Không ai dám dùng chung đồ, nền kinh tế chia sẻ Trung Quốc chết đứng
Theo South China Morning Post, chỉ mới cách đây không lâu, các buồng karaoke chia sẻ ở Thâm Quyến (Trung Quốc) còn chật cứng khách hàng vào cuối tuần. Chỉ cần quét mã QR dán trên cửa, các nhóm bạn trẻ có thể vào căn buồng nhỏ và hát những bài hát yêu thích trong vài tiếng.
Nhưng tình hình đã thay đổi sau khi dịch Covid-19 bùng phát. “Giờ chúng gần như bị bỏ trống hoàn toàn. Tôi không muốn sử dụng chúng nữa. Mic, màn hình và ghế, chẳng ai biết ai đã từng chạm vào chúng trước đó", nhân viên ngân hàng Liu, 28 tuổi, cho biết.
"Không ai muốn chạm vào thứ gì có thể lây nhiễm virus cho mình”, anh Liu nhấn mạnh.
Nền kinh tế chia sẻ từng được coi là một phần không thể thiếu trong cơ cấu kinh tế Trung Quốc. Đối với nhiều người trẻ, sở hữu nhà hay xe không còn là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống hàng ngày nữa.
Tại sao bạn phải mua khi có thể thuê chúng? Vậy nên, nhiều người chuyển sang các nền tảng chia sẻ như chia sẻ nhà Airbnb, hãng gọi xe Didi Chuxing và cho thuê xe đạp Mobike.
Không dám sử dụng buồng karaoke, ghế massage chung
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Quốc gia Trung Quốc, năm 2019 nền kinh tế chia sẻ nước này đạt quy mô 3.280 tỷ NDT (460 tỷ USD) với 800 triệu người dùng và người lao động cùng 78 triệu nhà cung cấp dịch vụ có liên quan.
Các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc cung cấp dịch vụ chia sẻ mọi thứ, từ bộ sạc điện thoại, ghế massage, xe đạp, ôtô cho đến quầy trang điểm trong nhà hàng, trung tâm thương mại và ga tàu điện ngầm.
Giờ đây, những chiếc xe đạp không được sử dụng nằm rải rác trên đường phố, không ai dám sử dụng chung ghế massage, người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến thay vì đến trung tâm thương mại.
Sau nhiều tuần phong tỏa và thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch virus, nhiều người tự hỏi liệu nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc có thể trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây.
“Nền kinh tế chia sẻ cần người dùng và tài sản để tương tác, chia sẻ và lưu thông. Nó tích hợp trực tuyến và ngoại tuyến”, giáo sư Wang Jianming tại Zhejiang University of Finance and Economics nhận định.
“Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp kinh tế chia sẻ phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng ngoại tuyến. Chúng đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi yêu cầu giãn cách xã hội”, ông nói thêm.
Tuân thủ yêu cầu cách ly xã hội của chính quyền địa phương, hôm 14/2 Công ty chia sẻ phòng karaoke UCM-Bar thông báo tạm dừng hoạt động tại 31 tỉnh. Đến cuối tháng 4, một số phòng karaoke chia sẻ vẫn chưa được hoạt động trở lại vì quy định của địa phương.
Vốn dựa vào hoạt động của các nhà hàng, nhà ga, khách sạn và cửa hàng, các doanh nghiệp chia sẻ sạc điện thoại cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Thói quen thay đổi
“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi phụ thuộc nhiều vào các nhà hàng và cửa hiệu. Một số lượng lớn nhà hàng không thể trở lại hoạt động. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của chúng tôi”, ông Tang Yongbo, CEO Xiaodian, một công ty chia sẻ sạc điện thoại, than thở.
Ông thừa nhận Xiaodian đã “cạn pin” vì doanh thu sụt giảm, áp lực về chi phí, chuỗi cung ứng gia tăng và vấn đề thuê nhà ở một số thành phố bởi đại dịch.
Các công ty chia sẻ lớn hơn cũng không tránh khỏi tác động từ đại dịch. Dữ liệu của QuestMobile cho thấy số người dùng hàng ngày của gã khổng lồ gọi xe Didi trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 giảm 59,7% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5,73 triệu người.
Trong cùng khoảng thời gian này, doanh số dịch vụ gọi xe ôtô cũng giảm đến 580 triệu NDT (82 triệu USD) mỗi ngày. Số lượng đặt phòng trên nền tảng Airbnb của Trung Quốc vào tháng 2 và tháng 3 sụt giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Bloomberg.
Trong khi đó, nền tảng chia sẻ chỗ ở trực tuyến Tujia phải sa thải 800 người, tức 40% tổng số nhân viên, theo The Beijing News.
Sau sự bùng phát của dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách để phục hồi tiêu dùng. Lượng đặt phòng ở Airbnb tăng 200% so với tháng trước, 99% chủ nhà sẵn sàng tham gia vào thị trường cho thuê ngắn hạn khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trao đổi với CNBC, Chủ tịch Didi Jean Liu tiết lộ số lượt gọi xe đã phục hồi khoảng 60-70% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát và cao gấp 5 lần mức thấp kỷ lục hồi tháng 2. Công ty chia sẻ xe đạp Hellobike cũngkhẳng định số chuyến đi đã tăng sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi vì dịch Covid-19. “Sau khi trải qua một cuộc khủng hoảng tế, người dùng sẽ cảnh giác với những mặt hàng từng được người khác sử dụng. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chia sẻ”, chuyên gia Zhang Yi thuộc hãng nghiên cứu iiMedia Research (Bắc Kinh), nhận định.
Đòn chí mạng
Xe, nhà ở và buồng karaoke chia sẻ đều là những nơi có khả năng lây lan bệnh truyền nhiễm cao. “Đại dịch khiến vệ sinh trở thành ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Giờ, họ thích các sản phẩm và dịch vụ an toàn, lành mạnh và có trách nhiệm hơn", giáo sư Wang bình luận.
Người dùng không muốn tiếp xúc với nhiều người, giảm những dịch vụ giải trí không thiết yếu và dùng chung. Đại dịch làm thay đổi hành vi tiêu dùng sâu sắc, thậm chí là vĩnh viễn”, ông nhấn mạnh.
Khẩu trang, găng tay cao su, cồn khử trùng và thậm chí áo mưa hiện là nhu cầu thiết yếu đối với nhiều người. “Trước khi đại dịch diễn ra, người dùng sẽ sử dụng các dịch vụ chia sẻ bởi chúng rất tiện lợi và có chi phí thấp. Nhưng sau đại dịch, an toàn và vệ sinh là mối quan tâm hàng đầu của họ”, ông Zhang Yi tại iiMedia nhận định.
“Nền kinh tế chia sẻ là động lực cho sự phát triển của Trung Quốc trong những năm gần đây. Nó giúp tối ưu hóa việc sử dụng, phân bổ các nguồn lực nhàn rỗi và mang lại sự thuận tiện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đại dịch sẽ loại nhiều người chơi nhỏ hơn ra khỏi cuộc chơi”, ông Wang nhận xét.
Trên thực tế, nền kinh tế chia sẻ của Trung Quốc đã lung lay trước khi đại dịch xảy ra. Trong năm 2019, đầu tư sụt giảm 52,1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Báo cáo Phát triển Kinh tế Chia sẻ năm 2020. Nguyên nhân là giới đầu tư xem xét kỹ lưỡng hơn về tính bền vĩnh của các mô hình kinh doanh khi nền kinh tế toàn cầu suy yếu.
Ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp của Trung Quốc mạnh tay chi tiền để sản xuất xe đạp hàng loạt. Tuy nhiên, những chiếc xe đạp chia sẻ bị vứt lộn xộn trên đường phố khiến chính quyền địa phương phải thắt chặt các quy định kiểm soát. Điều này dẫn đến hàng triệu chiếc xe bị bỏ không, gây ô nhiễm thành phố.
Lĩnh vực taxi công nghệ cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề an toàn sau khi hai hành khách nữ của Didi bị tài xế cưỡng hiếp và giết chết.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 và thói quen tiêu dùng tại nhà đẩy nhiều công ty kinh tế chia sẻ trượt đến bờ vực. Theo Báo cáo Phát triển Kinh tế Chia sẻ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế dự kiến giảm từ 41,6% năm 2018 và 11,6% năm 2019 xuống còn 8-10% năm 2020.
Cuộc chiến vẫn tiếp diễn
“Cuộc chiến chống đại dịch vẫn đang diễn ra, tác động chung đối với nền kinh tế chưa được bộc lộ hoàn toàn”, ông Yu Fengxia, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chia sẻ, bình luận.
Nhiều công ty chia sẻ bắt đầu chuyển hướng sang các lĩnh vực khác. Wei Dong, CEO hãng gọi xe Shouqi, tiết lộ đã sử dụng xe và tài xế nhàn rỗi để giao hàng, hợp tác với nền tảng giao đồ ăn Meituan và chuỗi siêu thị Freshippo của Alibaba.
Freshippo cũng giới thiệu kế hoạch chia sẻ nhân viên, tức thuê nhân viên của các nhà hàng, khách sạn và rạp chiếu phim làm công việc sắp xếp hàng hóa hoặc đóng gói.
Tuy nhiên, cuộc sống không bao giờ trở lại như bình thường đối với người tiêu dùng. Là người dùng trung thành của thương hiệu chia sẻ xe đạp Mobike trong nhiều năm, Zhai Xiaoyan, 23 tuổi, vừa mới mua chiếc xe đạp đầu tiên.
“Ban đầu, tôi cũng gặp một số rắc rối. Bạn bè phàn nàn về việc phải đi bộ cùng tôi để tìm chỗ đỗ và khóa xe đạp. Họ trêu chọc tôi là người cổ hủ. Tuy nhiên, nó an toàn hơn và gợi một chút hoài niệm”, Zhai nói.