Kinh tế toàn cầu suy yếu, 30% dân số Mỹ có nguy cơ thất nghiệp vì Covid-19

24/03/2020 11:57 GMT+7
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD mới đây cảnh báo những tác động lâu dài từ đại dịch Covid-19 sẽ vượt xa tác động tức thì mà nền kinh tế đang cảm nhận ngay lúc này.

Tăng trưởng GDP toàn cầu có thể chỉ đạt 1%

Tổng thư ký OECD, ông Angel Gurria cho biết những tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19 sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới và để lại những hậu quả nghiêm trọng. “Chúng tôi hy vọng đại dịch sẽ được kiểm soát trong 2-3 tháng tới. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ ở trong tình trạng báo động hoặc phá sản trong thời gian đó, và sẽ có bao nhiêu người thất nghiệp”.

“Các hoạt động kinh tế sẽ không thể bình thường hóa trong ngắn hạn. Một thời gian dài sắp tới, chúng ta vẫn sẽ chứng kiến những tác động từ cuộc khủng hoảng đại dịch”. 

Kinh tế toàn cầu suy yếu, 30% dân số Mỹ có nguy cơ thất nghiệp vì khủng hoảng Covid-19 - Ảnh 1.

Kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái do khủng hoảng dịch Covid-19

Tính đến sáng 24/3, toàn thế giới xác nhận 355.469 ca nhiễm Covid-19 và 16.094 ca tử vong, theo dữ liệu thống kê mới nhất của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. 

OECD dự đoán hồi đầu tháng rằng sự bùng phát dịch virus corona kéo dài có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu xuống 1,5% trong năm 2020. Hệ quả thậm chí còn tồi tệ hơn, do các dự báo của OECD được đưa ra khi các quốc gia châu Âu chưa đồng loạt phong tỏa đất nước. Goldman Sachs thì bi quan hơn với nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chỉ đạt 1% trong năm nay, tức dấn sâu hơn vào lãnh thổ suy thoái kinh tế. Suy thoái toàn cầu được định nghĩa là khi tăng trưởng GDP toàn cầu trong cả năm thấp hơn 2,5%.

30% dân số Mỹ có thể thất nghiệp

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh St Louis James Bullard mới đây cảnh báo thất nghiệp tại Mỹ có thể lên tới 30% và thiệt hại kinh tế lên tới 2,5 nghìn tỷ USD do đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.

Bình luận được đưa ra khi Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua gói viện trợ kinh tế, kích thích tài khóa khổng lồ để xoa dịu tác động của dịch bệnh. Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ông Larry Kudlow tiết lộ gói kích thích tài khóa  có tổng trị giá 2 nghìn tỷ USD, tức khoảng 10% quy mô GDP nước Mỹ. Đảng Dân chủ cảnh báo gói kích thích hàng nghìn tỷ USD thậm chí không đủ để cứu trợ doanh nghiệp và người lao động trong cuộc khủng hoảng dịch virus corona. 

Trong khi chính phủ Mỹ đang lưỡng lự, hàng loạt chính phủ Châu Âu đã công bố các gói viện trợ doanh nghiệp và khuyến nghị họ không nên sa thải lao động khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tại Anh, chính phủ Thủ tướng Boris Johnson đã công bố các gói tài chính chưa từng có để hỗ trợ doanh nghiệp trả 80% lương cho lao động nếu họ đảm bảo không sa thải nhân viên.

Tổng thống Donald Trump hồi tuần trước đã ký thông qua dự luật trị giá 100 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp cho người lao động nghỉ phép có lương, nhằm hạn chế tình trạng thất nghiệp tăng đột biến. Dự luật được ban hành sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hồi tuần trước nhảy vọt lên 281.000, mức cao nhất kể từ tháng 9/2017 đến nay. Nhưng nỗ lực này của Trump chắc chắn là chưa đủ. 

Chris Chriskey, chuyên gia kinh tế tài chính tại MUFG Union Bank nhận định chỉ riêng trong ngành dịch vụ nhà hàng, không có gì ngạc nhiên nếu có tới 5-7 triệu người lao động mất việc trong tháng tới, khi các nhà hàng buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Tính đến hôm 23/3, Mỹ xác nhận 35.224 ca nhiễm Covid-19 với 471 trường hợp tử vong. Như vậy, sau Trung Quốc và Italy, Mỹ hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 3 thế giới.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục