Nhật Bản sẽ thiệt hại 6 tỷ USD nếu hoãn Thế vận hội mùa hè Tokyo vì đại dịch Covid-19

24/03/2020 10:19 GMT+7
Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại kinh tế 6 tỷ USD nếu Thế vận hội Mùa hè Tokyo bị hoãn lại do đại dịch Covid-19.
Nhật Bản có nguy cơ lỗ 6 tỷ USD nếu hoãn Thế vận hội mùa hè Tokyo - Ảnh 1.

Các công tác chuẩn bị đã hoàn tất từ lâu nhưng Thế vận hội Tokyo giờ đây đứng trước nguy cơ bị hoãn lại

Các nhà kinh tế nhận định việc Thế vận hội Tokyo bị hoãn lại sẽ gây nên tổng thiệt hại lên tới 600-700 tỷ Yen (5,42 - 6,32 tỷ USD) với nền kinh tế Nhật Bản. Mức thiệt hại sẽ là đòn đánh nặng nề vào nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, quốc gia đã đầu tư hàng tỷ USD để biến Thế vận hội mùa hè thành một cuộc triển lãm quảng bá văn hóa quốc gia.

Rất nhiều doanh nghiệp đã rót tiền vào tài trợ Thế vận hội cũng đứng trước khó khăn lớn, như ông lớn Bridgestone - doanh nghiệp phụ tùng xe đã góp phần lớn vào 3 tỷ USD tài trợ cho Olympic. Bridgestone hôm 23/3 thừa nhận với Nikkei rằng họ đang chuẩn bị cho kịch bản Thế vận hội bị hoãn lại.

“Chúng tôi hiểu rằng cần cân nhắc việc hoãn lại Thế vận hội, vì sự an toàn của các vận động viên và người dân… Tình hình đang thay đổi theo từng ngày, và chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến để chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 23/3 cũng thừa nhận đang xem xét khả năng hoãn lại Thế Vận hội sau khi đoàn thể thao Canada, Australia hủy tham gia để bảo vệ sự an toàn của vận động viên trước đại dịch Covid-19. Còn Mỹ mới đây nhất cũng kêu gọi Nhật Bản hoãn Thế vận hội khi số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới vượt quá 350.000 người.

Trước đó, các nhà quan sát kỳ vọng Thế vận hội năm 2020 sẽ giúp nền kinh tế Nhật phục hồi trở lại sau khoảng thời gian trì trệ vì thương chiến với Hàn Quốc và đợt tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 10/2019. Dự kiến, rất nhiều lĩnh vực từ xây dựng đến dịch vụ sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này. 

Tuy nhiên giờ đây, khi Thế vận hội có nguy cơ không diễn ra như kế hoạch, thiệt hại lớn là điều khó tránh khỏi. Goldman Sachs cũng ước tính Nhật Bản sẽ mất 550 tỷ Yen trong tiêu dùng nội địa và khách du lịch quốc tế nếu Thế vận hội 2020 bị hoãn lại. Một cuộc kiểm toàn hồi cuối năm 2019 cho thấy chính phủ Nhật đã chi hơn 1.000 tỷ Yen đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến Thế vận hội. 

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã chờ đợi đến Thế vận hội để bù đắp lại những tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19. Nhưng với nguy cơ Thế vận hội bị hoãn lại, những tổn thất nặng nề đã hiện ra trước mắt.

Khách sạn Imperial tuần trước đã hạ dự báo lợi nhuận ròng trong năm tài chính quý I/2019-quý I/2020 xuống 2,3 tỷ Yen, tức giảm 37% so với cùng kỳ năm trước đó. Tỷ lệ phòng trống trong tháng 3 lên tới hơn 50%, tăng mạnh so với mức 20% hồi tháng 12/2019. Sự sụt giảm mạnh mẽ lượng khách du lịch quốc tế là nguyên nhân. Hội đồng quản trị khách sạn cho hay họ chưa thể ước tính tổn thất tài chính nếu Thế vận hội bị hoãn lại.

Việc trì hoãn Thế vận hội cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến các công ty chip tài trợ cho Nhật Bản, những người mong muốn thu về lợi nhuận sau khoản đầu tư 3 tỷ USD cho ban tổ chức Olympic Tokyo. Tương tự như Bridgestone, Toyota Motor và Panasonic là các đối tác toàn cầu của Ban tổ chức Thế vận hội. Canon, Asahi Breweries, Mizuho Financial Group và NEC là những đối tác chính thức, có hợp đồng với ban tổ chức Thế vận hội Tokyo.

Airweave là doanh nghiệp dự kiến sẽ cung cấp 18.000 bộ chăn ga gối cho các vận động viên trong thời gian diễn ra Olympic. Chủ tịch Airweave - ông Motokuni Takaoka nói rằng ông hiện không được ban tổ chức thông báo về việc các điều khoản tài trợ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong trường hợp Thế vận hội bị hoãn lại. “Cho đến giờ phút này, công ty vẫn đang bám sát các kế hoạch ban đầu”.

Bên cạnh những tác động kinh tế khổng lồ, việc trì hoãn Thế vận hội mùa hè đến năm 2021 sẽ khiến Olympic diễn ra cùng thời gian với các sự kiện thể thao lớn như giải vô địch bơi lội thế giới ở Fukuoka (Nhật Bản) hay giải vô địch điền kinh thế giới ở tiểu bang Oregon (Mỹ).

Thùy Dung
Cùng chuyên mục