Ký ức Hà Nội: Bánh mì nóng và những tiếng rao đêm xao xuyến lòng người

Cao Thị Nga Thứ ba, ngày 28/06/2022 08:41 AM (GMT+7)
Mấy đứa cùng phòng thường hay rủ nhau đi mua những ổ bánh còn nóng hổi vừa mới ra lò để về ăn đêm. Những chiếc bánh thơm nức mùi thị thành mà lại vô cùng dân dã...
Bình luận 0

"Ai bánh mì nóng nào, bánh mì nóng giòn đây!" Đó là âm thanh quen thuộc của những đêm Hà Nội một ngày rất xa... 

Ngày mà tôi mới hơn hai mươi, là công nhân may và ở trọ trong một con ngõ nhỏ trên đường Trường Chinh, đoạn gần Ngã Tư Sở, ngày ngày đi làm qua con sông Tô Lịch màu nước quánh đen và bốc mùi khủng khiếp.

Tất nhiên bánh mì có quanh năm, bán cả sáng, cả chiều nhưng chỉ vào những đêm mùa đông, khi tiếng rao cất lên, lọt thỏm vào từng con phố lạnh người ta mới có những cảm xúc bâng khuâng. Và cũng chính những tiếng rao ấy đã trở thành một phần nỗi nhớ nếu như ai đó phải rời xa Hà Nội.

Gần chỗ tôi ở có một lò bánh mì đêm ngày đỏ lửa. Mấy đứa cùng phòng thường hay rủ nhau đi mua những ổ bánh còn nóng hổi vừa mới ra lò để về ăn đêm. Những chiếc bánh thơm nức mùi thị thành mà lại vô cùng dân dã. Bẻ từng miếng nhỏ đưa vào miệng nhai, ban đầu là giòn, sau mềm dần và tan biến cùng những vị ngọt ngon và rồi… ấm bụng. 

Ngày đó chúng tôi thường chỉ ăn bánh mì không đã thấy ngon, chẳng bao giờ nghĩ đến phải kẹp chả, pate, xúc xích hay trứng tráng như bây giờ.

Ký ức Hà Nội: Bánh mì nóng và những tiếng rao đêm xao xuyến lòng người  - Ảnh 1.

Những ổ bánh mì được bày bán trên con phố Hà Nội. Ảnh: Cao Thị Nga

Cái cảm giác chờ đợi bên lò than và nói dăm ba câu chuyện phiếm với những người thợ cũng thật là thú vị. Cảm giác ấy nó gợi nhớ về những bếp lửa mùa đông ở quê nhà, nơi quây quần ấm sực tình thân và nồng nàn mùi khói.

Có một anh bộ đội trường quân nhạc, yêu một chị ở phòng tôi. Tối thứ bảy nào anh cũng sang chơi đem theo một bọc bánh mì nóng chia cho mấy đứa em háu ăn và đưa chị đi chơi. Chúng tôi gọi đó là "món quà hối lộ tình yêu". 

Nhiều buổi tối tôi đi làm về muộn, khi mà bữa ăn ca ở xưởng đã gần như bị tiêu hoá hết thì chẳng có mong ước nào hơn là một ổ bánh mì. 

Vào một đêm đông như thế khi tôi trở về thì lò bánh đã hết hàng hoặc có việc gì đó mà đóng cửa im lìm. Món bún, phở với đồng lương công nhân là một thứ quà quá đỗi xa xỉ. Tôi còn đang không biết phải ăn gì thì bất chợt có tiếng rao bánh mì. 

Tôi gọi lại hỏi mua, được chị bán hàng đưa cho một chiếc bánh còn lại duy nhất trong thúng và nó đã nguội. Vì đang mệt nên tôi hơi sẵng giọng: "thế này mà chị bảo bánh mì nóng giòn, rao bánh nguội cho thật thà!"

Nhìn chị bán hàng phân bua mà mồ hôi lấm tấm trên trán giữa trời đông tôi cũng thoáng một chút mủi lòng nhưng rồi vẫn quyết định không mua. Đang lúc mệt mỏi thế này, bánh mì nguội quả thực là không nuốt nổi.

Tôi về phòng với cái bụng rỗng còn chị bán bánh quay đi cùng tiếng thở dài. Đêm ấy tôi đã nằm trằn trọc mãi, vì đói, vì một chút ăn năn hay vì tiếng rao bánh mì cứ quanh quẩn đâu đây, len lỏi vào từng khe cửa.

Ngay tối hôm sau tôi đã "sửa sai" bằng cách gọi đúng chị bán bánh mì hôm trước (tôi nhận ra chị qua tiếng rao) để mua cho cả phòng cùng ăn. 

Bánh cũng đã nguội và tôi chợt nhận ra rằng nó không hề đáng chán như tôi nghĩ. Chỉ cần là bánh mới thì dẫu nguội rồi nó vẫn thơm, vỏ bánh không còn giòn mà dai dai, bùi bùi và có một vị ngon riêng.

Ký ức Hà Nội: Bánh mì nóng và những tiếng rao đêm xao xuyến lòng người  - Ảnh 3.

Nhiều người khi về quê thường mua bánh mì về làm quà. Ảnh: Cao Thị Nga

Mỗi lần về quê, tôi thường mang theo đôi ba chục bánh mì làm quà cho các em, các cháu. Món quà khá là "cồng kềnh", chẳng tốn mấy tiền nhưng lại vô cùng quý giá sau tiếng xuýt xoa của lũ trẻ: "bánh mì Hà Nội có khác, ngon thật!".

Tất nhiên, bánh mang từ tận thủ đô về đến quê tôi sau một chặng đường 70km thì nó cũng đã nguội ngắt, nguội ngơ. 

"Không chịu học hành tử tế rồi sau chỉ có đi bán bánh mì thôi! "- Nghe mấy câu cửa miệng dùng để răn dạy con của các ông bố, bà mẹ thời đó cũng đủ thấy cái nghề không mấy được trọng vọng rồi. 

Có phải chăng vì thế mà đến tiếng rao cũng trở nên khắc khoải, thẳm buồn như những phận người lầm lũi trong bóng đêm phố thị?

Có một lần tôi đã bâng quơ hỏi chị hàng bánh dăm ba câu. Hôm đó chị hết hàng sớm nên được dịp "buôn chuyện". Chị kể chị đã xây được căn nhà mái bằng ở quê, ba đứa con đều học hành giỏi giang và ngoan ngoãn. 

Tất cả đều nhờ vào tiền chị gửi về. Ở đây sống kham khổ thế nào cũng được, cả ngày, cả tối chị đi bán rong, đêm về phòng trọ tập trung, chỉ 2.000 đồng cho một chỗ ngả lưng sau khi tắm rửa qua loa, vậy là đủ rồi.

Và từ đó, tôi thấy vui mỗi lần nghe một tiếng rao bán bánh mì của chị hay của bất cứ người nào khác. Tiếng rao ấy không còn cái khắc khoải, buồn bã của đêm đông mà dường như khoẻ khoắn hơn, gieo niềm hân hoan vào từng con ngõ nhỏ.

Bài viết dự thi Bánh mì nóng và những tiếng rao đêm xao xuyến lòng người Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem