Không thiếu vắc xin, vì sao tốc độ tiêm chủng ở Mỹ và châu Âu giảm đáng kể?

06/09/2021 16:42 GMT+7
Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu tại WHO cho hay: “Các biện pháp giãn cách xã hội đang được nới lỏng ở nhiều quốc gia, do đó tỷ lệ tiêm chủng rất quan trọng nếu chúng ta muốn kiểm soát đà lây lan dịch bệnh cũng như giảm thiểu số ca nhập viện và tử vong”.

Khi vắc xin Covid-19 kết thúc giai đoạn thử nghiệm và được cấp phép sử dụng khẩn cấp, hàng triệu người đã háo hức chờ đợi được tiêm vắc xin. Nhưng chỉ 9 tháng sau khi chương trình tiêm chủng được triển khai ở các nước phương Tây, tốc độ tiêm chủng tại các quốc gia này đang có dấu hiệu chậm lại. Đi kèm với nó là sự giảm tốc trong đà phục hồi kinh tế ở một số khu vực, điều đang khiến các chuyên gia đặc biệt lo lắng. Trong bối cảnh đó, số ca nhiễm mới Covid-19 gây ra bởi biến thể Delta dễ lây lan và nhiều biến thể mới hình thành cũng đặt ra những thách thức lớn cho các chính phủ.

Tiến sĩ Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu tại Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho hay: “Tình trạng đình trệ trong tốc độ tiêm chủng vắc xin ở châu Âu là điều đáng lo ngại. Các biện pháp giãn cách xã hội đang được nới lỏng ở nhiều quốc gia, do đó tỷ lệ tiêm chủng rất quan trọng nếu chúng ta muốn kiểm soát đà lây lan dịch bệnh cũng như giảm thiểu số ca nhập viện và tử vong”.

Theo ông Kluge, đã có 64 triệu ca nhiễm Covid-19 và 1,3 triệu ca tử vong được ghi nhận ở 53 quốc gia châu Âu từ đầu mùa dịch đến nay. Trong đó, có 33 quốc gia đã báo cáo tỷ lệ số ca nhiễm mới bình quân trong 14 ngày gần nhất tăng hơn 10% do sự lây lan biến thể Delta. “Tốc độ lây lan nhanh chóng này đang đặt ra thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp với nhóm người được ưu tiên”.

“Trong 6 tuần qua, tốc độ tiêm chủng vắc xin trong khu vực đã chậm lại, do ảnh hưởng của sự thiếu hụt nguồn cung vắc xin ở một số quốc gia hoặc việc người dân từ chối tiêm vắc xin ở một số quốc gia khác”.

Không thiếu vắc xin, vì sao tốc độ tiêm chủng ở Mỹ và châu Âu giảm đáng kể? - Ảnh 1.

Không thiếu vắc xin nhưng tốc độ tiêm chủng ở Mỹ và châu Âu giảm đáng kể (Ảnh: Getty Images)

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Châu Âu, tính đến nay, đã có khoảng 69,2% người trưởng thành ở EU được tiêm phòng đầy đủ 2 liều vắc xin. Con số này ở Anh là 79,8% người trên 16 tuổi và ở Mỹ là 62% người trên 12 tuổi. Nhưng tốc độ tiêm chủng đã chậm lại đáng kể trong những tuần gần đây.

Chẳng hạn, tại Mỹ, tốc độ tiêm chủng đạt đỉnh vào tháng 4 với khoảng 3 triệu liều vắc xin được tiêm mỗi ngày, kéo dài vài tuần liên tiếp. Nhưng cho đến ngày 26/8, số liều vắc xin được sử dụng trong 7 ngày gần nhất do CDC công bố chỉ là 877.756 liều mỗi ngày. Tính đến ngày 2/9, số liều vắc xin được tiêm trung bình trong 7 ngày gần nhất là 906.992 liều.

Đáng chú ý, nguồn cung vắc xin không phải nguyên nhân khiến tốc độ tiêm chủng chậm lại ở Mỹ và châu Âu.

“Thực tế là nhiều người Mỹ trẻ tuổi đã cảm thấy dịch Covid-19 không ảnh hưởng lớn đến họ, và họ có ít động lực tiêm chủng” - trích lời cố vấn cấp cao về dịch Covid-19 tại Nhà Trắng, ông Jeffrey Zient. Tốc độ tiêm chủng giảm mạnh đã dẫn đến việc Mỹ không bắt kịp mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% người trưởng thành vào ngày 4/7 mà Tổng thống Joe Biden đặt ra. 

Tương tự như vậy, ở châu Âu, nhóm thanh niên cũng là nhóm có thái độ ít đánh giá cao sự nguy hiểm của đại dịch; do nhóm này có nguy cơ nhập viện và tử vong thấp hơn nhiều so với nhóm người lớn tuổi. 

Thêm vào đó, vẫn còn nhóm người từ chối việc tiêm chủng vắc xin do lo ngại về tính an toàn của liều vắc xin Covid-19 - những dòng vắc xin được phát triển và thử nghiệm với tốc độ nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử hiện đại để đối phó với đại dịch toàn cầu.

Theo một cuộc thăm dò của Morning Consult, tổ chức đã thực hiện hơn 75.000 cuộc phỏng vấn hàng tuần tại 15 quốc gia về việc triển khai vắc xin Covid-19, Nga và Mỹ là hai quốc gia có tỷ lệ người dân từ chối tiêm vắc xin cao nhất. Dữ liệu mới nhất, dựa trên các cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 17/8 đến ngày 23/8 tại Nga cho thấy khoảng 31% người Nga được hỏi cho biết họ không muốn tiêm vắc xin Covid-19 và 16% khác do dự về việc có nên tiêm chủng hay không. Tại Mỹ, 18% người được hỏi không muốn tiêm vắc xin Covid-19 và 10% khác do dự.


NTTD
Cùng chuyên mục