Kiểm điểm vi phạm nguyên Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng và tình hình làm ăn của Tổng công ty Dofico
Đề nghị kiểm điểm vi phạm nguyên Chủ tịch Tổng Công ty Dofico
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai vừa tổ chức kỳ họp thứ 35, khóa 11, nhiệm kỳ 2020-2025 để xem xét, thông qua các vụ việc theo thẩm quyền.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã thông qua báo cáo kết quả xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với ông Phan Duy Nghĩa (sinh năm 1964) - nguyên Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Trảng Bom từ năm 2013 đến 2022; Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng từ năm 2007 đến tháng 2/2011.
Theo kết luận, trong thời gian giữ chức vụ, ông Nghĩa có khuyết điểm, sai phạm. Trước đó, tháng 6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, bắt tạm giam ông Nghĩa để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại dự án khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.
Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai kết luận về thiếu sót, khuyết điểm của ông Nguyễn Văn Dũng – nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai Dofico, bà Đoàn Đặng Quỳnh Chi – thành viên Hội đồng Thành viên Dofico.
Các đảng viên trên có khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ theo quy định của Đảng. Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Đồng Nai đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, về những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.
Ngoài ra, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Đồng Nai cũng có kết luận về hạn chế, khuyết điểm của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai Trịnh Ngọc Quỳnh, Bí thư Chi bộ Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Văn Thịnh.
Dofico làm ăn thế nào?
Được biết, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) được thành lập từ 2005, là một trong những tổ hợp kinh tế lớn mạnh và hiệu quả của tỉnh Đồng Nai, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Vốn điều lệ của Dofico tại 19/3/2021 tăng từ 3.035 tỷ đồng lên 3.473,8 tỷ đồng.
Đại diện pháp luật tại thay đổi gần nhất vào tháng 7/2023 của Tổng Công ty là Tổng Giám đốc Trần Thị Vũ Hậu (SN 1986) và Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Văn Dũng (SN 1972).
Dofico kinh doanh đa ngành nghề, bao gồm: sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu, chăn nuôi, du lịch, thương mại, xuất nhập khẩu, kinh doanh và khai thác mủ cao su, khai thác tài nguyên khoáng sản…
Theo giới thiệu, Dofico có 02 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 19 công ty thành viên, 09 công ty liên doanh, liên kết.
Tổng công ty có một nhà máy sản xuất thuốc lá điếu với công suất trên 500 triệu bao/năm, với dây chuyền công nghệ hiện đại, trang thiết bị tiên tiến của các nước Đức, Ý và Châu Âu và lực lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao để phục vụ sản xuất một cách hiệu quả nhất. Điều này đã tạo cho công ty lợi thế mạnh trong việc mở rộng quy mô hoạt động cũng như thị phần trên thị trường.
Dữ liệu cho thấy, trong giai đoạn 5 năm từ 2016-2020, tổng doanh thu bình quân 5 năm của Dofico ước thực hiện 5.207 tỷ đồng, bằng 152,44% so với kế hoạch. Trong đó, Công ty mẹ ước thực hiện 2.137,6 tỷ đồng, bằng 117,61% so với bình quân kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế bình quân ước thực hiện 540,2 tỷ đồng, bằng 144,5% so với kế hoạch. Trong đó, công ty mẹ ước thực hiện 398,7 tỷ đồng, bằng 156,64% so với bình quân kế hoạch.
Lợi nhuận sau thuế bình quân 5 năm đạt 436,5 tỷ đồng, bằng 146,61% kế hoạch. Trong đó, Công ty mẹ ước thức hiện 398,7 tỷ đồng, bằng 156% kế hoạch.
Theo Dofico, tình hình kinh doanh trong giai đoạn 2016-2020 gặp nhiều thách thức. Đơn cử như Công ty mẹ với sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu đang phải đối rất nhiều khó khăn cũng như chịu áp lực lớn từ các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá. Việc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thay đổi từ ngày 1/1/2016 tăng từ 65%lên 70%; và lên 75% từ ngày 1/12019 đã ảnh hưởng mạnh tới sản lượng tiêu thụ của ngành nói chung, Dofico nói riêng.
Tương tự, sản lượng sản xuất cao su trong giai đoạn này bị tác động tiêu cực từ hình thái thời tiết xấu, diện tích cao su gặp hạn tăng, diện tích lớn cộng với việc phân bổ rải rác dẫn đến việc chăm sóc bị hạn chế; ngành chăn nuôi heo gặp khó vì dịch tả lợn châu phi; doanh thu từ xe gắn máy giảm do vấp phải sự cạnh tranh từ các cơ sở kinh doanh tư nhân...
Bên cạnh đó, kết quả thực hiện phương án thoái vốn doanh nghiệp tại Dofico giai đoạn 2016-2020 ghi nhận nhiều tích cực. Theo đó, Dofico đã hoàn thành vốn tại một số doanh nghiệp như công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc; Công ty Cổ phần bia Sài Gòn - Đồng Nai; Công ty phát triển nhà Bình Đa... Tuy nhiên, công tác thoái vốn vẫn gặp khó khăn tại một số công ty, trong đó, đáng kể như Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại Đồng Nai; Công ty Cổ phần Tổng hợp gỗ Tân Mai; Công ty Cổ. phần xuất nhập khẩu Đồng Nai.
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021-2025, Dofico đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu bình quân là 1.766,2 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,71%/năm. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 158 tỷ đồng và 137,5 tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,72%/năm và 7,5% năm.
Liên quan đến Dofico, vào tháng 7/2023, UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi 5.437.091,8 m2 đất của Dofico sử dụng tại các xã Xuân Tâm, Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc (đã trừ diện tích 91.450,1 m2 các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng).
Trước đó, ngày 6/7/2018, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản về việc chấm dứt hoạt động Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật phân khu 3B và 3C tại huyện Xuân Lộc theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Dofico.
Được biết, diện tích đất thu hồi trên nằm trong Dự án Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico đã được khởi công xây dựng vào năm 2010 do Dofico làm chủ đầu tư.
Theo dự kiến, Dự án thực hiện trong 5 năm với quy mô diện tích gần 2.200 ha, gồm 5 phân khu chức năng như chăn nuôi tập trung, trồng trọt - chăn nuôi tập trung, trồng trọt - chế biến thực phẩm, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, thương mại - dịch vụ.
Trong quá trình triển khai, Dự án gặp nhiều khó khăn, một số khu vực thu hồi đất đã lâu nhưng không triển khai do không thu hút được nhà đầu tư. Do vậy, Dofico mong muốn xin được trả lại đất cho Nhà nước.