Kinh tế nóng nhất: Rau, thực phẩm được Hà Nội chuẩn bị thế nào khi phân vùng chống dịch?

Nguyễn Linh (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 04/09/2021 21:21 PM (GMT+7)
Rau, thực phẩm được Hà Nội chuẩn bị thế nào khi phân vùng chống dịch? Đây là thông tin kinh tế nóng nhất hôm nay. Bên cạnh đó còn nhiều thông tin kinh tế nóng khác...
Bình luận 0

Rau, thực phẩm được Hà Nội chuẩn bị thế nào khi phân vùng chống dịch?

Hà Nội sẽ liên kết 45 tỉnh, thành phố với 1.126 đầu mối sẵn sàng cung ứng rau xanh, thực phẩm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô trong thời gian phân vùng giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19.

Kinh tế nóng nhất: Rau, thực phẩm được Hà Nội chuẩn bị thế nào khi phân vùng chống dịch? - Ảnh 1.

Hà Nội hiện có 45 tỉnh, thành phố cung ứng rau xanh, thực phẩm cho thị trường thành phố này. Ảnh TN

Theo đó, nhu cầu tiêu dùng rau xanh, củ quả tươi của người tiêu dùng thủ đô khoảng trên 103.000 tấn/tháng. Ở thời điểm hiện tại, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng các vùng sản xuất ở Hà Nội vẫn đáp ứng khoảng 58%. Số còn lại đang được cung ứng bởi các địa phương xung quanh như Vĩnh Phúc, Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La…

Về nhu cầu thủy hải sản, trung bình mỗi tháng Hà Nội cần tiêu dùng trên 19.500 tấn nhưng hiện tại khả năng cung ứng tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 10.150 tấn, số còn lại đang được cung ứng với các tỉnh có nghề nuôi thủy hải mạnh như Nam Định, Quảng Ninh, Ninh Bình...

Đối với 3 loại thực phẩm chính là thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, Hà Nội đang tự cung cấp được trên 94% từ chăn nuôi của các huyện ngoại thành. Hiện tại, Hà Nội đang duy trì đàn vật nuôi 1,34 triệu con lợn; 39,8 triệu con gia cầm; 157.400 con trâu bò.

Theo tính toán cụ thể trong thời điểm giãn cách xã hội hiện nay, Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ mỗi tháng khoảng 19.200 tấn thịt lợn; 6.200 tấn thịt gia cầm; 5.350 tấn thịt trâu, bò và khoảng 124 triệu quả trứng gia cầm.

Ngoài nguồn tự cung ứng, mỗi tháng Hà Nội đang phải nhập từ tỉnh ngoài 5.420 tấn thịt các loại; trên 7 triệu quả trứng và 4.200 tấn thực phẩm chế biến. Ngoài ra, Hà Nội hiện có các chuỗi thực phẩm lớn như của Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Masan; Tập đoàn DABACO… có hệ thống chăn nuôi gia công từ các tỉnh cung cấp thực phẩm theo chuỗi cho Hà Nội.

Đà Nẵng cho mở lại chợ và quán ăn ở vùng xanh từ ngày 5/9

Từ 8h sáng mai, Đà Nẵng sẽ giám sát người dân thực hiện quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo các vùng khác nhau.

Đáng chú ý trong quy định này, người dân cư trú ở vùng xanh (những phường, xã 14 ngày liên tục không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng), được đi chợ truyền thống với tần suất 5 ngày/lần; mỗi hộ gia đình chỉ được một người đi chợ và phải có giấy đi chợ mã QR hợp lệ theo quy định.

Kinh tế nóng nhất: Rau, thực phẩm được Hà Nội chuẩn bị thế nào khi phân vùng chống dịch? - Ảnh 2.

Chính quyền Đà Nẵng cho phép người dân đi chợ với tần suất 5 ngày lần. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo yêu cầu của chính quyền, tại chợ phải có vách ngăn giữa người bán, người mua và tuân thủ hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được nhận đặt hàng và bán hàng qua mạng; đảm bảo có dây giăng, vạch kẻ để phân luồng, giãn cách giữa những người mua hàng; giao hàng tận nơi cho khách hàng. Không được phục vụ khách tại chỗ.

Trụ vững trên đỉnh cao, vàng được dự báo tăng cao hơn vào tuần tới?

Dự đoán giá vàng tuần tới đa số các chuyên gia đều cho rằng, vàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá.

Kinh tế nóng nhất: Rau, thực phẩm được Hà Nội chuẩn bị thế nào khi phân vùng chống dịch? - Ảnh 3.

vàng được dự báo tăng cao hơn vào tuần tới. Ảnh minh họa CTV

Theo đó, trong 15 nhà phân tích Phố Wall đã tham gia cuộc khảo sát thị trường vàng của Kitco News, 10 người (tương đương 67%) dự báo giá vàng tăng; chỉ có 2 nhà phân tích (13%) cho rằng giá vàng sẽ giảm vào tuần tới; 3 nhà phân tích (20%) cho ý kiến trung lập).

Trong khi đó, với tổng cộng 637 phiếu đã được thực hiện trong cuộc thăm dò trực tuyến trên Phố Main, có 416 người được hỏi (tương đương 65%) cho rằng, giá vàng sẽ tăng vào tuần tới; 118 người khác (19%) cho rằng giá vàng sẽ giảm, trong khi 103 nhà đầu tư nhỏ lẻ (16%) cho ý kiến trung lập.

David Madden, Nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital, nói rằng, ông đang theo dõi đồng USD. Nếu chỉ số USD phá vỡ dưới 91,75, thì vàng sẽ còn tăng cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm rằng, ông muốn thấy giá vàng tăng lên trên 1.835 USD/ounce, bởi đây vẫn là một điểm kháng cự quan trọng trong ngắn hạn. Thị trường kim loại quý đã thử nghiệm và không thể phá vỡ ngưỡng kháng cự này ba lần trong năm nay.

Jim Wyckoff, nhà phân tích kỹ thuật cấp cao tại Kitco.com cho rằng, xu hướng tăng giá có lợi thế kỹ thuật rõ ràng và ông đang tìm kiếm mức giá cao hơn trong thời gian tới. 

Tuần qua giá vàng thế giới đã trải qua nhiều phiên tăng giá, đưa giá vàng lên mức cao nhất trong vòng 2 tháng qua.

Cụ thể, chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tiếp tục xu hướng tăng mạnh khi đứng ở mức 1.827,6 USD/ounce, cao hơn 18 USD so với phiên liền trước. Đây cũng là phiên tăng mạnh nhất trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 9.

So với cuối tuần trước, giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng gần 11 USD và là tuần tăng thứ 4 liên tiếp.

Hãng hàng không lâu đời nhất châu Á xin bảo hộ phá sản tại Mỹ

Philippine Airlines - hãng hàng không lâu đời nhất châu Á, hôm nay 4/9 cho biết, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ, mở đường cho kế hoạch tái cơ cấu nhằm giúp cắt giảm khoản lỗ 2 tỷ USD của công ty do đại dịch Covid-19.

Đơn xin bảo hộ phá sản của hãng hàng không này đã được đệ trình lên tòa án ở New York theo một thỏa thuận với các chủ nợ, người cho thuê, nhà cung cấp và cổ đông lớn của hãng. Kế hoạch tái cơ cấu tùy thuộc vào sự chấp thuận của tòa án, cung cấp cho Philippine Airlines cắt giảm khoản nợ hơn 2 tỷ USD trong khi nhận được 655 triệu USD vốn mới theo Chương 11 của Luật Phá sản. Hãng cũng sẽ giảm 25% quy mô đội bay và đàm phán lại các hợp đồng để giảm các khoản thanh toán thuê. Từ cuối năm ngoái, PAL đã chuẩn bị cho việc tái cơ cấu với sự hậu thuẫn của tòa án trong bối cảnh ngành công nghiệp du lịch và lữ hành đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.

Philippines Airlines cho biết, hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục trong suốt quá trình nộp đơn xin bảo hộ phá sản và hoàn thiện việc tái cấu trúc mạng lưới, đội bay và tổ chức.

Kinh tế nóng nhất: Rau, thực phẩm được Hà Nội chuẩn bị thế nào khi phân vùng chống dịch? - Ảnh 4.

Philippines Airlines hãng hàng không lâu đời nhất Châu Á xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. (Ảnh: Philstar)

Ông Lucui Tan, cổ đông lớn của hãng hàng không cho biết: “Đây là một bước đột phá mang lại thỏa thuận tổng thể giúp hãng hàng không được trang bị tốt hơn để thực hiện các sáng kiến chiến lược và duy trì các liên kết hàng không toàn cầu quan trọng của Philippines với thế giới. Chủ tịch Lucui Tan cũng cảm ơn các bên cho vay và đối tác đã hỗ trợ kế hoạch giúp PAL vượt qua tác động chưa từng có do đại dịch toàn cầu”.

Năm 2020, hãng hàng không Philippines đã mất đi 75% lưu lượng khách do các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch Covid-19. PAL đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay, khiến doanh thu giảm 2 tỷ USD và phải sa thải 2.300 nhân viên. Cổ đông lớn nhất của hãng đã "bơm" hơn 130 triệu USD tiền mặt khẩn cấp và một tài sản không mang tính chiến lược đã được bán với giá hơn 70 triệu USD. PAL hiện vận hành 21% chuyến bay so với trước đại dịch.

Ra đời từ năm 1941, PAL Holdings - công ty mẹ của Philippines Airlines đã gặp nhiều khó khăn trước kia. Năm 1999, hãng hàng không này đối mặt với hàng loạt cuộc đình công lao động trong khi vật lộn với Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và khoản nợ 2 tỷ USD do kế hoạch mở rộng đầy tham vọng của hãng vào thời điểm đó. Năm 2020 đánh dấu năm thứ tư liên tiếp ghi nhận những khoản lỗ nặng nề của Philippines Airlines.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem