Khung giá điện sạch theo vùng miền - Vì đâu Bộ Công Thương dự kiến giá điện sạch miền Bắc cao nhất cả nước ?
Theo đó, nội dung quan trọng được đề cập trong dự thảo là khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời được xác định trên cơ sở cường độ bức xạ mặt trời của từng miền, trong đó, khung giá điện miền mặt trời, điện gió tại miền Bắc sẽ cao hơn các khu vực tại miền Trung, miền Bắc.
Về một số nội dung mới, Cục Điều tiết điện lực cho biết, cơ sở để lựa chọn quy mô công suất cho nhà điện mặt trời chuẩn, điện gió chuẩn được xác định trên cơ sở quy mô công suất phổ biến trong các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió được lựa chọn nhà đầu tư theo Quy hoạch điện VIII, do hiện nay trong Quy hoạch không quy định công suất của dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió cụ thể, chỉ quy định tổng công suất theo từng vùng miền.
Cơ sở lựa chọn đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) trong định nghĩa các loại hình điện gió trong đất liền, điện gió trên biển.
Đáng chú ý, Cục Điều tiết điện lực cho biết sẽ tính khung giá phát điện loại hình nhà máy điện mặt trời theo miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
"Quy hoạch điện VIII khuyến khích, ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời tại miền Bắc, nơi có cường độ bức xạ mặt trời thấp hơn nhiều so với miền Trung và miền Nam. Do đó để khuyến khích đầu tư nhà máy điện mặt trời tại miền Bắc, cần có cơ chế khung giá cao hơn (do sản lượng điện năng nhận được thấp) miền Trung và miền Nam. Theo nội dung tại dự thảo Thông tư, khung giá phát điện sẽ được xác định trên cơ sở cường độ bức xạ mặt trời của từng miền", Cục Điều điều tiết điện lực cho biết.
Theo quy định tại Luật Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị tính toán khung giá, trình Bộ Công Thương thẩm định và ban hành. Do đó, dự thảo Thông tư tiếp tục quy định EVN xây dựng và ENV có thể lựa chọn các tổ chức, đơn vị tư vấn phù hợp để thu thập số liệu đầu vào.
Về việc xem xét, thành lập Hội đồng tư vấn để thẩm định kết quả tính toán khung giá do EVN trình, Cục Điều tiết điện lực đã tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Thông tư. Cụ thể, trường hợp cần thiết, đặc biệt những năm có nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió thỏa thuận giá điện với EVN, Bộ Công Thương sẽ thành lập Hội đồng tư vấn để thẩm định kết quả tính toán khung giá do EVN trình.
Thực tế, trong thời điểm xảy ra thiếu điện cục bộ ở miền Bắc tháng 5, 6 vừa qua, nhiều chuyên gia đã cho rằng Bộ Công Thương cần có cơ chế ưu đãi trong phát triển năng lượng tái tạo ở miền Bắc khi mà nguồn nhiệt điện và thủy điện đã tới hạn.
Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn kể lại, năm 2019, khi ông tham dự tọa đàm và chia sẻ về cơ chế thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo miền Bắc, lúc đó trong một dự thảo của Bộ Công Thương có nêu ra đề xuất cần phải phân vùng, ưu đãi khác biệt, ở khu vực tốt thì nghẽn lưới truyền tải nên sử dụng ưu đãi giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) thấp hơn; đồng thời ưu tiên cho khu vực miền Bắc với giá FIT cao hơn khi phát triển dự án năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, ông Sơn chia sẻ, không biết lý do làm sao đề xuất này lại không được chấp nhận, sau đó giá FIT ban hành lần 2 cho các dự án năng lượng tái tạo bằng nhau giữa các vùng miền, dẫn tới nhà đầu tư chọn xây dựng dự án ở miền Trung và miền Nam thay vì miền Bắc. Điều này dẫn tới nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc còn rất cao.