Khi người Đức "bước ra khỏi lời nguyền"

Lê Ngọc Sơn (từ Berlin) Thứ bảy, ngày 05/03/2022 07:31 AM (GMT+7)
Khi phóng viên hỏi tướng Egon Ramms - một trong những tướng Đức có vị trí cao nhất trong NATO, nếu có một cuộc tấn công vào nước Đức, thì nước Đức có tự vệ được không? Câu trả lời của tướng Ramms làm nhiều người thảng thốt giật mình: "Nói thẳng và nói ngắn, xin thưa là KHÔNG".
Bình luận 0

LTS: Người Đức đã thay đổi khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo bài viết của Lê Ngọc Sơn - một chuyên gia về truyền thông và xử lý khủng hoảng hiện sống ở CHLB Đức. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Cuối tuần qua, tôi có buổi họp với các cố vấn của công ty mình – là các giáo sư về truyền thông ở Đức. Sau khi bàn chuyện công việc, chúng tôi ngồi cà phê chuyện phiếm về cuộc chiến Nga – Ukraine.

Vướng một lời nguyền

Quay về lịch sử của nước Đức, về mặt tâm lý dân tộc, họ cảm thấy có cảm giác về một cái nợ đối với thế giới vì đã gây ra hai cuộc thế chiến. Nên kể từ sau thế chiến thứ Hai, đặc biệt là khi thống nhất hai miền Đông và Tây, nước Đức luôn ứng xử có trách nhiệm trong các chính sách của mình đối với các nước láng giềng và các nước trên thế giới. Phát triển vũ khí, xuất khẩu vũ khí, hay đầu tư phát triển quân đội là điều rất hạn chế ở Đức.

Đặc biệt, kể từ sau thế chiến thứ hai, nước Đức có một nguyên tắc bất di bất dịch là sẽ không bán vũ khí cho bất cứ nơi nào đang có xung đột. Thậm chí, thay đổi nó là một điều "cấm kỵ" bất thành văn của các chính trị gia, nếu như không muốn "tai bay, vạ gió" ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình. 

Đặc biệt, vấn đề đầu tư cho quân sự là một chủ đề "phạm huý", ai nhắc đến nó sẽ được vô tình "dán nhãn" là một người hiếu chiến hoặc một ý nghĩa nào đó mang tính tiêu cực.  Những "cấm kỵ bất thành văn" này được coi như những lời nguyền mà nước Đức phải giữ, đặc biệt là sau khi dân tộc này trả giá quá đắng cay trong hai cuộc thế chiến đẫm máu của nhân loại.

Khi người Đức "bước ra khỏi lời nguyền" - Ảnh 1.

Người Ukraine đổ về phía biên giới Moldova tránh chiến sự. Ảnh: AP.

An ninh lãnh thổ của nước Đức, nếu nói trắng ra, là lệ thuộc vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization – NATO). và tất nhiên, nước Đức có vai trò trọng yếu trong khối này. Tuy nhiên, vài năm gần đây, người Đức được "mở mắt" bởi hai sự kiện: Sự kiện thứ nhất là cách đây vài năm, cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump yêu cầu các nước phải đóng thêm chi phí, nếu không "ai tự lo thân người đó". 

Và một sự kiện mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, và thách thức an ninh của toàn bộ châu Âu. Nếu như sự kiện thứ nhất là một tiếng động lớn làm con hổ Đức giật mình tỉnh giấc, thì sự kiện thứ hai khiến con hổ thôi thúc phải bước ra khỏi lồng, nếu như không muốn "chết cháy" khi có "hoả hoạn".

Tỉnh thức!

Ngay ngày Putin khởi binh tới  Ukraine, tướng Egon Ramms, là một trong những tướng của Bộ Quốc phòng Đức có vị trí cao nhất trong khối NATO, đã trả lời ZDF, một cơ quan truyền thông uy tín tại Đức. Khi phóng viên hỏi nếu có một cuộc tấn công vào nước Đức, thì theo ông nước Đức có tự vệ được không? Câu trả lời của tướng Ramms làm nhiều người thảng thốt giật mình: "Nói  thẳng và nói ngắn, xin thưa là KHÔNG".  

Sự thật này có thể cũng sẽ làm hốt hoảng nhiều người, kể cả với không ít người dân Đức, vì ít ai nghĩ một cường quốc công nghệ kỹ thuật lâu đời như Đức, lại không thể tự vệ được cho chính mình.

Khi người Đức "bước ra khỏi lời nguyền" - Ảnh 2.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và chính phủ của ông đã quyết định viện trợ vũ khí cho Ukraine. Ảnh: DPA.

Dăm bảy năm trước, trong các các cuộc trò chuyện học thuật về ngành quản trị rủi ro, hoặc các bữa tiệc của mỗi gia đình, đôi lúc tôi hỏi những những người bạn Đức của tôi trong giới hàn lâm, rằng nước Đức đề phòng ai nhất, thì hầu hết họ tỏ ra lo ngại sự độc tài của những nước lớn vì dễ có thể "làm bừa", và nhắc đến Tổng thống Putin với một sự "dè dặt đầy ẩn ý".

Với người Đức, việc Tổng thống Nga Putin đưa quân vào Ukraine, một nước dân chủ, có chủ quyền và nền độc lập ở Đông Âu là một hành động xâm lược, và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gọi thẳng đó là "Cuộc chiến tranh của Putin' (Putin's war). Trước cuộc chiến này, lãnh đạo các nước Phương Tây đã thực hiện những chuyến ngoại giao con thoi để thuyết phục ông Putin cho châu Âu và thế giới một cơ hội không có tiếng súng chiến tranh, tuy nhiên những nỗ lực đó bất thành. Ngoại giao, với vài người, không hẳn lúc nào cũng là vũ khí được ưa chuộng.

Những ngày đầu của cuộc chiến, dư luận Đức chỉ trích chính phủ của ông Olaf Scholz lẫn Liên minh Châu Âu (EU) vì sự chậm trễ và những hành động thiếu thực chất để ngăn được sự động binh của ông Putin. Theo những bài bình luận trên báo Đức, sự lần lữa của các chính phủ châu Âu đã để Putin "vượt mặt" nhiều lần. 

Cùng với sự kháng chiến kiên cường của quân đội và nhân dân Ukraine, và làn sóng phản đối chiến tranh, thái độ của các chính phủ ở châu Âu đã thay đổi. Đến mức những nước từ trước đến nay vốn trung lập như Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Phần Lan… cũng phải có những động thái cứng rắn. 

Ông Olaf Scholz chia sẻ rằng, "cuộc chiến của Nga vào Ukraine đánh dấu một bước ngoặt. Nó đe dọa toàn bộ trật tự thời hậu chiến của chúng tôi". Đó như là việc bước qua lằn ranh đỏ được ngầm định vạch sẵn giữa các nước. Trong nhận thức của nhiều lãnh đạo châu Âu, nếu không ngăn chặn việc này, nước họ một ngày nào đó cũng có thể là một Ukraine của ngày hôm nay.

Điều đáng lưu ý là, trong liên minh các đảng để lập chính phủ hiện tại, Đảng Xanh (của bà Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock) là đảng lớn thứ hai trong liên minh ba đảng có truyền thống lâu đời phản đối xuất khẩu vũ khí, bởi nguồn gốc của đảng này là được hình thành từ phong trào ủng hộ hoà bình từ những năm 1980s của thế kỷ trước. Khi thành lập thoả thuận liên minh, việc không xuất khẩu vũ khí cũng là một điều được cam kết với lời để ngỏ "trừ các trường hợp đặc biệt". 

Và giờ đây, với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, trường hợp đặc biệt đã đến.

Ngay sau khi cuộc chiến khởi động vài ngày, cùng với việc ủng hộ nhiều vũ khí cho Ukraina (thông qua việc bán cho nước thứ ba), Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thuyết phục thành công Quốc hội chi 100 tỷ Euro (tương đương 111 tỷ USD) để nâng cấp quân đội (Bundeswehr) trong năm 2022. 

Trước đây, NATO yêu cầu mỗi quốc gia thành viên chi 2% GDP của mình cho chi phí quốc phòng, nhưng các đảng SPD, đảng Xanh, và đảng cánh tả đều bác bỏ yêu cầu này, và chỉ đóng có 1.5% GDP. Tuy nhiên, lần này Thủ tướng Olaf Scholz đề xuất đóng vượt cả trên mức 2% vào ngân sách cho khối NATO để nâng cao năng lực quân sự.

Với những canh cánh tiềm ẩn về nguy cơ an ninh lãnh thổ quốc gia và năng lực tự vệ, dư luận Đức nhìn chung ủng hộ động thái "tỉnh thức" này của chính phủ mới của ông Olaf Scholz. Trên các nền tảng truyền thông, người ta tìm thấy ngày một dày đặc hơn các quảng cáo của quân đội Đức tuyển công dân trẻ có năng lực vào quân đội, dù rằng những năm gần đây chính sách "nghĩa vụ quân sự bắt buộc" được tạm gác. 

Với động thái tỉnh thức và rẽ lối này, nước Đức bước ra khỏi lời nguyền kể từ sau thế chiến thứ hai: Các tiền lệ mới sẽ được tạo ra để các khoản đầu tư quân sự sẽ được đảm bảo. Hay nói cách khác, nước Đức tiến tới muốn làm chủ số phận về mặt an ninh lãnh thổ của chính mình.

Chia tay ra về sau cuộc họp với những "trà dư, tửu hậu" về chuyện hiện tại và tương lai của nước Đức. Martin bạn tôi nói rằng, châu Âu và thế giới của chúng ta đang sống chẳng có gì là chắc chắn, và "có một điều chắc chắn, đó là thế giới sẽ còn tiềm ẩn những biến số rủi ro".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem