Không chỉ cần những khách sạn 5 sao mà cần cả người làm du lịch... 5 sao

Thùy Anh Thứ ba, ngày 26/04/2022 16:11 PM (GMT+7)
"Muốn phát triển ngành du lịch, chúng ta không chỉ cần những khách sạn 5 sao mà còn cần cả những người làm du lịch 5 sao." - một hiệu trưởng chia sẻ tại Hội nghị tuyển sinh, đào tạo cung ứng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng.
Bình luận 0

80% lao động ngành du lịch nghỉ việc, ngừng việc 

Hơn 1 tháng kể từ ngày du lịch chính thức mở cửa, tình hình đã khởi sắc hơn nhưng vấn đề thiếu hụt lao động càng trở nên trầm trọng. Để tháo gỡ nút thắt về lao động, sáng nay (26/4), Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đã tổ chức Hội nghị Tuyển sinh, đào tạo cung ứng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) dẫn lại số liệu từ Tổng cục Thống kê: 2 năm Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp lữ hành rơi vào khủng hoảng. 90-95% doanh nghiệp dừng hoạt động, chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự.

thiếu hụt lao động ngành du lịch

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng cần có giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong ngành du lịch. Ảnh: TCGDNN

Cụ thể là nếu như năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch thì đến năm 2020, gần 80% nhân sự của ngành này bị cắt giảm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Và đến năm 2021, chỉ 25% lao động trong số còn lại làm việc đủ thời gian.

Thông tin từ tập đoàn Sun Group cho biết, để đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng thị trường, Tập đoàn đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn: Cụ thể là cần 624 lao động ngành nhà hàng, bếp ngay trong năm 2022 và đến năm 2025 là 3.564 lao động. Hay đối với ngành vận hàng khách sạn, Sun Group cần tuyển 1.446 lao động trong năm 2022 và 9.950 lao động vào năm 2025.

Đa phần lao động làm ngành du lịch đều phải nghỉ việc, tạm dừng việc, hoặc giãn việc, thu nhập thấp. Trong khi đó, khi mở cửa lại du lịch, việc tuyển dụng lao động mới gặp nhiều khó khăn. Câu chuyện đào tạo nhân lực không phải là câu chuyện ngày 1 ngày 2, cần nhiều thời gian.

Đại diện Công ty Cổ phần du lịch quốc tế Lạc Hồng cho biết, đơn vị này liên tục tuyển dụng nhân sự những vẫn không đủ. Để ứng phó với sự thiếu hụt, doanh nghiệp này đã phải chào mời cả những lao động vừa tốt nghiệp ra trường hoặc đang còn đi học.

Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ văn hóa thể thao du lịch  (Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch) cho rằng, mặc dù là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng hệ thống đào tạo còn ít. Cả nước chỉ có 278 cơ sở tham gia đào tạo du lịch, trong đó có 101 trường đại học còn lại là các trường cao đẳng và trung cấp.

"Thời gian qua, dịch bệnh khiến cho nhiều lao động có tâm lý e ngại, nhiều lao động bỏ việc, chuyển việc. Thậm chí một số gia đình còn không muốn cho con em thi ngành du lịch".

Số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cũng cho thấy, số lượng tuyển sinh đã bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021), kết quả tuyển sinh cũng chỉ bằng 50% so với năm 2019.

Ths. Ngô Thị Quỳnh Xuân - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, cho biết điều này cũng rất dễ hiểu vì ngành du lịch trải qua một thời gian dài rơi vào cảnh ảm đạm.

Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia trong ngành du lịch đã ban hành 7 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia. Thời gian tới có thể vận dụng cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho lao động, để nhóm này có thể tự do dịch chuyển làm việc trong khu vực ASEAN. Các bộ tiêu chuẩn cũng là cơ sở để các trường căn cứ vào đó thực hiện đào tạo.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành du lịch, vì đây là yếu tố quyết định sự thành công không chỉ của một sản phẩm du lịch mà còn là thương hiệu du lịch của một quốc gia. Muốn phát triển ngành du lịch chúng ta không chỉ cần những khách sạn 5 sao mà còn cần cả những người làm du lịch 5 sao. 

Giải pháp hỗ trợ tuyển sinh đào tạo cho lao động làm du lịch

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu hụt nguồn nhân lực và nguồn nhân lực kỹ năng nghề cho ngành du lịch, vừa qua Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ tái đào tạo nghề cho lao động trong đó có lao động ngành du lịch. Mới đây Bộ tài Chính cũng thông qua Thông tư 12 quyết định trích quỹ hỗ trợ đào tạo lao động cho ngành du lịch.

Bàn về giải pháp thu hút lao động, ông Lê Anh Tuấn cho rằng giải pháp quan trọng đầu tiên vẫn là thu hút nguồn lao động cũ quay lại làm việc. "Để đào tạo được một lao động làm du lịch tốn rất nhiều thời gian, nó không phải là câu chuyện ngày một ngày 2. Vì thế cần có các chính sách để thu hút lại lao động cũ và tái đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho họ", ông Tuấn nói.

thiếu hụt lao động

Tăng quy mô tuyển sinh đào tạo được xem là giải pháp tháo gỡ thiếu hụt lao động. Ảnh: N.T

Về lâu dài, ông Tuấn cho rằng  Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cũng sẽ phải ngồi lại với các doanh nghiệp để lên phương án, kịch bản để thu hút lao động, đồng thời thực hiện khảo sát, điều tra để xác định số lượng lao động còn thiếu để lên kế hoạch tuyển sinh, đào tạo.

"Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, hy vọng cả hệ thống chính trị vào cuộc đào tạo", ông Tuấn nói.

Ông Trương Anh Dũng cho rằng cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ, huy động tổng lực trong thời gian tới để tuyển sinh đào tạo nghề du lịch. Ông Dũng cũng cho rằng cần phải củng cố lại niềm tin cho lao động, thông qua quá trình truyền thông. Về đề xuất của các trường miễn học phí cho học sinh học ngành du lịch trong năm 2022 -2023, Tổng cục trưởng cho biết sẽ trình xin ý kiến, phương án này cũng có thể khả thi.

"Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng số lượng dạy nghề liên quan tới du lịch dịch vụ. Để tăng về quy mô các trường cần linh hoạt trong đào tạo, không chỉ đào tạo trực tiếp mà còn cần đào tạo trực tuyến", ông Dũng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem