Kinh tế Trung Quốc lao đao, cả thế giới lo lắng?

16/09/2019 15:09 GMT+7
Không chỉ được mệnh danh là thị trường tỷ dân, Trung Quốc còn được biết đến như công xưởng của thế giới. Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi thương mại quốc tế, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ gây nên hiệu ứng gợn sóng khiến thị trường toàn cầu sụp đổ theo.

Sản lượng công nghiệp Trung Quốc thấp nhất trong 17 năm

Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tháng 8 thấp nhất trong 17 năm trở lại đây

Sản lượng công nghiệp - thước đo sản lượng các ngành công nghiệp sản xuất, khai thác và tiện ích của Trung Quốc chỉ đạt mức tăng 4,4% trong tháng 8, giảm 0,4% so với mức 4,8% hồi tháng 7 và kém xa mức dự kiến 5,2% của các nhà kinh tế Bloomberg. Đây cũng là mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp thấp nhất trong 17 năm trở lại đây, tính từ tháng 2/2002.

Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia NBS chỉ ra sự sụt giảm rõ rệt trong cả sản lượng công nghiệp sản xuất và khai thác. Cụ thể, sản lượng sản xuất công nghiệp tăng 4,3% trong tháng 8, giảm từ mức 4,4% trong tháng 7 và 5,2% trong tháng 6. Còn sản lượng khai thác tăng 3,7% trong tháng 8, giảm mạnh từ mức 6,6% hồi tháng 7. Sự sụt giảm sản lượng công nghiệp diễn ra ngay trước khi thuế quan 15% của Mỹ với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực một phần vào 1/9. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy mối quan ngại thuế quan và niềm tin thị trường giảm sút là nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp Trung Quốc suy yếu rõ rệt. 

Cũng theo dữ liệu mà Cục Thống kê Quốc gia NBS công bố hôm 16/9, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc chỉ tăng 7,5%, thấp hơn dự báo 7,9% của các nhà phân tích và giảm nhẹ so với mức tăng 7,6% hồi tháng 7. Đây cũng là mức tăng trưởng doanh số bán lẻ thấp nhất kể từ tháng 4 đến nay. Một ví dụ, trên thị trường xe hơi Trung Quốc, doanh số bán lẻ ô tô đã giảm 6,9% trong tháng 8, tháng giảm thứ 14 liên tiếp.

Liên quan đến cán cân thương mại, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 1% trong tháng 8 trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 5,6%. Số liệu này phản ánh rõ rệt sự giảm cầu trong cả thị trường nội địa và toàn cầu, một trong những dấu hiệu suy thoái rõ rệt. Chỉ số quản lý thu mua sản xuất PMI của Trung Quốc tiếp tục âm trong tháng 8 do áp lực thuế quan của Trump. 

Chi phí đầu tư cho tài sản cố định bao gồm bất động sản, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị...cũng tăng 5,5%, giảm từ mức tăng 5,7% hồi tháng 7 và một lần nữa không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích. Đây cũng là mức tăng trưởng chi phí tài sản cố định thấp nhất trong vòng 1 năm nay, kể từ tháng 8/2018. Bất chấp nỗ lực hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng, tung gói kích cầu kinh tế của Bắc Kinh, đầu tư cho tài sản cố định vẫn giảm. Điều này không chỉ đặt ra câu hỏi về hiệu quả các gói kích cầu của Chính phủ Trung Quốc, mà còn thể hiện sự yếu kém trong các ngành sản xuất công nghiệp, bất động sản…

Suốt nhiều tháng qua, do ảnh hưởng của thương chiến, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã nỗ lực bơm tiền vào nền kinh tế dưới dạng các gói vay lãi suất thấp để kích thích đầu tư và tiêu dùng. Tuy nhiên, không chỉ đầu tư tài sản cố định giảm, doanh số bán lẻ cũng giảm phản ánh gánh nặng nợ nần ngày một lớn của Trung Quốc. Ước tính, tổng nợ Chính phủ, Doanh nghiệp và người dân nước này hiện đã lên tới 30% GDP. Nghiêm trọng hơn, Bắc Kinh giờ đây buộc phải tung thêm gói vay nợ trong nỗ lực cứu nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Nợ chồng chất nợ, kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang trong hiểm cảnh. 

“Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế theo chu kỳ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố nội địa, bao gồm môi trường tài chính thắt chặt và chi tiêu Chính phủ địa phương giảm sút”, đánh giá của Andrew Polk, đồng sáng lập công ty tư vấn kinh tế Trivium China.

Mỹ và Trung Quốc sẽ tái khởi động đàm phán thương mại vào đầu tháng 10 tới 

Niềm tin thị trường đã lạc quan hơn vào tháng 9 sau khi Washington và Bắc Kinh để ngỏ khả năng đạt tới một thỏa thuận thương mại ngắn hạn tại vòng đàm phán thương mại diễn ra vào đầu tháng 10. Cùng với đó, cả hai nước liên tục thể hiện những cử chỉ thiện chí đáng hoan nghênh. Trong khi Trung Quốc thêm một số mặt hàng nông sản Mỹ vào danh sách miễn thuế, Mỹ cũng tuyên bố hoãn thời hạn tăng thuế với 250 tỷ USD hàng hóa sang ngày 15/10.

Một thỏa thuận tạm thời giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - dù khả năng này khá mong manh - cũng có thể giúp thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng vốn đang trì trệ tại Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để mong chờ thỏa thuận lúc này, khi mà các xung đột cơ bản giữa Bắc Kinh và Washington vẫn đang tồn đọng tại chỗ. 

Kinh tế Trung Quốc suy yếu, vì sao thế giới phải lo lắng?

Nền kinh tế Trung Quốc ước tính có quy mô lên tới 14 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ, chiếm tới 1/3 tăng trưởng toàn cầu mỗi năm. Không chỉ được mệnh danh là thị trường tỷ dân, Trung Quốc còn được biết đến như công xưởng của thế giới. Sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong khi kinh tế Mỹ chiếm vị thế tiên phong nhiều năm nay, sự  mở rộng của một nền kinh tế Châu Á như Trung Quốc trong thập kỷ qua là một diễn biến quan trọng. Và chắc chắn rằng, với vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi thương mại quốc tế, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ gây nên hiệu ứng gợn sóng khiến thị trường toàn cầu sụp đổ theo. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mới đây cũng thừa nhận tăng trưởng GDP nước này năm 2019 khó mà đạt được con số 6%. Ở một góc độ nào đó, 6% là tốc độ tăng trưởng lớn, gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu.

Nhưng trong bối cảnh gánh nặng nợ đang khiến Trung Quốc lao đao, khả năng trả nợ phụ thuộc hoàn toàn vào tăng trưởng GDP để tạo ra lợi nhuận, thì tốc độ tăng trưởng dưới 6% không nghi ngờ gì là một cú sốc lớn. Nó thách thức khả năng trả nợ của Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình Trung Quốc khi mà Bắc Kinh đang bơm thêm tiền vào nền kinh tế, khiến nợ thêm chồng chất nợ. Nhiều chuyên gia nhận định, chính sách “dùng nợ trị nợ” mà Trung Quốc đang theo đuổi rất có thể sẽ gây ra khủng hoảng tài chính lớn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Từ lĩnh vực thương mại đến tài chính, công nghệ… chiến tranh thương mại Mỹ Trung và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc rõ rành đã định hình lại thương mại toàn cầu. Khu vực đồng EUR lao đao, nhiều ngân hàng Nhà nước như Thái Lan, Ấn Độ, New Zealand và cả Việt Nam vội vàng cắt giảm lãi suất để tạo động lực cho nền kinh tế. 10 thước đo sức khỏe nền kinh tế toàn cầu của Bloomberg đều chỉ ra sự giảm tốc rõ rệt. 

Nhìn chung, một khi nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu lao đao, hiệu ứng kéo theo chắc chắn sẽ khiến thế giới phải lo lắng.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục