Các nhà phân tích nhận định cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc China Evergrande không có khả năng gây ra hậu quả tương tự vụ sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vào năm 2008.
Chỉ trong 5 phiên giao dịch qua, cổ phiếu China Evergrande niêm yết tại Hong Kong đã tụt hơn 20% khi nhà đầu tư theo dõi tình hình thanh khoản tồi tệ của tập đoàn này. Hàng loạt khoản thanh toán lãi suất trái phiếu trị giá hàng trăm triệu USD của China Evergrande sẽ đến hạn từ nay đến 29/9, trong khi đó bản thân China Evergrande đã ít nhất 2 lần cảnh báo nguy cơ vỡ nợ chéo trong những ngày qua.
Là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, China Evergrande cũng đồng thời là tập đoàn BĐS mắc nợ nhiều nhất thế giới với tổng số nợ lên tới hơn 300 tỷ USD. Tính từ tháng 7/2020 (thời điểm Bắc Kinh bắt đầu siết chặt hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản) đến nay, cổ phiếu China Evergrande đã giảm gần 90%.
Theo các nguồn tin, China Evergrande đang đối mặt với một khoản trái phiếu trị giá 83,5 triệu USD đáo hạn tháng 3/2022 sẽ đến hạn trả lãi vào ngày 23/9, trong khi một khoản thanh toán lãi suất khác trị giá 47,5 triệu USD đáo hạn tháng 3/2024 sẽ đến hạn vào ngày 29/9 này. Nếu nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không thể thanh toán lãi suất các khoản trái phiếu này trong vòng 30 ngày kể từ ngày đến hạn, hai trái phiếu này sẽ bị liệt kê vào dạng vỡ nợ. Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của China Evergrande lập tức khiến tâm lý lo sợ bao trùm thị trường chứng khoán toàn cầu.
Nhưng tờ CNBC mới đây đưa nhận định của các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc China Evergrande khó có khả năng gây ra hậu quả tương tự vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vào năm 2008.
Khi so sánh tác động tiềm tàng của cuộc khủng hoảng nợ China Evergrande với sự sụp đổ của Lehman Brothers, các nhà phân tích chỉ ra sự khác biệt lớn nhất: China Evergrande nắm giữ nhiều tài sản vật chất như bất động sản, trong khi Lehman chỉ nắm giữ tài sản tài chính vô hình.
Ông Rob Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại ING cho hay: “Evergrande đang đối diện với các vấn đề dòng tiền, nhưng nó khó gây ra rủi ro mang tính hệ thống”.
“Đây không phải Lehman, cũng không phải LTCM” - ông Carnell nhấn mạnh, đề cập đến vụ sụp đổ quỹ đầu tơ Mỹ Long-Term Capital Management hồi năm 1990. “Đây không phải là một quỹ đầu cơ với quy mô đòn bẩy tài chính khổng lồ hay một ngân hàng có giá trị tài sản tài chính đang giảm về 0. Đây là một công ty phát triển bất động sản với gánh nặng nợ khổng lồ, khoảng 300 tỷ USD”.
Ông Carnell kỳ vọng Evergrande có thể thu lại số tiền nhất định dựa vào khối tài sản vật chất đang nắm giữ, từ đó tiếp tục hoàn thành các dự án bất động sản đang phát triển, rao bán và trả nợ.
Trước đó, hôm 22/9, mảng bất động sản của China Evergrande đã tuyên bố sẽ trả lãi đúng hạn cho một khoản trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ tại Trung Quốc đại lục.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie cũng chỉ ra rằng mặc dù China Evergrande đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản khổng lồ, nhưng cần nhấn mạnh rằng tập đoàn này sở hữu một quỹ đất lớn. Theo ông Larry Hu, ước tính các tài sản bao gồm dự án nhà đất của China Evergrande có giá trị khoảng 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (220 tỷ USD).
“Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã dẫn đến sự sụp đổ trong các công cụ tài chính phái sinh, khiến thị trường nghi ngờ “sức khỏe” của các ngân hàng khác. Nhưng hiện tại, rất khó xảy ra tình huống rằng cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande sẽ khiến giá đất giảm xuống. Xét cho cùng, giá trị của bất động sản minh bạch và ổn định hơn so với các công cụ tài chính, đặc biệt là ở Trung Quốc” - ông Larry Hu cho hay. “Do đó, chính quyền địa phương có động lực to lớn để duy trì giá bất động sản ổn định. Trong trường hợp xấu nhất, chính quyền địa phương thậm chí có thể tiến hành mua lại bất động sản như họ từng làm hồi năm 2014-2015”.
Một điểm khác biệt quan trọng khác trong trường hợp của Evergrande so với Lehman Brothers là mức độ kiểm soát và tham gia của Chính phủ với ngành bất động sản tại Trung Quốc.
Các nhà phân tích tại China Beige Book cho biết: “Các ngân hàng của Trung Quốc cũng như nhiều tổ chức tài chính khác trước tiên là cánh tay của Chính phủ… Ngay cả các đơn vị tài chính không nằm trong lĩnh vực quốc doanh cũng chịu kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ. Do đó, các vụ phá sản thương mại nhìn chung là quyết định từ Chính phủ. Chính phủ nói cho vay, ngân hàng sẽ cho vay… Không có tình huống tương tự Lehman Brothers ở đây, do đó sẽ không có khủng hoảng Lehman Brothers lặp lại”.
Ngân hàng đầu tư huyền thoại Lehman Brothers của Mỹ đã sụp đổ vào tháng 9/2008, một khoảnh khắc mang tính biểu tượng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Ngân hàng này bảo lãnh một lượng tài sản tài chính trị giá hàng chục tỷ USD được đảm bảo bằng các khoản thế chấp đầy rủi ro trong thời kỳ bong bóng nhà đất phình to ở Mỹ. Chính phủ Mỹ cuối cùng đã “bỏ rơi” ngân hàng này khi để mặc Lehman Brothers phá sản, mặc dù ra tay cứu nhiều tổ chức tài chính khác.
Vụ sụp đổ của Lehman Brothers đã thổi khoảng 10.000 tỷ USD vốn hóa trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong tháng 10/2008, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và trực tiếp đẩy nước Mỹ vào suy thoái (Ảnh: Getty Images - AFP)
Vụ sụp đổ của Lehman Brothers đã thổi khoảng 10.000 tỷ USD vốn hóa trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong tháng 10/2008, một mức giảm kỷ lục chưa từng có tiền lệ. Một báo cáo sau đó của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF cho thấy có tới 29 quốc gia đã bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng sau khi Lehman Brothers phá sản, từ Tây Ban Nha cho đến Hy Lạp. Các chính phủ hai bên bờ Đại Tây Dương đã liên tục đưa ra những gói cấp cứu trị giá hàng tỷ USD nhưng không thể trấn an người dân bình tĩnh khi thị trường ngày càng quan ngại về sức khỏe hệ thống ngân hàng nói chung.
Riêng tại nước Mỹ, sự sụp đổ của Lehman Brothers là nguyên nhân trực tiếp đẩy nền kinh tế số 1 hành tinh vào tình trạng suy thoái khi ít nhất 8 triệu người rơi vào tình trạng thất nghiệp và hàng chục nghìn người mất nhà. Tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ trong năm 2009 lên tới 10%.
Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, ông Larry Hy nhận định các nhà chức trách Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ cung cấp những hỗ trợ nhất định nhằm ngăn chặn rủi ro quá mức cho toàn hệ thống tài chính cũng như duy trì sự ổn định trên thị trường bất động sản. “Một gói cứu trợ lớn khó có khả năng xảy ra, nhưng Chính phủ có thể đảm bảo các căn hộ đã được rao bán sẽ tiếp tục được hoàn thiện và giao đến tay người mua nhà.... Các nhà hoạch định chính sách có thể chờ đợi, sau đó thực hiện những động thái nhất định để tái cơ cấu nợ một cách trật tự”.
“Hệ thống ngân hàng Trung Quốc có lợi nhuận hàng năm lên tới 1,9 nghìn tỷ nhân dân tệ và dự phòng hàng năm 5,4 nghìn tỷ nhân dân tệ. Tức là nó có thể dễ dàng dàn xếp và gánh khoản lỗ của China Evergrande” - ông Larry Hu nói thêm.
Ông Larry Hu cho rằng Chính phủ Trung QUốc có thể đảm bảo các căn hộ đã được rao bán sẽ tiếp tục được hoàn thiện và giao đến tay người mua nhà trước khi tái cơ cấu nợ với China Evergrande (Ảnh: Reuters/ Bloomberg/ Getty Images)
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, bà Gita Gopinath cũng nhận định trên tờ Reuters rằng Trung Quốc có dư địa và công cụ chính sách đủ để ngăn chặn sự kiện China Evergrande biến thành “một cuộc khủng hoảng hệ thống”. Thị trường bất động sản Trung Quốc và các ngành liên quan như xây dựng đóng góp khoảng 1/4 GDP quốc gia Trung Quốc, theo ước tính của Moody.
Tại cuộc họp báo tuần trước, người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay Cục này đang theo dõi sát sao các công ty bất động sản đối diện khó khăn tài chính và rủi ro cho nền kinh tế. Cho đến nay, các quan chức Bắc Kinh gần như chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về vụ việc China Evergrande.