Giá dầu âm chưa từng có trong lịch sử: các cường quốc phản ứng trái ngược

21/04/2020 09:40 GMT+7
Thay vì được trả tiền cho mỗi thùng dầu, các nhà giao dịch giờ đây thậm chí phải trả tiền cho người mua để đẩy dầu khỏi tay họ khi giá dầu lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức âm. Động thái này là minh chứng rõ rệt cho việc các kho dự trữ dầu đầy ắp sắp tràn trên toàn cầu.

Vì đâu giá dầu xuống mức âm chưa từng có trong lịch sử?

Đã có nhiều dự báo được đưa ra về việc giá dầu giảm sâu, nhưng không một nhà phân tích nào lường trước được về giá dầu âm.

Kết thúc phiên giao dịch 20/4 trên thị trường Mỹ, hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5 giảm hơn 300% xuống -37,63 USD/ thùng, tức mức giảm 55,90 USD/ thùng chỉ trong 1 ngày. Có thời điểm trong phiên giao dịch, hợp đồng tương lai dầu WTI thủng ngưỡng - 40 USD/ thùng trước khi nhích nhẹ vào những giờ cuối cùng của phiên.

Hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 6 giảm hơn 15,6% xuống còn 21,09 USD / thùng. Hợp đồng dầu WTI tháng 7 giảm 6,9%. 

Giá dầu âm chưa từng có trong lịch sử: các cường quốc phản ứng trái ngược - Ảnh 1.

Giá dầu lần đầu tiên được ghi nhận rơi xuống mức âm

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu giảm xuống mức âm trong bối cảnh nhu cầu dầu chìm sâu vì hệ lụy từ đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa Nga - Saudi Arabia. Thay vì được trả tiền cho mỗi thùng dầu, các nhà giao dịch giờ đây thậm chí phải trả tiền cho người mua để đẩy dầu khỏi tay họ. Động thái này là minh chứng rõ rệt cho các kho dự trữ dầu đầy ắp sắp tràn trong những tháng tiếp theo.

Nếu kho dự trữ còn nhiều không gian, người bán dầu có thể lưu trữ dầu tại đó và chờ qua cơn bão giá dầu trước khi bán dầu với giá cao trở lại. Nhưng giờ đây, khi các kho sắp tràn dầu, không còn lựa chọn nào khác cho người bán ngoài bán tháo dầu ở mức giá rất thấp nếu không muốn ngừng hẳn các cơ sở sản xuất dầu - một nỗ lực tốn kém và phức tạp hơn cả bán giá dầu ở mức âm, nhất là với các công ty dầu đá phiến Mỹ.

Giá dầu âm đưa các cổ phiếu năng lượng chìm sâu. Lĩnh vực năng lượng của S&P 500 đang xuống mức thấp nhất kể từ năm 1931 đến nay.

Giá dầu cắm đầu lao dốc: Nga - Mỹ xem xét cắt giảm sản lượng, Trung Quốc nhân cơ hội mua vào

Lukoil, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai tại Nga đang có kế hoạch cắt giảm 18% sản lượng dầu thô, tương đương 290.000 thùng/ ngày như một phần thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với OPEC+, tờ Interfax của Nga dẫn lời CEO Vagit Alekperov hôm 20/4. Ông Vagit nói thêm rằng Lukoil cũng như tất cả các công ty dầu khí của Nga sẽ hoàn thành hạn ngạch cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng/ ngày mà Bộ năng lượng Nga phân bổ. Theo thỏa thuận này, Nga sẽ đưa sản lượng dầu bình quân hàng ngày xuống khoảng 8,5 triệu thùng hoặc thấp hơn trong suốt tháng 5 và tháng 6.

Ông Vagit cũng dự báo giá dầu tăng lên 30 USD/ thùng sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng có hiệu lực từ đầu tháng 5 tới.

Giá dầu âm chưa từng có trong lịch sử: các cường quốc phản ứng trái ngược - Ảnh 2.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ ngày sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 5

Tại Mỹ, các công ty năng lượng cũng đang xem xét cắt giảm sản lượng dầu khi giá dầu lần đầu xuống mức âm. Tổng số giàn khoan dầu tại Mỹ tiếp tục giảm 66 giàn vào tuần trước, một mức giảm mạnh mẽ. Riêng tại lưu vực Permian thuộc Tây Texas và đông New Mexico, một trong những lưu vực sản xuất dầu đá phiến chính của Mỹ, số giàn khoan giảm 33 giàn. Làn sóng sụt giảm sản lượng đã bắt đầu, nhưng mối lo ngại lớn hơn là đóng cửa sản xuất do giá dầu giao ngay xuống mức âm.

Trái ngược với các động thái của Nga và Mỹ, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu dầu thô, tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ dầu tồn kho trong quý I/2020 tận dụng giá dầu giảm mạnh trên thị trường quốc tế. 

Theo ước tính của Reuters, trong quý I/2020, có tới 2 triệu thùng dầu nhập khẩu/ ngày tại Trung Quốc không được xử lý tinh chế mà đưa vào lưu trữ, trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức 1,07 triệu thùng.

Mặc dù đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong thời gian qua, nhưng nhập khẩu dầu mỏ đang có xu hướng tăng cao khi các nhà tinh chế dầu Trung Quốc tích cực mua lại dầu với giá cực rẻ ở Alaska (Mỹ), Canada và Brazil. Trong tháng 3, kim ngạch nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Dù vậy, nhu cầu dầu tăng tại riêng thị trường Trung Quốc là không đủ để cứu thị trường dầu mỏ khỏi đáy vực trong bối cảnh nhu cầu dầu thế giới giảm sâu và các kho lưu trữ dầu toàn cầu sắp tràn.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

So với mức giá -37 USD/ thùng của hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5, mức giá 21,09 USD/ thùng của hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 6 có vẻ sáng sủa hơn hẳn. Nhưng đừng vội mừng, bởi hầu hết các công ty dầu mỏ không thể tồn tại lâu nếu giá dầu giữ ở mức xấp xỉ 20 USD/ thùng như vậy. Các công ty dầu đá phiến Mỹ tốn nhiều chi phí hơn thế để sản xuất mỗi thùng dầu. Hơn nữa, không thể chắc chắn hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 6 không tiếp tục lao dốc, bởi mức cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu thùng dầu/ ngày của OPEC+ rõ ràng không đủ để bù đắp nhu cầu dầu giảm sâu trên toàn cầu.

CEO Olivier Le Peuch của công ty dầu khí Schlumberger nhận định: “Quý II/2020 có thể sẽ là quý bất ổn và đột phá nhất mà ngành công nghiệp năng lượng từng chứng kiến”.

Hôm 20/4, Halliburton cũng đưa ra một triển vọng nghiệt ngã cho thị trường dầu mỏ trong những tháng tiếp theo. CEO Jeff Miller của Halliburton dự báo hoạt động sản xuất dầu tại Bắc Mỹ thu hẹp mạnh trong quý II và tiếp tục giảm cho đến cuối năm. Trong quý I/2020, Halliburton báo cáo lỗ ròng 1 tỷ USD do giá dầu giảm sâu.

Nhìn chung, thị trường dầu hiện tại chịu sự chi phối của đại dịch Covid-19. Vài tỷ dân trên thế giới đang sống dưới các lệnh hạn chế kiểm dịch của chính phủ. Một ví dụ rõ rệt nhất là nhu cầu nhiên liệu đường bộ ở Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới giảm mạnh 50% khi chính phủ nước này tiến hành phong tỏa. Các nhà phân tích liên tiếp sửa đổi dự báo nhu cầu dầu, với tình hình ngày một ảm đạm do các lệnh hạn chế có nguy cơ kéo dài đến tháng 6. 

Trong tháng 4, dự báo nhu cầu dầu toàn cầu giảm ít nhất 29 triệu thùng mỗi ngày. Nhưng dự báo cho tháng 5 thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều. “Có rất ít khả năng nhu cầu dầu toàn cầu hồi phục trở lại mức 100 triệu thùng/ ngày trong ngắn hạn” - theo ông Mark Lewis, nhà nghiên cứu tại BNP Paribas Asset Management.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục