Ngôi làng Quảng Trị ở Ninh Thuận "biến" vùng núi đá khô cằn thành xứ đạo bình yên

Đức Cường Thứ sáu, ngày 08/07/2022 13:10 PM (GMT+7)
Sau gần 50 năm di cư từ vùng đất Quảng Trị vào Ninh Thuận, những người con xa xứ đã biến vùng núi đá, đất khô cằn, đầy nắng gió ở xã Quảng Sơn, huyện miền núi Ninh Sơn thành một xứ đạo bình yên. Dẫu xa quê, nhưng bà con vẫn giữ mãi nét văn hóa truyền thống quê nhà, vươn lên làm giàu trên vùng đất mới…
Bình luận 0

Từ trung tâm TP. Phan Rang- Tháp Chàm, xuôi theo Quốc lộ 27 lên hướng Đà Lạt (Lâm Đồng) khoảng 35km về huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) hỏi thăm ngôi làng Quảng Sơn thì không ai không biết. Bởi nơi đây vốn nổi tiếng với tinh thần đoàn kết và lối sống "tốt đời đẹp đạo"của giáo dân công giáo.

Hơn nữa, vùng đất này hiện là vùng nông nghiệp đang phát triển, là nơi có nhiều vườn cây ăn trái cây, nuôi gà thả vườn... mang lại lợi nhuận cho bà con nông dân.

50 năm lập làng ở "thung lũng chết".

Dẫn chúng tôi rảo bước trên những con người bê tông láng mượt, ông Nguyễn Ngọc Phúc (82 tuổi) ở thôn Hạnh Trí 2, xã Quảng Sơn bồi hồi nhớ lại sự cực nhọc trước đây và sự đổi thay của xã Quảng Sơn như ngày nay.

The lời ông Phúc cho biết, gần 50 năm trước( trước 1975), khói lửa chiến tranh ác liệt ở Quảng Trị đã khiến biết bao thế hệ những người dân vùng này di chuyển vào Ninh Thuận để náu thân. Xã Quảng Sơn là nơi đầu tiên bà con chọn làm nơi lập làng và ngày ấy, vùng đất này khô cằn sỏi đá, nổi tiếng về bệnh sốt rét nên nhiều người gán cho cái tên là "thung lũng chết".

Ngôi làng Quảng Trị ở Ninh Thuận biến “thung lũng chết” trở thành xứ đạo bình yên - Ảnh 1.

Lối vào trụ sở chính của UBND xã Quảng Sơn ngày nay nằm trên Km33, Quốc lộ 27 . (Ảnh: Đức Cường)

"Trước đây vào những ngày mới lập làng, Quảng Sơn là một thung lũng hoang vu nên đời sống người dân hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết và tính chịu thương, chịu khó của người con xứ Quảng Trị, bao thế hệ người con nơi đây đã vượt qua khó khăn, cùng với chính quyền địa phương xây dựng xã Quảng Sơn phát triển như hôm nay...", ông Phúc nói.

Theo các vị lớn tuổi kể lại, tên gọi xã Quảng Sơn được hiểu theo ý nghĩa của Quảng Trị-Ninh Sơn để nhắc nhở những người con xa xứ luôn nhớ về cội nguồn, quê cha đất tổ.

Trước đó, do khói lửa chiến tranh dữ dội mà nhiều người theo đạo công giáo tại quê mẹ Quảng Trị đã phải rời bỏ quê hương đi tìm những vùng đất mới để định cư. 

Tháng 5/1973, nhóm thanh niên thiện chí đầu tiên đã tìm đến vùng đất mới thuộc xã Bửu Sơn, huyện Sông Pha, tỉnh Ninh Thuận (nay là xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) để chuẩn bị cho người thân và họ hàng di chuyển vào làm nơi tạm cư. 

Đến tháng 7/1973, theo tiếng gọi của hai vị linh mục Giuse Đỗ Bá Ái và nghĩa tử của ngài là linh mục Phêrô Trần Văn Đoàn, đoàn người đầu tiên đã đến vùng đất này để định cư lập nghiệp.

Theo ông Đặng Đức Hội (74 tuổi) ở thôn Triệu Phong 1, thời điểm mới lập làng nơi thung lũng xã Bữu Sơn (Quảng Sơn) ngày nay được gọi là"thung lũng chết" bởi bệnh sốt rét và do khí hậu nắng nóng quanh năm, thiếu mưa thừa nắng nên sản xuất nông nghiệp rất khó khăn.

"Thời điểm đó cuộc sống rất khó khăn, muốn có nước để sinh hoạt người dân phải lặn lội vào các sông suối để lấy rồi vận chuyển về nhà bằng xe bò kéo, sau đó bỏ phèn chua cho nước lắng đọng rồi mới sử dụng." ông Hội nhớ lại.

Ngôi làng Quảng Trị ở Ninh Thuận biến “thung lũng chết” trở thành xứ đạo bình yên - Ảnh 1.

Bể nước được xây dựng cạnh nhà thờ các giáo xứ tại Quảng Sơn từ lúc mới lập làng đến nay vẫn còn hiện diện. (Ảnh: Đức Cường)

Để sớm ổn định cuộc sống của bà con, hai vị linh mục đã vận động người dân làm đường, xây dựng nhà ở, đồng thời phát hoang rừng rậm để phát triển sản xuất nông nghiệp trồng khoai lang, sắn, bo bo… phục vụ cuộc sống mới.

Dưới dự hướng dẫn của linh mục Giuse Đỗ Bá Ái, đến giữa năm 1975, một ngôi làng nhỏ với 100% là người Quảng Trị theo công giáo được hình và ổn định được nơi ăn chốn ở. Sau đó, cùng nhau xây dựng được nhiều công trình công cộng như: trường học, bệnh xá, hệ thống nước… Và kể từ đó, bà con giáo dân đã biến"thung lũng chết" ngày nào trở thành vùng đất "đất lành chim đậu", nhiều cánh đồng nông nghiệp màu mỡ, đầy sức sống xanh thẳm trên vùng đất này.

Ngôi làng Quảng Trị ở Ninh Thuận biến “thung lũng chết” trở thành xứ đạo bình yên - Ảnh 4.

Chính quyền các hội đoàn thể và người dân Quảng Sơn chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 cuối năm 2021. (Ảnh: Đ C)

Hiện nay, nhiều tên làng của người Quảng Trị vẫn được người dân ở xã Quảng Sơn dùng để chỉ những đơn vị hành chính như: Hạnh Hoa và Trí Bưu được ghép lại để đặt cho tên gọi thôn Hạnh Trí 1 và 2; địa danh linh địa Đức Mẹ La Vang (ở Quảng Trị) được bà con dùng để đặt cho tên cho thôn La Vang 1 và La Vang 2 ( Ninh Thuận). Đặc biệt, tên gọi huyện Triệu Phong ở quê mẹ Quảng Trị cũng được giữ để đặt tên cho thôn Triệu Phong 1 và Triệu Phong 2 ở xã Quảng Sơn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận như ngày nay.

Xây dựng xứ đạo bình yên

Cùng với sự phát triển về đời sống vật chất, nhu cầu cuộc sống tinh thần, tín ngưỡng của người dân xứ đạo Quảng Sơn cũng ngày càng được nâng cao. Dưới sự hướng dẫn của linh mục dẫn đường Giuse Đỗ Bá Ái và hơn 7.500 giáo dân mới lập làng và được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nơi đã thành lập giáo xứ Quảng Thuận đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse Thợ.

Ngôi làng Quảng Trị ở Ninh Thuận biến “thung lũng chết” trở thành xứ đạo bình yên - Ảnh 2.

Nhà thờ giáo xứ mẹ Quảng Thuận được xây dnưgj khang trang phục vụ nhu cầu dâng thánh lễ của giáo dân. (Ảnh: Đức Cường)

Giáo xứ lấy tên Quảng Thuận với ý nghĩa "Quảng Trị- Ninh Thuận" và tôn chỉ "Quảng đại và Thuận hòa yêu thương nhau". 

Trải qua thời gian nhiều thăng trầm thay đổi, đến nay toàn xã Quảng Sơn đã có 9 thôn với trên 4.540 hộ dân và 18.346 nhân khẩu, 90% đều là giáo dân công giáo thuộc 4 giáo xứ là Triệu Phong, Hạnh Trí, Thạch Hà và Quảng Thuận và giáo xứ mẹ Quảng Thuận.

Ông Lê Quang Thành, chủ tịch UBMTTQVN xã Quảng Sơn cho biết, dân Quảng Sơn có truyền thống đoàn kết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc gian khó. Hầu hết người dân đều ý thức thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh; đã thành lập được 2 mô hình xứ đạo bình yên ở 2 giáo xứ Triệu Phong và Thạch Hà, nhờ đó tình hình ANTT nơi xóm đạo cũng từng bước được giữ vững, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao.

Clip Nhà thờ giáo xứ Quảng Thuận tại xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. (T/h: Trương Vũ Nguyên)

"Vào các dịp lễ, tết hàng năm, chính quyền trong xã cũng phối hợp với Hội đồng giáo xứ các thôn tổ chức các hoạt động tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tích cực hưởng ứng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và hoạt động từ thiện, nhân đạo. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2021 giảm còn 7,6%." Ông Thành thông tin.

Diện mạo xứ đạo các giáo xứ ở xã Quảng Sơn đang dần "thay da đổi thịt" với sự đồng hành của các gia đình trong thực hiện nếp sống với phương châm "tốt đời, đẹp đạo", giữ vững đức tin, tham gia tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Hướng đến xã đạt chuẩn nông thôn mới 2022

Đến nay, trải qua gần 50 năm di cư và ổn định cuộc sống ở xã Quảng Sơn nhưng những người con Quảng Trị vẫn giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa của con người quê mẹ Quảng Trị. Minh chứng rõ ràng nhất là tinh thần hiếu học và lưu giữ những ngành nghề truyền thống cũng như phát huy đoàn kết để xây dựng đời sống theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chúng tôi, có dịp ghé vào các ngôi chợ ở Quảng Sơn và nhận thấy bà con tiểu thương vẫn giữ nét chợ quê như quê hương Quảng Trị. Từ hàng hóa đến cách buôn bán đều đậm chất Quảng Trị đến từng món ăn...

Ngôi làng Quảng Trị ở Ninh Thuận biến “thung lũng chết” trở thành xứ đạo bình yên - Ảnh 7.

Hạ tầng giao thông được mở rộng tạo điều kiện để người Quảng Trị ở Quảng Sơn phát triển kinh tế thương mại dịch vụ và thuận tiện mua bán nông sản. (Ảnh: Đức Cường)

Ông Lê Đăng Anh Nhân, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết, nhờ sự đoàn kết thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng và pháp luật của nhà nước và sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương đầu tư ở địa phương, đến nay diện mạo đời sống vật chất tinh thần của người dân trên địa bàn xã đã được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người được đạt gần 45 triệu đồng/năm.

Cũng theo ông Nhân, đến cuối năm 2021, toàn xã đã đạt 18/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, có các tiêu chí quan trọng xã Quảng Sơn đều đạt cao như: cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập bình quân đầu người và hộ nghèo, lao động việc làm, quốc phòng an ninh…

Ngôi làng Quảng Trị ở Ninh Thuận biến “thung lũng chết” trở thành xứ đạo bình yên - Ảnh 8.

Người nông dân Quảng Sơn giờ đây đã ứng dụng máy móc cơ giới vào sản xuất và phát triển nông nghiệp. (Ảnh: Đức Cường)

Riêng một số tiêu chí về đường giao thông và hệ thống thủy lợi phụ vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển nông sản tuy đã đạt, nhưng tính bền vững chưa cao, nên địa phương cũng đã đề xuất cấp trên đầu tư hệ thống hồ chứa nước hoặc hệ thống thủy lợi. Việc này nhằm đáp ứng tưới tiêu cho hơn 1.206 ha tại các xứ đồng Sông Dầu, Suối Mây.

"Hiện nay xã Quảng Sơn cũng đang nổ lực huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phấn đấu đưa địa phương đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2022...", ông Nhân cho biết.

Xã Quảng Sơn là một xã miền núi có tổng diện tích tự nhiên toàn xã hiện nay hơn 8.100 ha, toàn xã có 9 thôn, tính đến tháng 12 năm 2021, tổng số hộ hành chính trên toàn xã có 4546 hộ/ 18346 khẩu.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự phối hợp của UBND xã, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đã tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa triển khai thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của các cấp, các ngành và các biện pháp nhằm từng bước ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục có bước phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố; Đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao; Diện mạo của xã nhà ngày càng thay đổi rõ rệt…

Tỷ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2021 giảm còn 330 hộ /1215 khẩu, chiếm tỷ lệ 7,26 %; số hộ cận nghèo giảm 496 hộ / 2113 khẩu, chiếm tỷ lệ 10,91 %.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem