Không sợ lãi suất, chỉ sợ nhóm nợ "nhảy số": Cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bất động sản có khả thi?
Không sợ lãi suất, doanh nghiệp bất động sản chỉ sợ "nhảy" nhóm nợ
Bà Đỗ Thị Phương Lan, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland cho biết, tháng 11/2022 cả thị trường tài chính lẫn thị trường bất động sản đều biến động. Đối diện với rất nhiều khó khăn, Novaland đã kết hợp với một hãng luật và công ty kiểm toán quốc tế Ernst & Young (EY) để tiến hành tái cấu trúc.
Trong quá trình làm việc với chủ nợ là các tập đoàn quốc tế, tất cả đều thống nhất những khó khăn hiện nay là rủi ro hệ thống, rủi ro của toàn thị trường. Do đó, các bên chấp thuận phương án cơ cấu lại các khoản nợ cho phù hợp hơn với tình hình đang diễn ra ở Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp không rơi vào tình trạng vỡ nợ hay vi phạm, vi phạm chéo các khoản vay.
Tuy nhiên, khi tạm thời thỏa thuận xong với các chủ nợ quốc tế, doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi làm việc với các chủ nợ trong nước.
"Đối với các khoản vay trong nước, có rất nhiều khó khăn vì vậy bây giờ chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn này. Trên cơ sở đó, Novaland đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng", đại diện Novaland nêu đề xuất.
Cùng chung đề nghị này, ông Lê Trọng Khương - Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land nhấn mạnh doanh nghiệp chưa "nhảy" nhóm nợ chứ không phải không "nhảy".
"Nếu không có chính sách hỗ trợ quyết liệt thì đến một lúc nào đó chuyện nhảy nợ là có thể xảy ra. Cho nên ở góc độ Tập đoàn Hưng Thịnh và Hưng Thịnh Land, chúng tôi đề nghị NHNN cho phép cơ cấu, giãn nợ để tránh trường hợp nhảy nợ. Điều này đồng thời sẽ hỗ trợ cho việc giải ngân các khoản nợ tiếp theo để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh", ông Khương bày tỏ.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nói chung, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA) thừa nhận, cái khó nhất của thị trường hiện nay là cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Doanh nghiệp bất động sản "không sợ" lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.
"Lãi suất hiện nay chúng tôi chịu được. Chúng tôi không đề nghị giảm phí, không đề nghị giảm lãi suất, người mua nhà phải chịu những khoản này, chúng tôi đưa vào giá bán hết mà", ông Châu đề xuất,
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc "nhảy" nhóm nợ khiến các doanh nghiệp bất động sản không thể vay được tín dụng. Do đó, nếu ngân hàng nới lỏng đối với nợ nhóm 2-3 mà dự án có khả thi thì nên giải ngân cho doanh nghiệp. Nếu muốn các khoản nợ không "nhảy" nhóm thì chỉ có cách cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Trước tình cảnh hiện nay của doanh nghiệp, HoREA kiến nghị NHNN xem xét ban hành thông tư mới, tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN, cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.
Cơ cấu nợ cho doanh nghiệp bất động sản có khả thi?
Về phía ngân hàng, chia sẻ với PV bên lề hội nghị tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank cho biết, doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ đối mặt với khoản nợ đáo hạn mà còn áp lực lớn đối với khoản trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, trong khi đó nguồn thu và dòng tiền thu được từ bất động sản bị chững lại.
Do vậy, nếu không có biện pháp hỗ trợ dẫn đến doanh nghiệp không trả được nợ ngân hàng cũng như các khoản trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ đáo hạn không thanh toán được. Nếu có thể cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ thêm thời gian nhất định cũng là sự hỗ trợ cần thiết trong giai đoạn này.
"Những giải pháp trên hỗ trợ cho doanh nghiệp bất động sản sống sót qua thời gian này. Trong vài năm tới khi thị trường ấm lên, kinh tế phát triển và bất động sản sẽ trở lại nhịp bình thường", ông Hưng nhìn nhận.
Có quan điểm ngược lại, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành VietinBank cho rằng, việc cơ cấu nợ cho riêng doanh nghiệp bất động sản không phù hợp, vì đây là vấn đề thị trường. Nếu có cơ chế đặc thù cho sản bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ. Như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.
"Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu", ông Dũng nêu ý kiến.
Là một trong những ngân hàng hiện đang có dư nợ cho vay top đầu hệ thống, theo ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng chỉ cơ cấu nợ theo quy định hiện hành trong hoạt động của ngân hàng.
Các ngân hàng đều có cơ sở, căn cứ pháp lý để thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng gặp khó khăn trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nguyên tắc cơ cấu nợ đó là việc sau khi cơ cấu xong doanh nghiệp đã được cơ cấu nợ phải đảm bảo trả đủ gốc và lãi cho các ngân hàng.
Hiện nay, không chỉ riêng doanh nghiệp bất động sản mà các doanh nghiệp lĩnh vực khác trong quá trình hoạt động kinh doanh nếu khó khăn ngân hàng đều thực hiện cơ cấu nợ theo đúng quy định hướng dẫn của NHNN – theo Tổng giám đốc Vietcombank.
Đối với đề xuất tái cơ cấu khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ tương tự cơ chế chính sách mà NHNN đã triển khai thông qua việc ban hành Thông tư 01 sau này là Thông tư 03, Thông tư 14 là không cần thiết.
Ông Tùng cho rằng, đây là các chính sách đặc thù hỗ trợ cần thiết trước những điều kiện bất khả kháng là đại dịch trên quy mô toàn thế giới. Còn trong điều kiện kinh doanh thông thường thì nên áp dụng điều kiện thông thường để triển khai.
"Việc cơ cấu nợ nên triển khai một cách rất thận trọng, chính xác đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Nếu dồn nợ xấu về sau tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như chính ngân hàng", ông Tùng khuyến nghị.
Về vấn đề này, NHNN cho hay sẽ tiếp thu và nghiên cứu. Dù vậy, cơ quan điều hành cho rằng, rất khó đưa ra cơ chế ưu ái riêng cho doanh nghiệp bất động sản. Bởi nếu vậy các ngành nghề khác cũng đòi cơ chế tương tự, trong khi bất động sản không phải là lĩnh vực ưu tiên.