"Khó tin" tại Bình Định: "Lộ" 189 trường hợp lấn chiếm xây trái phép khi giải phóng mặt bằng 200 hộ dân

Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 05/04/2023 13:05 PM (GMT+7)
Vỏn vẹn hơn 1km đường nhưng mất 4 năm tỉnh Bình Định làm không xong, do vướng giải phóng mặt bằng. Có đến 189 trường hợp lấn chiếm đất xây trái phép, chưa có sổ đỏ, khi lên kế hoạch bồi thường, di dời 200 hộ dân.
Bình luận 0

Giải phóng mặt bằng 200 hộ, có đến 189 hộ lấn chiếm, không sổ đỏ

Dự án đường Ngô Mây nối dài được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019, với kinh phí gần 400 tỷ đồng, giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. 

Dự án đi qua địa bàn phường Quang Trung và Ngô Mây, dài gần 1,4 km, rộng 33 m, từ ngã ba Hoàng Văn Thụ - Ngô Mây đến giáp với đường Điện Biên Phủ thuộc khu đô thị - du lịch – văn hoá – thể thao hồ Phú Hoà.

Theo dự kiến, đến năm 2023 sẽ hoàn thành gần 1,4 km đường để đưa vào sử dụng, thế nhưng đến nay, dự án vẫn "đắp chiếu", vì chưa xong giải phóng mặt bằng. 

Vỏn vẹn hơn 1km đường nhưng mất 4 năm tỉnh Bình Định làm không xong, do vướng giải phóng mặt bằng. VIDEO: Dũ Tuấn.

Lý giải về điều bất ngờ trên, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định Lưu Nhất Phong cho biết, vướng mắc lớn nhất khiến tiến độ dự án chậm trễ quá lâu, là do khâu giải phóng mặt bằng.

"Việc giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh giao cho UBND TP.Quy Nhơn thực hiện. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng chưa xong, nên chưa thể triển khai dự án. Chúng tôi đã hợp đồng với đơn vị thi công nhưng đến nay vẫn chưa thể tiến hành được, những việc này đã báo cáo UBND tỉnh", ông Phong nói.

"Khó tin" tại Bình Định: "Lộ" 189 trường hợp lấn chiếm xây trái phép, khi giải phóng mặt bằng 200 hộ dân  - Ảnh 2.

Dự án đường Ngô Mây nối dài kết nối với khu đô thị, tạo không gian thông thoáng cho thành phố nhưng 4 năm làm không xong. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn Nguyễn Công Vịnh, dự án đường Ngô Mây nối dài ảnh hưởng khoảng 200 hộ dân về đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối và hoa màu.

UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 6 đợt gồm 58 hộ dân, với kinh phí 33,642 tỷ đồng.

"Đa số là các hộ dân nằm trên sườn, triền núi là chính nên trong số đó chỉ có 11 hộ dân có sổ đỏ, còn lại khoảng 189 hộ là tự ý lấn chiếm xây dựng nhà, sử dụng đất chưa được cấp sổ", ông Vịnh cho hay.

"Khó tin" tại Bình Định: "Lộ" 189 trường hợp lấn chiếm xây trái phép, khi giải phóng mặt bằng 200 hộ dân  - Ảnh 3.

Khu vực đồi núi nơi tuyến đường đi qua. Ảnh: Dũ Tuấn.

Không xử lý dứt điểm sẽ "rất phức tạp, có thể mất cán bộ"

Phó Chủ tịch UBND TP.Quy Nhơn cho biết, bị ảnh hưởng dự án đường Ngô Mây nối dài, riêng phường Ngô Mây có 82 trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc đều là lấn, chiếm đất núi và đất mộ; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, các hộ dân chuyển nhượng viết tay…

Ông Vịnh thừa nhận, việc xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của các hộ dân nói trên gặp nhiều khó khăn, vì đa số các hộ dân sử dụng đất không có giấy tờ, chuyển nhượng nhiều lần bằng giấy viết tay.

"Khó tin" tại Bình Định: "Lộ" 189 trường hợp lấn chiếm xây trái phép, khi giải phóng mặt bằng 200 hộ dân  - Ảnh 4.

Những nhà dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng ở triền núi Bà Hoả. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tuy nhiên, để đảm bảo công tác xác nhận nguồn gốc sử dụng đất đúng quy định, UBND phường Ngô Mây đã kiểm tra, xác minh, tổ chức lấy ý kiến khu dân cư về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và thời điểm xây dựng nhà, đến nay đã xác nhận xong nguồn gốc sử dụng đất 99/99 trường hợp (82 hộ có nhà ở và 17 trường hợp đất nông nghiệp, đất trống) để làm cơ sở áp giá bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định của Luật Đất đai.

"Các hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm diễn ra trong thời gian dài, từ lâu, nhiều trường hợp sử dụng trước ngày 1/7/2004. Từ khi thực hiện dự án đến nay, không có trường hợp phát sinh lấn chiếm mới", ông Vịnh cho biết.

Thông tin với Dân Việt, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nói rằng, về tình trạng lấn chiếm đai, xây dựng công trình trái phép, UBND TP.Quy Nhơn phải có trách nhiệm chỉ đạo các phường, xã tăng cường công tác quản lý.

"Lãnh đạo các địa phương phải giao trách nhiệm lại cho phường, xã để tăng cường công tác quản lý khoáng sản, đất đai trên địa bàn. Nếu để xảy ra sai phạm, ai sai đến đâu, xử lý đến đó, theo đúng quy định pháp luật. Xử lý nghiêm, không có trường hợp ngoại lệ", ông Thanh nói.

"Khó tin" tại Bình Định: "Lộ" 189 trường hợp lấn chiếm xây trái phép, khi giải phóng mặt bằng 200 hộ dân  - Ảnh 5.

Núi Bà Hoả bị doanh nghiệp khai thác tan hoang từ lâu, để lại hiện trường hầm hố giữa Quy Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Quy Nhơn đang là địa phương "nóng" của tỉnh Bình Định về lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, xảy ra tại các phường Ghềnh Ráng, Ngô Mây, Đống Đa, Quang Trung, Nhơn Bình, Nhơn Phú...

Làm việc với chính quyền thành phố này mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đặc biệt lưu ý, việc lấn chiếm đất, xây dựng trái phép ở Quy Nhơn ngày càng phức tạp, xử lý thiếu rốt ráo là do cung cách làm việc của chính quyền bị động, thiếu chủ động.

"Nếu chúng ta không xử lý dứt điểm thì sắp tới rất phức tạp, có thể mất cả cán bộ", ông Tuấn lo ngại.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng quả quyết: "Tất cả các trường hợp xây dựng trái phép sẽ bị xử lý cương quyết, kể cả cán bộ đảng viên. Không bao che sai phạm, địa phương nào không xử lý thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem