Khi lòng tự tôn của một quốc gia bị "tắt tiếng"

Nhật Lệ Thứ ba, ngày 07/12/2021 19:11 PM (GMT+7)
Quốc ca có thể nói là trái tim của cả một dân tộc vì chạm đến phần thiêng liêng sâu thẳm nhất. Một khi ra thế giới với phần bản ghi bị "mất tiếng", có thể nói gì về sự tổn thương lòng tự tôn của quốc gia ấy?
Bình luận 0

Dù vẻn vẹn mấy phút bị "mất tiếng" trên YouTube song bản Quốc ca "đặc biệt" mà các tuyển thủ Việt Nam cất lên trước trận đấu với tuyển Lào đã gây bùng nổ tranh cãi, vì sao Quốc ca cũng bị "đánh cắp"? 

Khỏi nói về nỗi cay đắng của trên 1 triệu khán giả theo dõi trận Việt Nam - Lào tại giải AFF Cup trên nền tảng YouTube của Next Sports bất ngờ không nghe được bài "Tiến quân ca", trong khi người xem qua truyền hình vẫn có thể nghe rõ tác phẩm này.

Nguyên nhân tắt tiếng, theo đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng trên YouTube, là "vì lý do bản quyền âm nhạc". 

Thông tin bản Quốc ca bị "đánh bản quyền" làm hàng triệu người hâm mộ thể thao phẫn nộ. Ngay lập tức, BH Media bị gọi tên vì trước đây, đơn vị này cũng lùm xùm chuyện bản quyền Quốc ca trên nền tảng số. Tuy nhiên, đơn vị này khẳng định mình vô can, không hề có ai "đánh bản quyền" Quốc ca, mà chính là do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng để phòng xa, tránh bị mất doanh thu.

Mà đúng thế thật, phía Next Sports thừa nhận những người tiếp sóng trận đấu phải cắt tiếng phần Quốc ca vì sợ bản ghi âm Quốc ca Việt Nam và Lào trên YouTube dễ bị vi phạm bản quyền.

Tháng trước, một đơn vị tiếp sóng trực tiếp trận Việt Nam gặp Saudi Arabia ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á trên nền tảng số, đã bị gián đoạn, sau đó "đứt sóng" bởi bị báo cáo vi phạm bản quyền bản ghi âm Quốc ca Việt Nam.

Giữa Quốc ca và doanh thu, họ chọn vế sau có vẻ đương nhiên. Nhưng với cả một dân tộc, với hàng triệu người yêu bóng đá Việt Nam, đó là sự tổn thương sâu sắc lòng tự tôn dân tộc.

Khi lòng tự tôn của một quốc gia bị "tắt tiếng" - Ảnh 2.

Dòng chữ thông báo tắt tiếng quốc ca khi trận đấu được phát trên nền tảng YouTube, thậm chí không có lời xin lỗi. Ảnh chụp màn hình.

"Tuy nhiên, việc này cũng cần cân nhắc, thực chất bản ghi "Tiến quân ca" hôm 6/12 là của phía nào, thì buộc phải có trong tay bằng chứng để so sánh, đối chiếu", một chuyên gia về bản quyền âm nhạc nhấn mạnh. Còn nếu đúng là bản ghi chính thống mà bên kênh YouTube "tắt tiếng" do muốn an toàn tiếp sóng để không mất doanh thu, thì lại là chuyện khác.

Sự việc lần này cho thấy hai vấn đề phải làm rõ: Một là bản quyền bản ghi Quốc ca, hai là việc thống nhất một bản ghi rộng rãi, chuẩn mực đúng tầm quốc gia dành cho toàn dân và cho đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài thi đấu.

Về bản quyền thì không cần bàn cãi, tác phẩm "Tiến quân ca" đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Tổ quốc vào năm 2016, trở thành bản Quốc ca không thể thay thế, cho dù có một giai đoạn, người ta từng tổ chức sáng tác Quốc ca mới. 

Tuy nhiên, số phận bản Quốc ca này cũng có phần long đong như chính thân phận chủ nhân. Là bởi dường như có một khoảng trống ở thị trường bản ghi Quốc ca, khi ai ai cũng có thể làm bản ghi, và đối với bất cứ bản ghi nào được đầu tư công sức, tiền bạc thì muốn sử dụng đều phải xin phép chủ sở hữu bản ghi đó (quyền liên quan).

Thế nên có thời gian, Công ty BH Media tuyên bố sở hữu bản quyền bản ghi âm "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao trên YouTube, làm dư luận xôn xao. BH Media từng báo cáo để xóa các video có bản nhạc "Tiến quân cacủa một số kênh khác trên YouTube. Thế nhưng họ quên mất một điều rằng chính họ cũng phải thông qua chủ sở hữu nhà nước, mà ở đây là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL).

Từ vụ bản quyền bản ghi quốc ca này, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc Bộ VHTTDL nên tổ chức sản xuất bản ghi Quốc ca chuẩn cho người dân dùng miễn phí.

Để tránh tình trạng Quốc ca bị "tắt tiếng" khi phát trên YouTube như trong trận Việt Nam - Lào, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) hiến kế.

Quốc ca là tài sản của Nhà nước và Quốc hội, đã được giao cho Bộ VHTTDL quản lý và khai thác cho nhân dân và Tổ quốc mình. Xử lý chuyện này thế nào là việc của Bộ. Bản thân Bộ VHTTDL cũng đã lên tiếng không được ngăn chặn phổ biến Quốc ca dưới mọi hình thức. 

Quyền tác giả thì nhà nước nắm. Để quản lý tốt hơn nữa bản ghi, Bộ VHTTDL nên chỉ đạo hoặc nhờ hội Nhạc sĩ Việt Nam hoặc Học viện Âm nhạc quốc gia VN, Đài Tiếng nói Việt Nam có bản nào chuẩn nhất, phát lên rộng rãi để mọi người lấy sử dụng.

Thứ hai, các đoàn thi đấu nước ngoài khi đoạt giải cử quốc ca thì trưởng ban tổ chức phải mang theo bản ghi chính thống. Việc còn lại là Nhà nước rà soát xem bản ghi nào là bản mẫu mực nhất. Còn nếu không, Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư một bản ghi âm hoành tráng, chuẩn mực, quy tụ dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ nổi tiếng thành một bản ghi chính thống của quốc gia.

"Để bảo đảm toàn vẹn quyền tác giả và quyền liên quan đối với tài sản mẫu mực nhất của đất nước mình, thì phải làm nên một bản ghi hoàn thiện, chuẩn chỉnh", nhạc sĩ nhấn mạnh.

Trong cuộc làm việc sáng nay 7/12 của lãnh đạo Bộ VHTTDL với các cơ quan liên quan về sự cố doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu tối qua, Bộ đã đưa ra ý kiến chính thức trong đó có nói: "Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca".

Tuy nhiên Bộ đã có các biện pháp cần thiết thế nào thì Bộ không nói.

Tránh không để Quốc ca bị "tắt tiếng" lần nữa, tránh để công chúng cảm thấy cay đắng như bị "đánh cắp" Quốc ca của chính mình, thì trách nhiệm, hơn ai hết, vẫn là của cơ quan quản lý nhà nước. Một việc làm tôn vinh Quốc ca dù chậm vẫn hơn không.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem