Kiểm toán Nhà nước: Kiến nghị xử lý hơn 14.000 tỷ đồng, thu ngân sách tăng thêm nghìn tỷ

Huyền Anh Thứ hai, ngày 23/10/2023 15:10 PM (GMT+7)
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo về công tác năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Bình luận 0

Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, đến 30/9/2023 toàn ngành đã xét duyệt 158 kế hoạch kiểm toán (KHKT), triển khai 151/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 99 cuộc, lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 120 Dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT), phát hành 84 BCKT.

Nhìn chung, KHKT được triển khai đảm bảo tiến độ theo phương án tổ chức kiểm toán đã được phê duyệt; KHKT, BCKT được phát hành cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đối với 84 BCKT đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý 14.094 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.015,6 tỷ đồng, giảm chi NSNN khoảng 2.864,8 tỷ đồng; kiến nghị khác 10.213,6 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 84 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý có nội dung không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Kiểm toán Nhà nước: Kiến nghị xử lý hơn 14.000 tỷ đồng, thu ngân sách tăng thêm nghìn tỷ  - Ảnh 1.

Kiểm toán Nhà nước: Kiến nghị xử lý hơn 14.000 tỷ đồng, thu ngân sách tăng thêm nghìn tỷ

Một số kết quả kiểm toán chủ yếu gồm:

Về thu NSNN, báo cáo chỉ rõ: Miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng; chưa điều chỉnh, hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất đối với một số trường hợp ; hoàn trước kiểm tra sau đối với một số trường hợp có rủi ro cao về thuế chưa phù hợp quy định ; một số người nộp thuế kê khai tên hàng hóa/dịch vụ chưa rõ ràng làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định ; tại tỉnh Quảng Ngãi còn có trường hợp bàn giao đất trên thực địa khi chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án đã hết thời hạn thuê đất nhưng chưa làm thủ tục gia hạn hoặc thu hồi đất (29 dự án)...

Về chi ngân sách, trong đó chi thường xuyên theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc lập dự toán một số nhiệm vụ chưa phù hợp , chưa đảm bảo cơ sở ; phân bổ không đúng quy định ; chưa bố trí đủ mức tối thiểu 10% số thu tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ; phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi chưa phù hợp ; sử dụng sai mục đích ; tạm ứng quá hạn chưa thu hồi ; tạm ứng cho nhiệm vụ chi ngoài dự toán ; nhiều đơn vị chuyển nguồn sai quy định; trích thiếu nguồn cải cách tiền lương (CCTL) ...

Trong khi đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) tồn tại bất cập như: Một số địa phương chưa bố trí vốn cho dự án hoàn thành; chưa ưu tiên bố trí vốn xử lý dứt điểm nợ XDCB; bố trí vốn cho một số dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, thiếu thủ tục đầu tư; chưa ưu tiên trả nợ vốn ứng trước; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu không phù hợp Luật Đấu thầu; số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi lớn ; nợ XDCB đến 31/12/2022 lớn ; tiến độ một số dự án còn chậm…

Về việc quản lý, sử dụng tài sản công: Một số đơn vị còn sử dụng xe ô tô vượt quy định ; chưa thực hiện việc chuyển từ giao đất sang thuê đất để kê khai và nộp tiền thuê đất (Bộ Công thương); chưa phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục liên quan về nộp tiền thuê đất theo quy định đối với các đơn vị công lập tự chủ tài chính (Bộ Tư pháp); còn tồn tại trong công tác cho thuê tài sản, liên doanh ; còn tình trạng đất bị lấn chiếm ...

Kiểm toán báo cáo tài chính lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, việc đầu tư vào một số đơn vị không hiệu quả, có kết quả kinh doanh năm 2022 lỗ và lỗ lũy kế ; đầu tư vườn cây kiến thiết cơ bản sinh trưởng, phát triển kém, không đủ điều kiện đưa vào khai thác và đã dừng đầu tư , một số dự án XDCB dở dang đã dừng thực hiện nhiều năm ; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất theo quy định đối với một số khu đất ; chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất ...

Một số chi nhánh thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh cao gấp nhiều lần so với số bình quân chung của hệ thống, kéo dài nhiều năm nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục ; cho vay sai đối tượng , vượt hạn mức ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem