Kiến nghị bổ sung nhân viên siêu thị, cửa hàng đươc ưu tiên tiêm vaccine: Nguy cơ cao, nhiều người muốn được tiêm sớm

Ngọc Lê Thứ sáu, ngày 04/06/2021 11:08 AM (GMT+7)
Mới đây, Bộ Công thương đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung đối tượng ưu tiên được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, trong chiến lược tới đây cần xếp nhóm kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như nhân viên siêu thị, cửa hàng, chợ, kinh doanh xăng dầu vào nhóm được ưu tiên tiêm chủng sớm.
Bình luận 0

Lo lắng có thể gặp F0 bất kỳ lúc nào, được tiêm sẽ yên tâm hơn

Ngày 24/5, 4 tòa nhà thuộc khu Ruby, khu đô thị Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) được lệnh phong tỏa để phục vụ cho công tác điều tra dịch tễ do tại tòa R4 của khu này có phát hiện một trường hợp dương tính với virus SAR-CoV-2, Đỗ Thị Thảo Vân cùng 30 nhân viên trong cửa hàng Seven Food- một trong 2 cửa hàng bán thực phẩm cho toàn khu được lệnh vẫn phải ở lại để phục vụ bán hàng phục vụ cho hơn 1.900 hộ dân toàn khu.

Kiến nghị bổ sung nhân viên siêu thị, cửa hàng đươc ưu tiên tiêm vaccine: Nguy cơ cao, nhiều người muốn được tiêm sớm - Ảnh 1.

Hàng ngày phải tiếp xúc, thanh toán cho hàng trăm khách hàng, Đỗ Thị Thảo Vân- nhân viên cửa hàng siêu thị SevenFood ở 136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội cho biết, cũng có lo lắng về dịch Covid-19 và mong muốn sớm được ưu tiên tiêm chủng vaccine để phòng dịch.

"Lúc đó, chúng em cũng lo lắm, vì sau khi nghe có lệnh phong tỏa, người dân ùn ùn kéo xuống mua hàng hóa để tích trữ, phục vụ sinh hoạt trong những ngày bị phong tỏa, chỉ lo trong những người đến mua hàng có ai đó bị nhiễm thì mình cũng bị xếp vào là F1, lại phải đi cách ly. Với đặc thù phục vụ mặt hàng thiết yếu cho người dân ngay cả khi có dịch, chúng em dù có lo sợ cũng không được nghỉ, vẫn phải đứng bán hàng liên tục"- Vân chia sẻ.
Cũng vì thế, khi nghe được nhắc đến mình đang được kiến nghị đưa bổ sung vào nhóm tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, Vân rất vui và nói: "Em mong được tiêm càng sớm, càng tốt. Bởi hàng ngày như em phải tiếp xúc, thanh toán cho hàng trăm lượt khách khác nhau, lại ở trong môi trường kín, dù đã thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, ngăn giọt bắn nhưng việc ở trong một môi trường có đông người đến- đi như vậy có rất nhiều nguy cơ".

Cùng chia sẻ với ý kiến của Vân, chị Nguyễn Thị Hằng- cửa hàng trưởng cửa hàng siêu thị LeverFood- ở tòa S3 (136 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) cho biết: "Như trong các Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, thì ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội hay thậm chí phong tỏa, thì các cửa hàng bán mặt hàng thiết yếu như thịt, rau, củ, thực phẩm như chúng em vẫn phải mở cửa hoạt động để phục vụ người tiêu dùng".

Theo Hằng, việc nhà nước ưu tiên cho các lực lượng chống dịch tuyến đầu như các nhân viên y tế, công an, quân đội... là rất chính đáng, nhưng sau lực lượng này, Hằng và các nhân viên bán hàng ở đây cũng mong muốn được xếp vào nhóm ưu tiên. "Các cửa hàng như chúng em đúng là thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ, không phải tuyến đầu nhưng là kinh doanh các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được đóng cửa. Vì thế, em và 8 nhân viên đang trực ở đây mong sớm được tiêm vaccine và sẵn sàng đăng ký tiêm ngay nếu được ưu tiên"- Hằng chia sẻ.

Kiến nghị bổ sung nhân viên siêu thị, cửa hàng đươc ưu tiên tiêm vaccine: Nguy cơ cao, nhiều người muốn được tiêm sớm - Ảnh 3.

Kiến nghị bổ sung nhân viên siêu thị, cửa hàng đươc ưu tiên tiêm vaccine: Nguy cơ cao, nhiều người muốn được tiêm sớm - Ảnh 4.

Hàng ngày, các nhân viên bán lẻ phải tiếp xúc gần với hàng trăm lượt khách hàng khác nhau, nên nguy cơ có thể bị nhiễm Covid-19 luôn ở mức cao.

Đã gần 2 tuần nay, Hà Nội thực hiện việc giãn cách một phần như đóng cửa các hàng ăn, quán nhậu để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, Phùng Thị Vân- một nhân viên bán hàng, kiêm thu ngân ở một cửa hàng Vinmart+ trên phố Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) càng bận rộn hơn bởi lượng khách hàng đến cửa hàng mua hàng nhiều hơn, bởi phần lớn đều phải mua đồ về để sinh hoạt ở nhà.

"Trung bình, mỗi ngày chúng em phải đón 400-500 lượt khách đến chọn lựa, mua các mặt hàng, chủ yếu là các đồ ăn, sinh hoạt thiết yếu. Có nhiều người đến vẫn không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, sát khẩu, em phải nhắc nhở liên tục. Vì thế, nguy cơ có thể gặp một F bất kỳ nào đó, thậm chí là F0 luôn hiển hiện"- Vân giãi bày.

Cũng vì thế, Vân bảo: 'Nếu được xếp ưu tiên tiêm vaccine, em sẽ đăng ký và đi tiêm ngay. Chứ giờ vừa bán hàng vừa lo, mỗi khi nghe phát hiện có ca dương tính nào đó, là lại lo ngay ngáy không biết họ có để cửa hàng của mình không, có tiếp xúc gần với mình không".

Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều cửa hàng, siêu thị luôn "lọt" vào danh sách "khấn cấp" tím người đến các địa điểm trên của Bộ Y tế hay các Sở Y tế địa phương vì có người nhiễm virus SAR-CoV-2 từng "ghé" qua. Đã có không ít cửa hàng phải đóng cửa tạm thời để điều tra dịch tễ, có những nhân viên phải đưa đi cách ly để phục vụ công tác phòng dịch.

Kiến nghị ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho nhân viên siêu thị, cửa hàng là chính đáng

Mới đây, Bộ Công thương vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chính thức bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Lý do theo Bộ Công thương, hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số siêu thị, hệ thống phân phối trong vùng dịch đã xuất hiện ca F0 đến mua sắm dẫn đến phải đóng cửa, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu. Do đó, Bộ Công thương cho rằng, việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ người có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh là cần thiết.

Là đơn vị đang sở hữu chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn nhất cả nước, ngày 2/6, Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce (thuộc sở hữu của Tập đoàn Masan) đã có công văn kiến nghị gửi Bộ Y tế, Bộ Công thương đề xuất hỗ trợ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho cán bộ nhân viên khối bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Phương- Phó Tổng Giám đốc Thường trực VinCommerce cho biết: "Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã và đang có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống. Tuy vaayjj, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, ngay cả trong thời điểm bùng phát dịch bệnh, áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Vincommere nói riêng luôn phải mở cửa phục vụ, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chống găm hàng, chống tăng giá, giữ ổn định tâm lý người dân, đảm bảo an sinh xã hội"

Hiện tại, Vincommerce đang có hệ thống 122 siêu thị VinMart, 2.500 Của hàng VinMart+ tại 59 tỉnh thành trên cả nước với 22.206 cán bộ nhân viên, mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng. "Mặc dù tuân thủ tuyệt đối phương án "5K" để bảo vệ người tiêu dùng góp phần đẩy lùi đại dịch... tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm với dịch Covid-19 đối với các nhân viên bán lẻ vẫn rất cao. Vì thế, VinCommerce kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Công thương phối hợp tạo điều kiện cho hơn 22.000 cán bộ nhân viên được nhanh chóng tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ngoài mục đích bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ song song tạo một môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng"- bà Phương chia sẻ.

Kiến nghị bổ sung nhân viên siêu thị, cửa hàng đươc ưu tiên tiêm vaccine: Nguy cơ cao, nhiều người muốn được tiêm sớm - Ảnh 5.

Người dân TP HCM đổ xô đi mua hàng trước giờ giãn cách thành phố theo Chỉ thị 15 mới đây.

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú- Ủy viên BCH Hiệp hội Siêu thị Việt Nam cho rằng, kiến nghị về việc ưu tiên cho các nhân viên khối bán lẻ là hoàn toàn chính đáng và cần lưu tâm. Theo ông Phú, thực hiện theo các chỉ đạo về phòng chống dịch của Chính phủ, ngay cả trong trường hợp xấu nhất là dịch bùng phát mạnh, phải thực hiện cách ly, phong tỏa một khu vực, thậm chí cả một thành phố, thì các cửa hàng bán đồ thiết yếu như siêu thị, cửa hàng vẫn phải mở cửa. 

"Việc ưu tiên tiêm chủng cho khối nhân viên bán lẻ không chỉ bảo vệ chính những người nhân viên, mà còn bảo vệ cho cả cộng đồng. Bởi nếu chỉ cần một nhân viên bị nhiễm Covid-19, thì sẽ có biết bao khách hàng bị ảnh hưởng. Do đó, nếu tiêm được sớm cho khối này vừa để bảo vệ sức khỏe cho các nhân viên đó, cũng là vừa để bảo vệ cho cộng đồng, góp phần tránh lây lan dịch bệnh, cùng nhà nước triển khai các biện pháp phòng, chống được tốt"- ông Phú cho biết.

Tuy nhiên, về nguồn kinh phí để mua vaccine tiêm phòng, ông Phú cho rằng: "Để thống nhất Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nên để cách doanh nghiệp hạch toán vào phí lưu thông hay khấu trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn cứ nói để doanh nghiệp tự bỏ tiền mua, sau này việc hạch toán doanh thu, lợi nhuận sau thuế của họ sẽ bị ảnh hưởng".

Tại cuộc họp ngày 31.5, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã thảo luận về đề nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia tài trợ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 về việc các nhân viên của họ sẽ được ưu tiên tiêm trước.
Theo đại diện Bộ Y tế, việc doanh nghiệp tài trợ kinh phí đủ để mua hàng trăm ngàn liều vắc xin và chỉ mong được tiêm cho mấy trăm nhân viên là nguyện vọng chính đáng và hợp lý.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, những doanh nghiệp, hiệp hội muốn được ưu tiên đều có người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp, ngân hàng, khách sạn, các địa điểm tiếp xúc với nhiều người hay phải làm việc trong môi trường kín… nên đây cũng là những đối tượng rủi ro cao, vào diện sẽ khai báo y tế bắt buộc mà đã được yêu cầu khai báo y tế bắt buộc thì đương nhiên thuộc diện ưu tiên tiêm vaccine trước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem