Miền Bắc thiếu 2.000 MW năm 2024, kịch bản cắt điện sẽ lặp lại?

An Linh Thứ sáu, ngày 18/08/2023 15:00 PM (GMT+7)
Theo Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN), công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp, trong khi nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm, điều này có thể khiến khu vực này thiếu điện công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7/2024 (thiếu 420 MW – 1.770MW).
Bình luận 0

Miền Bắc có thể thiếu tối đa 2.000 MW điện năm tới

Tại hội nghị tiết kiệm điện mùa nắng nóng diễn ra ngày 18/8, đại diện EVN, Ông Trần Viết Nguyên, Phó trưởng Ban Kinh doanh cho biết, hệ thống điện đã đối mặt với khủng hoảng về mất cân bằng cung cầu điện vào các tháng 5 và 6 vừa qua, đặc biệt là khu vực miền Bắc, khi nhu cầu sử dụng điện toàn quốc tăng đột biến (ngày 19/5/2023 đạt kỷ lục mới 918,5 triệu kWh, tăng 12,34% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, xếp chồng với tình huống thiếu nhiên liệu và một số tổ máy nhiệt điện than bị sự cố do vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện nghiêm trọng.

Miền Bắc thiếu 2.000 MW năm 2024, sẽ lặp lại kịch bản "cắt điện"? - Ảnh 1.

EVN cho biết năm 2024 sẽ thiếu hơn 2.000 MW điện (Ảnh: EVN).

Đáng chú ý, EVN cho biết trong năm 2024- 2025, cung ứng điện tiếp tục gặp khó khăn. Phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 – 4.500MW/năm. Trong khi đó nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành: 1.950MW (2024) và 3.770MW (2025), tập trung chủ yến tại khu vực miền Trung và miền Nam.

EVN cho hay, công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp; nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm; thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7/2024 (thiếu 420 MW – 1.770MW).

"Khu vực phía Bắc vốn có phụ tải tăng trưởng cao nên có thể thiếu tối đa gần 2.000 MW công suất trong các năm 2024-2025", ông Nguyên nói.

Trong bối cảnh đó, yêu cầu tiết kiệm điện đặt ra hết sức cấp bách. Cụ thể, EVN đưa ra giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện triệt để tiết kiệm điện, đưa ra chỉ tiêu tối thiểu 10% tiết kiệm điện với các đơn vị; vận động khách hàng công nghiệp tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải...

Trong bối cảnh thiếu nguồn cung, EVN cho rằng vai trò của khách hàng sử dụng điện (phía cầu) hết sức quan trọng trong sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm, với sự chung tay tích cực của khách hàng sử dụng điện, từ 17/5/2023 – 16/6/2023, ả nước đã tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh (chỉ tính riêng cho các nhóm khách hàng: hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm), đã góp tích cực trong đảm bảo cân bằng cung cầu điện.

Miền Bắc thiếu 2.000 MW năm 2024, sẽ lặp lại kịch bản "cắt điện"? - Ảnh 3.

Sản lượng điện tăng cao trong tháng 7 của Hà Nội (Ảnh; EVN Hanoi).

Theo ông Nguyên, nếu tính tổng lượng điện tiết kiệm của các hộ tiêu thụ khác, lượng điện tiết kiệm có thể cao hơn và có thể đạt mức 2%.

Với mức tiết kiệm như vậy, cả nước có thể tiết kiệm được được khoảng 5 tỉ kWh, tương đương việc chúng ta không phải đầu tư nhà máy nhiện điện than 1.200 MW công suất.

Nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Nguyên cho biết sẽ tập trung tiếp tục thực hiện mục tiêu tiết kiệm 2% nhu cầu tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn tới năm 2025.

Như Dân Việt đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn EVN, PVN, TKV về việc đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Theo đó, Thủ tướng lưu ý cần căn cứ vào tăng trưởng nền kinh tế để dự báo nhu cầu điện sát thực tế và cân đối cung - cầu điện, huy động nguồn lực của hệ thống (nguồn điện, lưới truyền tải, phân phối và nhập khẩu điện) để tối ưu giá sản xuất điện.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo thực hiện kế hoạch cung ứng, vận hành ổn định hệ thống và khắc phục nhanh các sự cố nguồn điện (nhất là nhiệt điện) trong nước. Các tập đoàn EVN, PVN và TKV rà soát, cập nhật kế hoạch này, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8.

Bộ Công Thương cũng được giao cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án đường dây truyền tải 500 kV từ Quảng Trạch tới Phố Nối (Hưng Yên). Dự án này cần hoàn thành trong tháng 6/2024 để tăng năng lực truyền tải từ Nam ra Bắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem