GDP Trung Quốc có thể thụt lùi 1% do khủng hoảng nợ China Evergrande

22/09/2021 15:00 GMT+7
Một cựu cố vấn ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhận định cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.

Là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, China Evergrande cũng đồng thời là tập đoàn BĐS mắc nợ nhiều nhất thế giới với tổng số nợ lên tới hơn 300 tỷ USD. Trong những ngày qua, tập đoàn này liên tục cảnh báo tình hình thanh khoản tồi tệ và nguy cơ vỡ nợ khi hàng loạt khoản thanh toán lãi suất trái phiếu trị giá hàng trăm triệu USD sắp đến hạn. Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu của China Evergrande lập tức khiến tâm lý lo sợ bao trùm thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như toàn cầu.

GDP Trung Quốc có thể thụt lùi 1% do khủng hoảng nợ China Evergrande - Ảnh 1.

Cổ phiếu China Evergrande niêm yết trên sàn Hong Kong lao dốc mạnh mẽ trong những ngày qua (Ảnh: CNBC)

Ông Li Daokui, cựu cố vấn ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhận định: “Nguy cơ China Evergrande vỡ nợ có thể tác động to lớn đến nền kinh tế thực khi hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ. Thị trường bất động sản suy yếu sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng GDP (của Trung Quốc) trong năm tới”. Ông Li hiện là giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa, một trong những trường đại học hàng đầu Trung Quốc.

Dù vậy, theo ông Li Daokui, ảnh hưởng đến hệ thống tài chính Trung Quốc là không lớn do không có công cụ phái sinh nào được xây dựng trên các khoản nợ khổng lồ của China Evergrande.

“Tôi nghĩ còn hơi sớm để dự báo tác động thực của cuộc khủng hoảng nợ China Evergrande. Tuy nhiên, với những tính toán sơ bộ của cá nhân tôi hiện tại, thiệt hại sẽ rơi vào khoảng 1% GDP nếu mọi thứ sớm nằm trong tầm kiểm soát”.

Li Daokui

China Evergrande đang đối mặt với một khoản trái phiếu trị giá 83,5 triệu USD đáo hạn tháng 3/2022 sẽ đến hạn trả lãi vào ngày 23/9, trong khi một khoản thanh toán lãi suất khác trị giá 47,5 triệu USD đáo hạn tháng 3/2024 sẽ đến hạn vào ngày 29/9 này. Nếu nhà phát triển bất động sản Trung Quốc không thể thanh toán lãi suất các khoản trái phiếu này trong vòng 30 ngày kể từ ngày đến hạn, hai trái phiếu này sẽ bị liệt kê vào dạng vỡ nợ.

Trong bất kỳ trường hợp vỡ nợ nào, China Evergrande sẽ cần phải tái cơ cấu trái phiếu. Dù vậy, các nhà phân tích kỳ vọng tỷ lệ thu hồi cho nhà đầu tư là tương đối thấp. Giá cổ phiếu tập đoàn này tụt mạnh trong những ngày qua chính là bức tranh rõ nét phản ánh kỳ vọng tiêu cực của nhà đầu tư.

Jimmy Chang, giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office nhận định: “Thị trường đều mong đợi chính phủ sẽ đưa ra một số giải pháp vì China Evergrande là một tập đoàn khổng lồ với sự hiện diện mạnh mẽ trong nền kinh tế. Tập đoàn này đang cõng trên lưng số nợ 300 tỷ USD chưa thanh toán. Một vụ vỡ nợ của China Evergrande sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực lan tỏa trong toàn hệ thống tài chính Trung Quốc. Tôi cho rằng cuối cùng, vụ việc sẽ kết thúc khi một số doanh nghiệp quốc doanh có nguồn thanh khoản dồi dào vào cuộc và tiếp quản lại China Evergrande”.

Ông Jimmy Chang cảnh báo chính phủ cần nhanh chóng hành động vì cuộc khủng hoảng thanh khoản ở China Evergrande có thể gây ra hệ lụy lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh. “Lĩnh vực bất động sản đóng vai trò rất quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc cũng như tài chính của nhiều gia đình Trung Quốc do tỷ lệ sở hữu nhà ở quốc gia này lên tới hơn 90%”.

Còn theo ông Li Daokui, trong trường hợp China Evergrande thực sự vỡ nợ, điều này sẽ buộc chính quyền địa phương dốc túi tiền để tiếp tục triển khai các dự án bất động sản còn đang dang dở hoặc bị trì hoãn. Theo ông Li, trong trung và dài hạn, China Evergrande có thể bị tái cơ cấu thành 4 mảng chính: phát triển bất động sản, tài chính, xe điện và các dự án thương mại khác. “Mỗi phần trong 4 lĩnh vực này sẽ được đưa về tay các công ty riêng lẻ hoặc thậm chí là chính quyền địa phương… Một thực thể khổng lồ như Evergrande hiện nay có thể sẽ không còn tồn tại”.


NTTD
Cùng chuyên mục