Kinh tế Việt Nam có phụ thuộc vào chuyện cấm xe máy?

Nguyễn Quang A Thứ hai, ngày 01/02/2016 13:40 PM (GMT+7)
Kiến trúc sư, nhà biếm họa tài ba Lý Trực Dũng gây sốc khi ông khẳng định: “Kinh tế Việt Nam sập nếu không có xe máy 1 tuần”. Ý kiến này cũng được mạng xã hội dẫn lại và bình luận khá sôi nổi một vài ngày gần đây.
Bình luận 0

Thực hư thế nào?

KTS Lý Trực Dũng đúng ở điểm kinh tế không thể phát triển nếu không có hệ thống giao thông hiệu quả. Người dân khó đến được nơi làm việc, sự vận chuyển hàng hóa kém hiệu quả thì nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng và có thể sập nếu việc này diễn ra thường xuyên.

Việc ông phê phán quy hoạch đô thị kém là hoàn toàn chính xác. Hà Nội lấp hồ, TP Hồ Chí Minh lấp kênh rạch (và TP Hồ Chí Minh phát triển đô thị về phía Đông Nam, phía thoai thoải ra biển, tạo ra các con đê ngăn nước thoát) khiến cho mưa một chút là cả hai thành phố bị lụt, triều dâng là Hồ Chí Minh bị lũ là nhận xét hoàn toàn chính xác và sự quy hoạch sai lầm này không thể sửa lại sau nhiều thập kỷ, thậm chí thế kỷ.

Hiện tượng tắc nghẽn giao thông là hệ quả của lỗi hệ thống từ hàng chục năm nay chứ không phải lỗi của người dân là rất chính xác. Tuy nhiên, khẳng định của ông Dũng rằng “nếu không có xe máy, chỉ trong một tuần toàn bộ nền kinh tế Việt Nam sẽ sập” cần xem xét lại, tuy ý của ông rằng “việc cấm xe máy là đề xuất vớ vẩn” lại rất đúng.

Tôi cho rằng ngay cả nền kinh tế Việt Nam không sập nếu cấm xe máy thì đề xuất cấm xe máy cũng vẫn là vớ vẩn.

img

Lòng đường đã chật hẹp nhưng vẫn phải "cắt" thêm phần cho rào chắn lô cốt

Giả như không có xe máy, hay xe máy bị cấm tiệt, thì người dân vẫn phải tìm ra phương tiện giao thông thích hợp (xe công cộng, ô tô riêng, xe đạp, đi bộ) để làm ăn (và sự tốn thêm hay tiết kiệm được thời gian là không quá khó để ước đoán). Chỉ trên cơ sở số thời gian tốn thêm (hay tiết kiệm được) khi không có xe máy so với khi có xe máy thì mới có thể tính được thiệt hại (hay lợi ích) của việc không có xe máy trong 1 tuần hay trong một năm.

Hãy ước lượng sơ bộ. Cứ cho là hàng ngày có 20 triệu xe máy hoạt động và giả thiết rằng trung bình họ cần 30 phút để đến nơi làm việc và như thế mỗi ngày tốn 1 giờ cho việc đi làm và về nhà. Không có xe máy, tồi nhất họ phải đi bộ, trung bình chắc cần 3 giờ/ngày để đến nơi làm việc và về nhà (tại Manila, Phillipines người lao động trung bình cần khoảng thời gian như thế hay hơn hàng ngày). Nếu thế thì thiệt hại sẽ là 2 giờ/ngày. Nói cách khác trong 1 tuần (5 ngày làm việc) sẽ tốn thêm 10 giờ (bằng 1,25 ngày làm việc). Như thế nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể sập nếu không có xe máy một tuần.

Việc hô hào xây dựng đường sắt đô thị (kể cả metro) nói riêng và mạng lưới giao thông công cộng nói chung ở các thành phố lớn là rất đúng. Không có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả thì không có sự phát triển kinh tế thật sự ở các thành phố đó.

Hệ thống giao thông công cộng ở các đô thị giúp sức lao động di chuyển. Hệ thống giao thông hiệu quả nói chung giúp sức lao động và hàng hóa di chuyển mau lẹ, hai nhân tố quan trọng bậc nhất trong sự phát triển kinh tế và xã hội. Các nhà hoạch định chính sách biết điều đó, nên khoản đầu tư giao thông suốt vài chục năm qua đã chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu của nhà nước.

Đã có sự cải thiện đáng kể, nhưng còn quá nhiều việc phải làm và tính hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Càng đầu tư nhiều, “phần trăm”, “lại quả” càng lớn và hiện tượng tham nhũng trong đầu tư giao thông là câu chuyện nhức nhối. Nạn ăn cắp, rút ruột công trình giao thông khiến giá thành xây dựng đường sá ở Việt Nam vào loại cao nhất thế giới. Phải minh bạch, phải để người dân và các tổ chức độc lập tham gia tích cực hơn để nâng cao hiệu quả của việc đầu tư giao thông và vận hành hệ thống giao thông.

Đó là việc quan trọng hơn sự cấm đoán phương tiện giao thông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem