Khủng hoảng giá dầu không tiền lệ: 1/4 công ty dầu khí Mỹ đối diện nguy cơ phá sản

21/04/2020 13:08 GMT+7
Các nhà phân tích chỉ ra rằng ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu đang rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái năm 1930 đến nay.

Cuộc khủng hoảng tồi tệ không tiền lệ của ngành dầu khí

Khủng hoảng giá dầu không tiền lệ: 1/4 công ty dầu khí Mỹ đối diện nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Tương lai ảm đạm cho ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu

Dầu tràn ngập thị trường và không ai có nhu cầu mua thêm. Máy bay đang hạ cánh hàng loạt trên những đường băng, hoạt động vận tải trì trệ và người Mỹ - những người tiêu dùng 10% sản lượng dầu toàn cầu cho xe hơi - hiện đang tự cách ly tại nhà.

Nhu cầu dầu giảm sâu do đại dịch Covid-19 đã tàn phá thị trường dầu, đưa hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5 lao dốc 300% xuống -37,63 USD/ thùng, mức giá chưa từng có trong lịch sử. Các nhà phân tích cho rằng đây có thể chỉ là lời cảnh báo ban đầu, rằng ngành công nghiệp năng lượng sắp phải trải qua một viễn cảnh tồi tệ hơn ở phía trước.

Nguyên nhân hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5 lao đầu xuống mức âm đã rõ. Các kho dự trữ dầu đang tràn đầy, không có khả năng lưu trữ thêm. Khi các hợp đồng tương lai dầu hết hạn, không ai muốn nhận dầu vật lý về kho của mình. Các nhà giao dịch thậm chí phải trả tiền để người mua lấy dầu đi từ tay họ. Ngay cả trong bối cảnh nhu cầu dầu giảm sâu, việc giá dầu lao dốc 300% vẫn là một động thái kỳ lạ mà không nhà phân tích nào lường trước được. Thậm chí, có suy đoán rằng giá dầu lao dốc âm là kết quả của việc phòng ngừa rủi ro sai lầm hoặc một số quỹ giao dịch đứng sau việc bán tháo.

Nhưng kết quả cuối cùng đã rõ. Hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5 giảm 55,9 USD, tiến sâu vào lãnh thổ âm. Hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 6 giảm 15%, giao dịch ở mức 21,40 USD/ thùng còn giá dầu Brent tương lai giao dịch ở mức khoảng 25,90 USD/ thùng. Giá dầu giảm sâu đang phản ánh thực trạng rằng việc siết chặt sản lượng để tháo gỡ tình trạng dư cung có thể khó khăn hơn dự kiến.

Tại thị trường dầu giao ngay, tình hình cũng không mất lạc quan. Giá dầu thô vùng Bakken - một trong hai khu vực sản xuất dầu lớn nhất nước Mỹ - đã xuống -38,63 USD/ thùng.

Francisco Blanch, chuyen gia phân tích hàng hóa tại Bank of America nhận định: “Thế giới chưa bao giờ đóng băng như trong vài tuần qua”. 60% khu cầu dầu toàn cầu đến từ hoạt động giao thông vận tải, nhưng hàng loạt chính phủ đã hạn chế người dân di chuyển trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh lây lan. Doanh số xăng giảm hơn 50%. 80-90% các chuyến bay khắp thế giới bị hủy bỏ lịch trình. Sự sụp đổ trong nhu cầu tiêu dùng năng lượng hiện tại đã thúc đẩy một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong thị trường dầu, khác xa cuộc Đại khủng hoảng hồi năm 2008-2009.

Dan Yergin, Phó chủ tịch của IHS Markit cho biết lịch sử từng chứng kiến 2 lần hợp đồng tương lai dầu WTI lao dốc do kho dự trữ tràn dầu, nhưng giá dầu chỉ giảm xuống dưới 10 USD. “Hết dung lượng lưu trữ dầu đã thúc đẩy giá dầu giảm mạnh. Sự khác biệt là vào năm 1986 và 1998, nhu cầu dầu sau đó đã tăng lên. Nhưng điều đó không đúng với bối cảnh hiện tại, khi nhu cầu dầu tiếp tục sụp đổ. Chúng ta đang trong một bối cảnh chưa từng có tiền lệ… Đa số các yếu tố phục hồi phụ thuộc vào chính diễn biến đại dịch Covid-19”.

Khủng hoảng giá dầu không tiền lệ: 1/4 công ty dầu khí Mỹ đối diện nguy cơ phá sản - Ảnh 3.

Ông Yergin dự báo đến cuối tháng 4, tất cả các kho dự trữ dầu sẽ tràn và không có chỗ chứa bất cứ khối lượng dầu nào được sản xuất ra.

30% công ty dầu đá phiến Mỹ đối diện nguy cơ phá sản

Chỉ vài tháng trước, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ vẫn thống trị thế giới. Giá dầu tăng lên hơn 60 USD/ thùng hồi đầu năm, và Mỹ trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, vượt qua cả Nga và Saudi Arabia. Ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ với công nghệ cao chỉ mất chưa đầy 2 thập kỷ để vươn lên ngôi vị thống trị lĩnh vực sản xuất dầu toàn cầu.

Nhưng sự bùng phát đại dịch Covid-19 ngay sau đó đã bóp nghẹt những tín hiệu tốt từ thỏa thuận thương mại Mỹ Trung, dẫn đến nhu cầu dầu lao dốc trên toàn cầu trong khi nguồn cung dư thừa trầm trọng. Các công ty dầu đá phiến Mỹ giờ phải đối mặt với áp lực nặng nề từ bài toán tài chính tồi tệ, do chi phí sản xuất dầu bằng công nghệ đá phiến tại Mỹ lớn hơn hẳn các nước khai thác dầu như Saudi Arabia hay Nga.

Michael Bradley, giám đốc điều hành Tudor Pickering Holt cho rằng các công ty Mỹ có thể sẽ cắt giảm sản lượng tới 1 triệu thùng/ ngày. Trước đó, Conoco Philips và Continental đã tuyên bố sẽ cắt giảm 25-30% sản lượng sản xuất dầu, các công ty khác có thể sẽ làm theo xu hướng này trong bối cảnh giá dầu giảm sâu. Nhưng cũng sẽ có các công ty buộc phải ngừng sản xuất và phá sản. 

“Rồi những doanh nghiệp chất lượng sẽ tồn tại. Nhưng bạn sẽ thấy 25-30% ngành công nghiệp dầu khí phải tái cấu trúc hoặc phá sản trong 9-12 tháng tới” - ông Bradley nhận định.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục