thị Thủy, chủ cơ sở đang dọn dẹp, vệ sinh máy móc làm bánh đa của gia đình. Bà Thủy cho biết, hôm nay cơ sở nghỉ làm cho máy móc, anh em nghỉ ngơi, chờ sang tuần khách đặt nhiều sẽ tiếp tục sản xuất.

Là cơ sở sản xuất bánh đa mang thương hiệu "Bánh đa Sở Kiện" lớn nhất, nhì ở tiểu khu Ninh Phú, ngày cao điểm, gia đình bà Thủy sản xuất trên 5.000 chiếc bánh đa. "Trước đây làm thủ công, từ khâu trộn, đảo bột đến tráng bánh bằng tay rất lâu, ngày nào nhiều mới được vài trăm chiếc nhưng giờ có máy làm giúp các công đoạn làm nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thậm chí, trời có mưa, chúng tôi cũng không phải mang bánh tráng ra phơi mà đưa vào máy nướng đạt số lượng trên 5.000 chiếc", bà Thủy tiết lộ.

Vương cung Thánh đường Sở Kiện (bài 3): Những giáo dân làm giàu từ nghề truyền thống "không phụ thuộc thời tiết" - Ảnh 2.

Bà Đặng Thị Thủy, chủ cơ sở bánh đa Tính Thủy vận hành máy trộn, làm bột sản xuất bánh đa tại gia đình.

Theo bà Thủy, vào thời gian sản xuất cao điểm, đắt hàng, cơ sở Tính Thủy sản xuất ra trên 5.000 sản phẩm cung cấp cho các đầu mối bán buôn, bán lẻ tại các tỉnh, thành trong cả nước. Trung bình mỗi phôi bánh giá tại lò khoảng 6.500 đồng/chiếc.

Chia sẻ kinh nghiệm làm bánh đa chất lượng cao, bà Thủy cho biết, bên cạnh việc đầu tư áp dụng công nghệ cao để không phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chúng tôi còn lựa chọn nguyên liệu gồm gạo, nhận lạc, vừng chất lượng cao để làm bánh.

"Muốn bánh ngon, khâu đầu tiên là phải chọn các nguyên liệu tốt nhất mới làm được. Nếu người làm nghề chọn phải nguyên liệu như lạc, vừng ẩm hoặc mốc xanh khi làm bánh sẽ xấu và khó ăn, khách hàng chỉ mua 1 lần sẽ bỏ mối ngay", chủ cơ sở sản xuất bánh đa Tính Thủy tiết lộ.

Vương cung Thánh đường Sở Kiện (bài 3): Những giáo dân làm giàu từ nghề truyền thống "không phụ thuộc thời tiết" - Ảnh 3.

Bà Vũ Thị Hợp (49 tuổi) sấy phôi bánh đa bằng máy hiện đại tại gia đình ở tiểu khu Ninh phú.

Làm nghề với quy mô nhỏ hơn so với cơ sở Tính Thủy, gia đình bà Vũ Thị Hợp (49 tuổi) mỗi ngày làm ra khoảng 1.500 bánh sống (phôi bánh chưa thành bánh đa thành phẩm). Thời điểm vào các ngày nắng nóng, số lượng sản phẩm bán ra tại gia đình cũng giảm nhiều nhưng tính ra, gia đình bà vẫn đạt tổng thu nhập trên 7 triệu đồng/ngày.

"Làm bánh đa cũng vất vả, mọi người phải dạy sớm tráng, hấp bánh nhưng thu nhập cũng cao hơn thu nhập lao động phổ thông nên chúng tôi vẫn cố gắng duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương", bà Hợp bộc bạch.

Theo bà Hợp, để làm được bánh ngon, gia đình tôi phải rất kỳ công trong từng công đoạn, từ bước chọn gạo làm bột phải là loại gạo ngon và khô, tránh những loại gạo mang tính dẻo, nếp…. Tiếp đến là khâu nhào bột, để bột luôn đều và mịn, tôi phải liên tục dùng máy để đảo pha đều.

Để tạo ra vị thơm ngon, bùi ngậy cho bánh, trong quá trình tráng, vợ chồng bà Hợp sẽ rắc một lớp vừng, lạc hoặc sợi dừa nạo nhỏ lên bề mặt bánh. Bà Hợp tiết lộ: Ngoài những loại bánh truyền thống như trên, ngày nay người dân Sở Kiện còn cải tiến nhiều loại bánh thêm những nguyên liệu như chuối tiêu, gấc đỏ, tạo nên vị ngọt mềm, mang màu sắc bắt mắt và hấp dẫn.

Bánh sau khi tráng xong được làm khô bằng ánh nắng tự nhiên hoặc đưa vào lò sấy công nghệ cao khi gặp thời tiết mưa nồm, gió bấc nhằm đáp ứng đủ hàng cho khách tại các tỉnh, thành.

Mong được tiếp sức

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trương Việt Hoàng - Giám đốc HTX Bánh đa Sở Kiện, Trưởng tiểu khu Ninh Phú cho biết: Ninh Phú có khoảng 382 hộ, 1.200 nhân khẩu. Trong đó có 33 hộ với 200 nhân khẩu trực tiếp tham gia làm nghề bánh đa truyền thống. Có thời điểm, người làm bánh đa sở kiện đưa ra thị trường trên dưới 20.000 chiếc/ngày.

Vương cung Thánh đường Sở Kiện (bài 3): Những giáo dân làm giàu từ nghề truyền thống "không phụ thuộc thời tiết" - Ảnh 4.

Bà Hợp chia sẻ kinh nghiệm làm bánh đa truyền thống với người dân tại địa phương.

"Trải qua thời gian dài biến động, từ làng thuần nông đến nay Ninh Phú chuyển dần lên phố nhưng chúng tôi vẫn đoàn kết và cố gắng giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của quê hương. Thời điểm này, đầu ra cho sản phẩm khá chậm nhưng bà con vẫn duy trì để giữ khách và đảm bảo thu nhập cho gia đình", Giám đốc HTX Bánh đa Sở Kiện nói.

Theo ông Hoàng, đến nay sản phẩm bánh đa Sở Kiện đã được tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nên đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn.

Vương cung Thánh đường Sở Kiện (bài 3): Những giáo dân làm giàu từ nghề truyền thống "không phụ thuộc thời tiết" - Ảnh 5.

Bà Đặng Thị Thủy, chủ cơ sở bánh đa Tính Thủy kiểm tra sản phẩm bánh đa Sở Kiện trước khi đưa ra thị trường.

Tuy vậy, bà con giáo dân trong HTX Bánh đa Sở Kiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất do không gian chật hẹp nên rất mong được tỉnh, huyện tiếp tục hỗ trợ đơn vị hỗ trợ tạo điều kiện mở rộng, tạo không gian mới để bà con có cơ hội làm ăn lớn, phát triển làng nghề hiệu quả, bền vững hơn.

"HTX cũng rất mong Nhà nước hỗ trợ HTX có diện tích mặt bằng để xây dựng trụ sở HTX làm việc hiệu quả hơn", ông Hoàng kiến nghị.

Vương cung Thánh đường Sở Kiện (bài 3): Những giáo dân làm giàu từ nghề truyền thống "không phụ thuộc thời tiết" - Ảnh 6.

Anh Viên Đức Định (23 tuổi), một người trẻ còn theo nghề truyền thống ở Sở Kiện.

Khám phá Vương cung Thánh đường Sở Kiện (bài 3): Giáo dân làm giàu từ nghề truyền thống "không phụ thuộc thời tiết" - Ảnh 7.

Bên cạnh các hộ đầu tư máy móc hiện đại để làm bánh, gia đình ông Nguyễn Quốc Việt (55 tuổi) vẫn kiên trì nướng bánh thủ công bằng bếp lò, than hoa. Trung bình mỗi ngày từ 4 giờ sáng đến 19 giờ tối, ông làm, nướng được 400 chiếc bánh đa thành phẩm bán cho khách khoảng 8.000 đồng/chiếc. "So với sản xuất, nướng bằng máy, nướng bánh thủ công bằng than vẫn có hương vị đặc trưng riêng được khách hàng rất ưa chuộng", ông Việt chia sẻ.

Ông Vũ Văn Lợi - Bí thư Chi bộ tiểu khu Ninh Phú, Trưởng ban Đoàn kết công giáo huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho hay: Dù đã lên phố nhưng bà con giáo dân ở Ninh Phú vẫn duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, thi đua sản xuất, phát triển kinh tế vừa đảm bảo thu nhập nuôi sống gia đình và làm giàu, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết trong làm kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của bà con trong khu.

"Bên cạnh việc nâng cao quy mô sản xuất, đồng bào công giáo ở đây còn đoàn kết, tích cực đầu tư công nghệ để xử lý môi trường sản xuất giúp môi trường ở khu dân cư luôn đảm bảo xanh - sạch - đẹp", ông Lợi khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem