Không còn cấp huyện, thành phố “hụt” của Quảng Ninh sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Thu Lê
15/04/2025 12:13 GMT +7
Trong bối cảnh cả nước đang tích cực thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, TX Quảng Yên – vốn được xác định sẽ là thành phố thứ 6 thuộc tỉnh Quảng Ninh, đã sẵn sàng bước vào một chương mới lịch sử.

Phóng viên Etime đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Tuyến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Quảng Yên về vị thế cũng như sự chuẩn bị của địa phương trước thời cuộc mới này.

Ông Lê Mạnh Tuyến - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Thu Lê

Thưa ông, việc tổ chức lại bộ máy hành chính, tiến tới không còn cấp huyện, là một dấu mốc lớn trong lịch sử hành chính của địa phương. Với riêng Quảng Yên, cảm xúc của ông là gì trước thời khắc chuyển mình này?

- Có lẽ không chỉ tôi, mà tất cả cán bộ, nhân dân Quảng Yên đều đang sống trong những ngày tháng rất đặc biệt. Cuối năm 2024, người dân Quảng Yên háo hức chuẩn bị để trở thành thành phố thứ 6 của tỉnh Quảng Ninh. Nhưng trước thời cuộc mới của dân tộc, hòa chung vào công cuộc tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Quảng Yên không để trễ nhịp.

Chúng tôi vừa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công, phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đảm bảo an sinh, an ninh trật tự, vừa thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Có thể nói, tại thời điểm này, chúng tôi đang đứng trước ngưỡng cửa của sự thay đổi – khép lại một chặng đường đã gắn bó, đã cống hiến và chuẩn bị bước sang một chương mới cho sự phát triển chung của toàn tỉnh Quảng Ninh, của dân tộc Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, sáp nhập có thể khiến người dân một số xã lo lắng vì “mất tên gọi truyền thống”, ông nghĩ sao?

- Chúng tôi rất trân trọng giá trị truyền thống, và sẽ nghiên cứu kỹ càng để vừa giữ gìn bản sắc, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tên gọi có thể thay đổi, nhưng tinh thần và tình cảm của người dân với quê hương là bất biến. Trong quá trình sắp xếp, chính quyền sẽ phối hợp chặt chẽ với người dân để đảm bảo mọi quyết định đều xuất phát từ thực tiễn và nhận được sự đồng thuận cao nhất.

Bên cạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính, chúng tôi luôn đi đôi với việc tuyên truyền cho người dân hiểu chủ trương của Đảng và Nhà nước, người dân hiểu và đồng lòng. Mọi người đang rất háo hức trước công cuộc “vươn mình” của dân tộc. Việc thay đổi mô hình tổ chức hành chính như hiện nay chỉ là một trong những bước “chạy đà” cần thiết phải thực hiện.

Vậy trong chặng đường đó, Quảng Yên đã có sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ Thị ủy, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính tại Quảng Yên được triển khai quyết liệt, không để người dân bị động, bất ngờ.

Thị ủy Quảng Yên, đứng đầu là đồng chí Bí thư Thị ủy đã trực tiếp chỉ đạo các hội nghị quán triệt Kết luận của Trung ương, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, giám sát sát sao tiến độ, đảm bảo từng bước đi đều có sự đồng thuận, thấu tình đạt lý.

Quảng Yên dần trở thành một đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh: ĐVCC

Chúng tôi xác định rõ: sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ để tinh gọn bộ máy, mà còn là nền móng để xây dựng một chính quyền đô thị hiện đại, số hóa và phục vụ nhân dân hiệu quả. Do đó, từ sớm, thị xã đã chủ động xây dựng Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và không tổ chức cấp huyện – đi trước một bước trong việc cụ thể hóa các Kết luận 127, 128-KL/TW của Bộ Chính trị.

Đồng thời, thị xã cũng tiên phong tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Đến nay, toàn thị xã còn lại 10 cơ quan chuyên môn, trong đó đã hoàn thiện quy chế, chức năng nhiệm vụ của 8 cơ quan sau sắp xếp. Đây chính là minh chứng rõ nét về sự chuyển biến thực chất, chứ không chỉ là thay đổi hình thức.

Điều gì khiến ông khẳng định rằng, tâm thế của người dân Quảng Yên rất háo hức, chứ không phải là sự hoang mang, lo lắng trước việc sẽ chấm dứt đơn vị hành chính cấp huyện?

- Mọi hoạt động điều hành kinh tế - xã hội của thị xã vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn được đẩy nhanh tiến độ hơn. Kết quả phát triển kinh tế xã hội của Quảng Yên trong quý I/2025 đã cho thấy rõ điều đó.

Ngay từ đầu năm 2025, chúng tôi đã xác định đây là năm bản lề. Mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đều được tính toán cụ thể, sát thực tiễn. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế điều chỉnh từ 14,5% lên 18,9% – không phải là một con số dễ dàng, nhưng là lời khẳng định cho quyết tâm của Quảng Yên.

Và kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Quý I/2025, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các khu công nghiệp như Đông Mai, Amata hoạt động hiệu quả, ngành dịch vụ tăng gần 50%, xây dựng tăng hơn 92%. Những con số ấy không chỉ là thống kê – đó là thành quả của sự cố gắng từng ngày.

Có thể nói Quảng Yên đang có đà phát triển rất mạnh. Theo ông, đâu là yếu tố then chốt tạo nên động lực đó?

- Động lực lớn nhất đến từ sự đồng lòng – người dân, doanh nghiệp, cán bộ – tất cả đang cùng nhau hướng về một mục tiêu chung: đó là sự thịnh vượng chung. Môi trường đầu tư ngày càng cải thiện. Quý I/2025, chúng tôi thu hút 6 dự án FDI với tổng vốn gần 450 triệu USD, cao nhất tỉnh. Đó là minh chứng rõ ràng cho niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng và sự minh bạch của Quảng Yên.

Khu công nghiệp Amata Sông Khoai có tỷ lệ lấp đầy cao. Ảnh: ĐVCC

Quảng Yên còn là địa phương có khối lượng GPMB rất lớn của tỉnh Quảng Ninh, tuy nhiên, các dự án cơ bản đều đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, việc GPMB trên địa bàn thị xã nhận được sự đồng thuận từ người dân rất cao, nên rất ít trường hợp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định của nhà nước. Như tại xã Đông Mai, việc giải phóng mặt bằng cho khu công nghiệp Amata được hoàn thành vượt tiến độ, với sự đồng thuận cao từ người dân. Đó là minh chứng cho sức mạnh đồng lòng của Quảng Yên.

Chúng tôi coi sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân là tài sản vô giá, là động lực để các cấp chính quyền nỗ lực hơn mỗi ngày.

Còn về lĩnh vực an sinh xã hội – điều luôn được quan tâm song hành với phát triển kinh tế?

- Chúng tôi luôn đặt con người là trung tâm. Dịp Tết vừa rồi, hơn 13.500 suất quà được trao đến tay các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn. Các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên cũng được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, 59 hộ cận nghèo của thị xã đã được hỗ trợ vượt khó, giúp giảm 100% tỷ lệ hộ cận nghèo – một con số mang nhiều ý nghĩa.

Thị xã đã có định hướng gì cho giai đoạn tăng tốc tiếp theo, đặc biệt trong quý II và cả năm nay?

- Quý II/2025 là “thời điểm vàng”, là lúc chúng tôi dồn tổng lực cho các nhiệm vụ trọng tâm: Giải ngân đầu tư công đạt ít nhất 50%, đẩy nhanh tiến độ các dự án đô thị…. Đồng thời, nâng cao kỷ luật hành chính, giữ vững quốc phòng – an ninh, tạo sự ổn định cho phát triển.

Quảng Yên hướng tới là một cực tăng trưởng phía Tây tỉnh Quảng Ninh, là hình mẫu về mô hình tổ chức hành chính 2 cấp. Tầm nhìn đến năm 2030 – 2045, Quảng Yên đặt mục tiêu trở thành đô thị loại I, phát huy vai trò “cửa ngõ kinh tế” kết nối tam giác Hạ Long – Hải Phòng – Uông Bí, đóng góp mạnh mẽ vào định hướng phát triển bền vững toàn tỉnh.

Chúng tôi xác định sự sắp xếp bộ máy là cơ hội để đổi mới tư duy lãnh đạo, để bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, gần dân hơn.

Thay mặt chính quyền địa phương, ông có gửi gắm điều gì đến người dân Quảng Yên trong thời điểm chuyển giao này?

- Tôi muốn nói rằng: Quảng Yên đã sẵn sàng. Sẵn sàng từ nội lực kinh tế, từ bộ máy hành chính, từ tinh thần nhân dân. Chúng tôi sẽ không chỉ “chuyển mình” về mặt hành chính, mà còn chuyển mình về chất lượng sống, tư duy phát triển và tầm nhìn tương lai.

Tôi tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân, Quảng Yên sẽ hoạt động dưới mô hình hành chính mới, cùng với tỉnh “về đích sớm” trong năm 2025, mà còn tiến xa hơn trên hành trình phát triển và hội nhập trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Quảng Ninh dự kiến báo cáo Chính phủ Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trước ngày 1/5/2025. 13 huyện, thị, thành phố của Quảng Ninh hiện đang tiếp tục tập trung hoàn thành xây dựng Đề án không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.