Không mua qua thương nhân Trung Quốc, Singapore trực tiếp mua vải thiều, thủy sản từ Việt Nam

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 03/06/2020 12:34 PM (GMT+7)
Singapore đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Thay vì mua qua thương nhân Trung Quốc, Singapore đã tìm đến các nhà cung ứng từ Việt Nam.
Bình luận 0

Trực tiếp sang Việt Nam mua vải thiều

Năm 2020, lần đầu tiên, những container vải thiều của huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Singapore với số lượng hàng trăm tấn ngay trong lần "xuất quân" đầu tiên.

Đáng chú ý, nếu mọi năm, Singapore thường mua vải thiều của Việt Nam qua các doanh nhân Trung Quốc thì nay, các doanh nghiệp của đảo quốc sư tử đã trực tiếp đặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam thay vì đi đường vòng.

(Báo giấy) Singapore tìm nguồn cung nông sản Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường (giữa) thăm nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản vải thiều xuất khẩu của Công ty CP Ameii Việt Nam. Ảnh: Trần Tuấn.

Ông Trịnh Văn Thiện – Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, các năm trước doanh nhân Trung Quốc thường sang thu mua vải thiều, sau đó xuất khẩu sang các nước lân cận như Singapore, Malaysia,… 

Nhưng năm nay, dịch Covid-19 đã giúp các doanh nghiệp có sự chuyển dịch trong việc tìm nguồn cung nông sản, thực phẩm. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt bán trực tiếp vải thiều, cũng như nhiều nông sản khác sang Singapore với giá cả hấp dẫn.

Tại "Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam - Singapore 2020" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Singapore phối hợp với Liên đoàn Sản xuất Singapore (SMF) tổ chức mới đây, một số đầu mối nhập khẩu trái cây của Singapore cũng bày tỏ rất quan tâm tới nguồn cung vải thiều chất lượng cao của Bắc Giang, Hải Dương.

Ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã giới thiệu tới các doanh nghiệp Singapore những mặt hàng nông sản chủ lực nói chung và vải thiều nói riêng của tỉnh; tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa tỉnh Bắc Giang với các doanh nghiệp Singapore.

Với những nông dân trồng vải, việc được xuất khẩu trực tiếp những nông sản mình làm ra đến những thị trường cao cấp luôn là một mơ ước. 

Anh Hoàng Ngọc Thanh (ở thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết, vải thiều trồng trên đất Nam Dương được thương nhân Trung Quốc rất ưa chuộng, họ đến tận vườn đặt mua, nhưng chưa chắc người Trung Quốc đã được thưởng thức mà họ nhập về rồi xuất khẩu sang các thị trường với xuất xứ khác.

Với việc thị trường Singapore, Nhật Bản đã tìm đến với sản phẩm vải thiều, việc được xuất khẩu trực tiếp, thay vì đi qua nước thứ ba sẽ trở thành hiện thực.

Nhiều cơ hội hợp tác

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Singapore là đất nước có nền kinh tế phát triển thuộc nhóm năng động bậc nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có vai trò quan trọng trong hợp tác thương mại với Việt Nam.

(Báo giấy) Singapore tìm nguồn cung nông sản Việt Nam - Ảnh 2.

Vùng vải xuất khẩu sang Singapore, Mỹ của huyện Thanh Hà. Ảnh: Trần Tuấn

Singapore đang phải nỗ lực và khẩn cấp đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu sản xuất trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. 

Quốc gia này đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường trọng tâm giúp nước này bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa, nhất là các sản phẩm về nông sản, thủy sản, thực phẩm và xây dựng. 

Trong khi đó, ông Douglas Foo - Chủ tịch Liên đoàn Sản xuất Singapore, đồng Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Việt Nam – Singapore đánh giá cao tiềm năng về hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm của Việt Nam.

"Việt Nam và Singapore đã ký một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, cả Việt Nam và Singapore đều tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo cơ hội lớn để hai bên tăng cường hợp tác thương mại với nhau" - ông Douglas Foo nói.

Theo thống kê của Cục Doanh nghiệp Singapore, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn trong tháng 2/2020 đã tăng 49% so với tháng 1/2020 và tăng 102,78% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 3/2020 đã kết nối được khoảng 500 tấn hàng nông sản từ Việt Nam sang thị trường Singapore.

Theo bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore, thương mại hai nước bổ sung cho nhau chứ không cạnh tranh. 

Đây là điều kiện thuận lợi để hàng nông sản, thủy sản và thực phẩm Việt Nam có thể mở rộng thị phần tại thị trường Singapore.

Lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với thị trường Singapore, bà Trần Thu Quỳnh cho biết, dịch Covid-19 gây khó khăn nhưng cũng mở ra khả năng giảm chi phí thuê văn phòng, cửa hàng, showroom… 

Để thích nghi với tình hình mới, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị cho thay đổi trong xu hướng tiêu dùng ở thị trường Singapore.

Cụ thể, người tiêu dùng Singapore giảm chi tiêu vào các thực phẩm đắt tiền, tìm mua những sản phẩm tiện ích, dễ sử dụng, sản phẩm phục vụ nhiều đối tượng khách hàng và điều kiện thị trường như đồ ăn chay, thực phẩm chế biến sẵn và sạch…

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nghịch lý của chuỗi cung ứng. Mọi mắt xích trong chuỗi đều có nguy cơ khủng hoảng. 

Vì vậy, doanh nghiệp cần củng cố xây dựng mạng lưới từ người trồng đến khâu tiêu thụ, nhằm tạo năng lực sẵn sàng thích ứng, đa dạng hóa rủi ro; cần tiến tới cùng điều phối hoạt động sản xuất trong ngành hàng và tổ chức khâu vận chuyển.

Mặt khác, bà Trần Thu Quỳnh cũng khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn xa hơn khủng hoảng như chuyển đổi số từ thương mại điện tử đến giao thương điện tử.

 Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần xây dựng giải pháp xác thực chất lượng hàng hóa; kiểm dịch chất lượng qua trí tuệ nhân tạo.

Doanh nghiệp cũng cần tận dụng kênh thương mại điện tử để kinh doanh bởi thương mại điện tử tại Singapore bùng nổ trong mọi lĩnh vực nhưng công nghiệp thực phẩm vẫn là lĩnh vực ít đầu tư về công nghệ nhất. 

Đồng thời, các doanh nghiệp cần tham gia bán hàng trên mạng với chiến lược cụ thể và chính sách đặc thù.

"Doanh nghiệp Việt Nam và Singapore cần hợp tác về vốn, công nghệ, nhãn hàng, mạng lưới tiêu thụ để nâng quy mô sản xuất và giá trị gia tăng của sản phẩm" - bà Trần Thu Quỳnh gợi ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem